(BNEWS) – Vấn đề rà soát, giảm bớt và bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam được đề cập tới thường xuyên và là chủ đề của rất nhiều hội nghị, hội thảo.
Liên tục trong 2 năm gần đây, vấn đề rà soát, giảm bớt và bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam được đề cập tới thường xuyên và là chủ đề của rất nhiều hội nghị, hội thảo do các tổ chức quốc tế, các cơ quan, ban ngành chủ trì và tổ chức.
Tại hội nghị công bố Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức ngày 30/6 ở Hà Nội, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam phải thốt lên rằng, đây thực sự là cuộc chiến không có hồi kết.
Những người đại diện các doanh nghiệp; truyền tải tiếng nói và tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp như VCCI, các hiệp hội ngành hàng và nhất là các doanh nghiệp luôn “đau đáu” nỗi niềm chung là các bộ, ban ngành, cùng các đơn vị soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần phải có những góc nhìn thấu đáo hơn, cặn kẽ hơn, sát thực tiễn hơn trong việc xây dựng hệ thống các điều kiện kinh doanh sao cho thể hiện được sự cởi mở và khuyến khích của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Quan trọng nhất là cần có những chính sách “cởi trói” cho doanh nghiệp nhằm bãi bỏ các loại giấy phép con, đơn giản hóa các thủ tục gia nhập thị trường, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp bằng cách tinh giản các thủ tục hành chính; xóa bỏ các rào cản thương mại, cùng rất nhiều những thách thức đối với quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam do VCCI tiến hành cho thấy, Luật Đầu tư năm 2014 được ban hành quy định 267 ngành, nghề thuộc danh mục thực hiện kinh doanh sẽ tác động đến các lợi ích công cộng đến mức buộc Nhà nước phải can thiệp bằng điều kiện kinh doanh.
Năm 2016, Luật Đầu tư 2014 được sửa đổi và điều chỉnh còn 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; trong đó, bãi bỏ khá nhiều ngành, nghề kinh doanh.
Kết quả rà soát cũng cho thấy, có 16 ngành, nghề được xác định là ngành, nghề kinh doanh điều kiện là chưa phù hợp như hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, sản xuất và sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng, xuất khẩu gạo, kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh, kinh doanh dịch vụ logistics, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô, dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư, quản lý vận hành cơ sở hỏa táng, sản xuất mũ bảo hiểm, dịch vụ sản xuất và phát hành, phổ biển phim, dịch vụ lữ hành, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang….
Ngoài ra còn có 10 ngành nghề kinh doanh sau có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp như kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương; nhượng quyền thương mại, kinh doanh thủy sản, kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Theo nhận định của Trưởng Ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, trên đây là một số ngành nghề không có tác động đáng kể đến lợi ích công cộng; một số ngành có thể thay điều kiện kinh doanh bằng biện pháp khác; một số ngành nghề không có đặc thù quản lý hay có phạm vi quản lý quá mức cần thiết.
Thậm chí, trong số đó còn có những ngành nghề không rõ có phải là ngành, nghề đầu tư kinh doanh hay không.
Chính vì lẽ đó, cần bãi bỏ các ngành, nghề ra khỏi danh mục phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh; đồng thời, sửa đổi phạm vi bị kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh của các ngành, nghề khi đánh giá tổng thể hoạt động kinh doanh mà chỉ nhận thấy một hoặc một số khâu của hoạt động đầu tư là có tác động đến lợi ích công cộng đến mức cần kiểm soát, ông Tuấn kiến nghị.
Là một trong những chuyên gia nghiên cứu và theo dõi diễn biến của quá trình rà soát các điều kiện kinh doanh vì quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, có không ít quy định mang tính đột phá về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 đang bị bóp méo vì quan điểm cải cách nửa vời, thỏa hiệp, dễ dãi và thiếu đồng bộ.
Nhiều bất cập phát sinh ngay từ trong luật và những bất hợp lý khác về điều kiện kinh doanh. Ông Đức viện dẫn, như sự phân biệt khác nhau đối với các ngành nghề tương tự là một ví dụ.
Nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vẫn rất mơ hồ theo luật như không thể phân biệt nổi ngành, nghề kinh doanh nào thuộc 1 trong 3 nhóm kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay của Bộ Y tế.
Tuy danh mục 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã được bỏ bớt ngành, nghề kinh doanh “phụ gia thực phẩm” nhưng liệu có “chui” vào 3 nhóm trên không?, ông Đức băn khoăn.
Là một trong số nhiều doanh nghiệp có mặt tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc, Công ty cổ phần dự án công nghệ Nhật Hải bày tỏ tâm tư, doanh nghiệp đưa ra thị trường một số chế phẩm Nano; trong đó có sản phẩm bột nghệ cucurmin.
Khi đăng ký kinh doanh thì Bộ Y tế yêu cầu phải đăng ký tờ rơi quảng cáo. Tuy nhiên hạn chế nội dung ghi rằng sản phẩm có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa.
Doanh nghiệp cho rằng, quy định đó tự dưng tạo ra thêm sự khó khăn cho doanh nghiệp, chứ không phải giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Bởi lẽ, trước đây tất cả các doanh nghiệp cũng chung lĩnh vực vẫn được phép quảng cáo qua các tờ rơi hay các phương tiện truyền thông đại chúng về những nội dung nêu trên.
Nếu bây giờ quy định mới, yêu cầu mới không cho phép vô hình chung tạo nên sự bất công, tạo thêm điều kiện khó khăn cho doanh nghiệp. Mặc dù, doanh nghiệp đã nhiều lần đặt vấn đề và hỏi rõ lý do vì sao không được thì chưa từng nhận được câu trả lời cụ thể từ các đơn vị có chức năng, bà Tuyết phân trần.
Doanh nghiệp nhận thức rất rõ quyền và việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi nội dung quảng cáo. Tuy rằng, việc không được thông tin đầy đủ, rõ ràng và được giải thích từ các cơ quan có thẩm quyền khiến doanh nghiệp rơi vào trạng thái băn khoăn, bức xúc.
Bà Tuyết kiến nghị, nên chăng mỗi khi các cơ quan chức năng ban hành hay thực thi luật cùng các quy định mới thì cần có những văn bản cụ thể để hướng dẫn và công bố công khai cho doanh nghiệp.
Điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp có cảm giác được đối xử bình đẳng trước pháp luật; chấp nhận việc cạnh tranh bình đẳng trên thị trường và sẽ dễ dàng hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Không chỉ băn khoăn về những tồn tại của hệ thống các điều kiện kinh doanh hiện nay, Luật sư Trương Thanh Đức còn bày tỏ quan ngại rằng, tuy các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính đã được quan tâm giải quyết theo hướng đơn giản hóa và thông thoáng.
Nhưng các vấn đề quy hoạch, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng thì còn ít được quan tâm. Đặc biệt, nguy cơ lớn nhất là việc lách điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật và Nghị định, thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và Chính phủ thành quy chuẩn chất lượng theo quy định của Thông tư, chỉ thuộc thẩm quyền ban hành của bộ.
/BNEWS/TTXVN
———–
Bnews (Thời sự) 30-6-2017:
http://bnews.vn/ra-soat-dieu-kien-kinh-doanh-cuoc-chien-khong-co-hoi-ket/49508.html
(356/1.589)