(KT&TD) – Nhóm nghiên cứu của VCCI cho rằng, trong danh mục 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hiện có 26 ngành nghề không phù hợp. Tuy nhiên, có ý kiến nói con số 26 ngành nghề không phù hợp là quá ít, VCCI nên kiến nghị bỏ đi một nửa danh mục nói trên.
VCCI cho rằng một số ngành nghề trong danh mục kinh doanh có điều kiện không tác động đáng kể tới lợi ích công cộng, có thể quản lý bằng hình thức khác thay vì điều kiện kinh doanh, thậm chí không phải là ngành, nghề kinh doanh… (Ảnh: Linh Lê). |
Hôm nay (ngày 30/6), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu, Luật Đầu tư 2014, sửa đổi năm 2016 điều chỉnh từ 267 xuống còn 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, VCCI cho rằng trong danh mục này vẫn còn nhiều ngành, nghề không phù hợp.
Trong đó, một số ngành, nghề không có tác động đáng kể tới lợi ích công cộng. Đó là những ngành, nghề kinh doanh thông thường, các rủi ro được giải quyết bằng pháp luật dân sự hoặc không có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, trật tự, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng (như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển…).
Một số ngành, nghề khác có thể quản lý bằng hình thức khác thay vì điều kiện kinh doanh như quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định quản lý quá trình kinh doanh hay quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra… Có thể kể đến như ngành xuất khẩu gạo; sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; dịch vụ sản xuất, phát hành phim; dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng; kinh doanh dịch vụ lữ hành…
Thậm chí, có ngành, nghề thuộc danh mục nhưng lại không phải là ngành, nghề kinh doanh. Ví dụ như “kinh doanh dịch vụ logistics” thuộc danh mục nhưng logistics lại bao gồm nhiều hoạt động như vận tải, đóng gói, làm thủ tục thuế, hải quan… và mỗi hoạt động đó lại là một ngành, nghề riêng; hoặc “hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại” không có mục đích lợi nhuận; “hoạt động nhượng quyền thương mại” là phương thức kinh doanh chứ không phải là ngành, nghề…
Ngoài ra, nhiều ngành, nghề khác trong danh mục không rõ tính đặc thù so với các ngành nghề kinh doanh thông thường cùng loại; có phạm vi kiểm soát quá mức cần thiết.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI kết luận: “Nhóm nghiên cứu kiến nghị danh mục hiện có 16 ngành, nghề chưa phù hợp và 10 ngành, nghề có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp, tổng cộng có 26 ngành, nghề”.
Nhận xét về kết quả Báo cáo trên, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC thẳng thắn nói: “VCCI nên kiến nghị dẹp bỏ 1/3, thậm chí 1/2 các ngành, nghề trong danh mục kinh doanh có điều kiện, chứ 26 ngành nghề vẫn là quá ít. Thực tế, cứ 10 ngành nghề bỏ điều kiện kinh doanh thì lại có thêm 7 ngành, nghề mới xuất hiện điều kiện kinh doanh, nên thực chất chỉ bỏ được 3 ngành, nghề mà thôi”.
Luật sư Đức giải thích cụ thể hơn, các đối tượng liên quan (thậm chí là chính doanh nghiệp) không muốn bỏ điều kiện kinh doanh do vấn đề lợi ích nhóm đang tồn tại. Ví dụ trong lĩnh vực kinh doanh xăng, gạo… doanh nghiệp không muốn bỏ điều kiện về quy mô bởi nhờ nó có thể loại bớt nhiều đối thủ yếu thế về quy mô hơn mình.
Luật sư Trương Thanh Đức đánh giá, nhiều bên liên quan không muốn bỏ điều kiện kinh doanh vì liên quan đến lợi ích nhóm. (Ảnh: Linh Lê) |
Cũng góp ý về dự thảo Báo cáo nói trên, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Hải Dương cho rằng, đối tượng nghiên cứu chỉ có 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng lại có hơn 3.400 giấy phép kinh doanh các loại. Như vậy, phạm vi nghiên cứu cần giới hạn lại chỉ là các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện ở một số ngành, lĩnh vực thôi.
Doanh nghiệp hiện đang “khổ sở” vì việc công khai các điều kiện kinh doanh chưa hệ thống theo cả quy trình, các điều kiện được công bố lẻ tẻ mỗi ngành một ít khiến chi phí tuân thủ pháp luật tăng cao, đi liền với đó là cơ hội phát sinh nhũng nhiễu doanh nghiệp…
Không những thế, các bộ ngành, địa phương không được phép ban hành điều kiện kinh doanh nhưng lại có thể đặt ra tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành, quy hoạch ngành và giá cả hàng hóa… để “hành hạ” doanh nghiệp là ăn chân chính.
Bản góp ý của ông Hiền nhận định, Luật Đầu tư và các luật khác liên quan về ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần tiếp tục được sửa đổi theo hướng không phân biệt ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngành nào không như hiện nay. Về bản chất, không có hoạt động kinh doanh nào, thuộc ngành nghề nào là “không có điều kiện”, không phải đáp ứng yêu cầu hay điều kiện nào…
Linh Lê
———–
Kinh tế & Tiêu dùng (Kinh tế) 30-6-2017:
http://vietnambiz.vn/vcci-26243-nganh-nghe-kinh-doanh-co-dieu-kien-chua-phu-hop-25089.html
(166/1.016)