1.373. Bỏ trần lãi suất: Cân nhắc đến ổn định kinh tế vĩ mô

“Các bộ, ngành nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động (LSHĐ) 6 tháng” – đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại phiên họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia mới đây. Đây không phải lần đầu tiên kiến nghị bỏ trần lãi suất được đề cập tới. Với tình hình thị trường hiện nay, liệu đã tới thời điểm thuận lợi để NHNN xem xét dỡ bỏ trần lãi suất? Thời báo Ngân hàng xin trích lược ý kiến của một số chuyên gia xung quanh vấn đề này.

TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:

Không phải nói là bỏ ngay, mà cần đánh giá tác động

Nhìn lại lịch sử thì việc NHNN đặt ra trần lãi LSHĐ cũng có lý do. Bởi khi đó có một số NHTMCP yếu kém, khó khăn về thanh khoản nên đã để xảy ra hiện tượng chạy đua tăng LSHĐ. Vì vậy, NHNN phải đặt ra mức trần LSHĐ làm “barie” để kiểm soát.

Tuy nhiên, duy trì trần LSHĐ trong thời gian quá dài cũng không tốt, nhất là khi chúng ta đang hướng dần điều hành hoạt động ngân hàng và lãi suất theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, sau giai đoạn tái cơ cấu các TCTD vừa qua, các NHTM đã được sắp xếp lại tương đối ổn, cùng với việc 4 NHTM lớn vừa giảm LSHĐ cho thấy tình hình thanh khoản dồi dào nên có thể xem xét, nghiên cứu bỏ trần LSHĐ.

Những điều kiện cần đang hiện hữu để hỗ trợ cho cơ hội bỏ trần lãi suất

Khi bỏ trần LSHĐ, chúng ta cũng sẽ bước thêm một bước, thể hiện sự nhất quán là NHTW can thiệp vào thị trường tiền tệ và lãi suất nói riêng bằng các công cụ gián tiếp và bớt can thiệp hành chính. Chúng ta đang bước vào hội nhập sâu rộng, đơn cử 10 NHTM đã được chọn để thí điểm áp dụng Basel II. Và khi đã áp dụng các chuẩn mực quốc tế, càng cần hạn chế dần áp dụng biện pháp hành chính.

Tôi cho rằng, xem xét bỏ trần LSHĐ nhưng không phải nói là bỏ ngay mà cần nghiên cứu đánh giá tác động, theo dõi sát thị trường trong vài tháng và có thể áp dụng từ đầu năm 2017 chẳng hạn. Thậm chí sau khi bỏ trần một thời gian mà có gì không ổn, thì đặt lại trần lãi suất cũng hết sức bình thường.

TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:

Phải nghiên cứu nghiêm túc và có lộ trình

Tại sao lại đưa ra vấn đề bỏ trần LSHĐ? Điều kiện để tháo bỏ “barie” lãi suất thế nào? Tôi cho rằng có hai điều kiện rất quan trọng nếu không nói là tiên quyết. Thứ nhất, kinh tế vĩ mô phải ổn định tương đối vững chắc. Đằng sau sự ổn định ấy thì dư địa CSTT, chính sách tài khóa cùng với việc hoàn thiện các công cụ này phải đầy đủ và có hiệu lực. Thứ hai, sự vận hành hệ thống ngân hàng cũng phải lành mạnh.

Xét từng điều kiện cụ thể, trong vài năm qua chúng ta đã cải thiện được đáng kể một số chiều cạnh. Ví dụ như ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát hiện nay ở mức tương đối thấp so với nhiều giai đoạn cải cách phát triển của Việt Nam trước đây. Năm nay, lạm phát tuy cao hơn năm ngoái nhưng vẫn ở mức thấp và chấp nhận được. Nếu nhìn sâu chút nữa những vấn đề như dự trữ ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế đều cải thiện rất nhiều… Nhưng nếu nói các điều kiện thuận lợi trên đã vững chắc chưa thì có thể khẳng định là chưa.

Về góc độ vĩ mô: ngân sách nhà nước, nợ công đang là vấn đề khá là nhức nhối. Khi nhìn vào trạng thái ngân sách của Việt Nam với tình hình nợ công hiện nay thì thị trường khó có thể tin cậy cao về khả năng duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất thị trường vẫn có độ vênh không đồng điệu.

Một vấn đề rất quan trọng nữa là sự vận hành lành mạnh, trơn tru của hệ thống ngân hàng. Mặc dù đã tránh được đổ vỡ, chặn đứng sự lây lan của một số ngân hàng yếu kém sang toàn bộ hệ thống, thế nhưng quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn đang dang dở. Chưa nói là khả năng đáp ứng tốt các chuẩn mực thông lệ quốc tế của nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng đang ngày càng mở cửa hội nhập sâu hơn cũng còn cả chặng đường trước mắt.

Gắn điều kiện tiên quyết với “hình hài” thực tế của thị trường tiền tệ tài chính Việt Nam hiện nay cũng nên đặt ra. Để thay đổi nên có các nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này, tất nhiên không thể kéo dài. Quan trọng là có những bước đi để tránh những xáo trộn; vừa phải ổn định, dần lành mạnh hóa hệ thống tài chính – ngân hàng, vừa phải đảm bảo phối hợp chính sách tài khóa – tiền tệ nhịp nhàng…

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Lãi suất phải theo đúng thực chất

“Ép” trần lãi suất, theo tôi không thực sự có nhiều ý nghĩa. Với ngân hàng này có thể không quan tâm tới trần, nhưng đối với nhà băng khác thì rất có thể sẽ có tình trạng vượt trần. Nên cốt yếu là làm sao để hạn chế chuyện vượt trần dẫn tới rủi ro. Bên cạnh đó ngân hàng cũng nên gửi thông điệp cho khách hàng, rằng, nếu ngân hàng nào áp dụng lãi suất vượt trần chứng tỏ uy tín của ngân hàng đó không tốt.

Để lãi suất giảm theo đúng thực chất mới là việc nên bàn, chứ có hay không có trần LSHĐ cũng chỉ mang tính tương đối. Hiện đã là thời điểm khá hợp lý và cần thiết để tiến tới xoá bỏ biện pháp hành chính này. Về phía nhà điều hành, NHNN cần có trách nhiệm “ra tay” trong trường hợp lãi suất huy động bị đẩy lên quá cao, tránh để nguy cơ tiềm ẩn, dẫn tới lúc sẽ không kịp trở tay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế:

Nên để cung cầu thị trường quyết định

Cá nhân tôi ủng hộ đề xuất của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Để tạo ra môi trường thuận lợi cho việc thả nổi lãi suất, điều kiện đầu tiên là lạm phát phải thấp. Năm 2015, lạm phát của chúng ta ở mức thấp, năm nay mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 5% có khả năng giữ được. Thứ hai, để thả nổi lãi suất, thanh khoản trên thị trường phải dồi dào.

Hiện hệ thống ngân hàng không bị áp lực thanh khoản, các DN có thể vay ở mức lãi suất chấp nhận được so với lãi suất cao 18 – 19% của những năm trước. Như vậy những điều kiện cần đang hiện hữu để hỗ trợ cho cơ hội bỏ trần lãi suất. Dù không được hoàn hảo, khi khả năng cạnh tranh của các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay chưa đồng đều, nhưng theo tôi đây là thời điểm để xem xét nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất.

Tất nhiên, việc dỡ bỏ trần lãi suất là thách thức lớn đối với NHNN trong điều hành CSTT. Nhưng không có “trần”, thì NHNN cũng sẽ có những công cụ khác để điều chỉnh thị trường. Cốt yếu là ngân hàng phải có kế hoạch sử dụng công cụ điều chỉnh mặt bằng lãi suất như: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất qua đêm, dự trữ bắt buộc… vào chu vi mà mình muốn, để đạt được mục tiêu ổn định lãi suất.

Trên thế giới, các NHTW thường sử dụng ba công cụ có thể nói là trọng yếu để điều chỉnh CSTT: OMO, lãi suất tái chiết khấu và dự trữ bắt buộc. Sớm muộn cũng sẽ tới lúc NHNN Việt Nam phải sử dụng những công cụ theo thông lệ chính sách của các NHTW trên thế giới để điều chỉnh lãi suất, tạo lập ra nền kinh tế thị trường trong hệ thống ngân hàng.

Có ý kiến lo ngại rằng việc dỡ bỏ trần lãi suất sẽ dẫn tới nguy cơ lạm phát cao có thể tái diễn. Tôi không quá lo lắng về vấn đề này. Việc điều chỉnh lãi suất, nếu có, sẽ ở trong một giới hạn nhất định. Và như đã đề cập ở trên, NHNN vẫn có những công cụ để điều hành CSTT ổn định.

Nhóm PV chuyên đề

——————

Thời báo Ngân hàng (Chính sách) 06-10-2016:

http://thoibaonganhang.vn/bo-tran-lai-suat-can-nhac-den-on-dinh-kinh-te-vi-mo-54386.html

(195/1.638)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,865