(SGĐT) – Hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) là loại hình kinh doanh rất phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam BHĐC đã thể hiện nhiều mặt trái và gắn với nhiều vụ lừa đảo tai tiếng. Không những vậy, BHĐC đã tiếp tục biến tướng qua hình thức tiền tệ như kinh doanh tiền ảo, huy động vốn lãi suất cao với nhiều rủi ro tiềm ẩn cho người tham gia.
Nở rộ kinh doanh
Năm 1998, BHĐC tiến vào thị trường Việt Nam và năm 2004 đã được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, lĩnh vực BHĐC đã thể hiện nhiều mặt trái. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến đầu tháng 9-2016 có 50 doanh nghiệp (DN) BHĐC đang hoạt động, giảm 17 DN so với năm 2015, doanh thu 4.000 tỷ đồng. Số lượng người tham gia BHĐC hiện có 500.000 người, giảm gần 60% với gần 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm 2015. Thực hiện Chỉ thị 02 về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động BHĐC, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã điều tra, xử phạt 36 DN gần 6,5 tỷ đồng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động 9 DN, tiếp nhận và xử lý 123 khiếu nại của người tham gia BHĐC. Đồng thời, Sở Công Thương các tỉnh cũng kiểm tra phát hiện và xử phạt 26/48 công ty có dấu hiệu vi phạm với số tiền lên tới gần 4,5 tỷ đồng. Các Chi cục Quản lý thị trường cũng kiểm tra, xử lý 353 vụ việc liên quan đến BHĐC với tổng số tiền phạt gần 5 tỷ đồng.
Tiền ảo không phải hàng hóa, vật chất hiện hữu, cũng không phải tiền tệ và không được pháp luật thừa nhận. Vì vậy kinh doanh tiền ảo kiểu đa cấp là trái luật. Khi tham gia đầu tư tiền ảo, nếu sàn giao dịch bị sập hoặc công ty phá sản, người chơi khó lòng đòi được tiền, vì muốn khởi kiện phải biết pháp nhân điều hành ở đâu để sang tận nơi đó khởi kiện đòi nợ. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI |
Mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra cảnh báo về hiện tượng kinh doanh đa cấp biến tướng qua thị trường tiền tệ. Theo đó, hình thức cung cấp dịch vụ, giao dịch tiền ảo, huy động tài chính nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp và khó lường. Trong hoạt động này, người đầu tư bỏ một khoản tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo, sau đó phải tuyển dụng người đầu tư mới đặt ở tuyến dưới của mình để được hưởng các khoản hoa hồng, tiền thưởng. Khi người đầu tư đã nộp tiền để tham gia hệ thống và sở hữu tiền ảo sẽ rất khó rút tiền ra khỏi hệ thống, hoặc mỗi ngày chỉ được rút lượng tiền rất nhỏ trên tổng số tiền đầu tư vào hệ thống. Các hoạt động mua bán tiền ảo thường được thực hiện và giao dịch trên trang tin điện tử với máy chủ đặt tại nước ngoài. Ngoài ra còn có hình thức kêu gọi đầu tư các dự án của một số DN, với lãi suất mời chào lên đến 80-90% chỉ trong 3 tháng cùng với hoa hồng cao khi mời gọi khách hàng mới.
“Bánh vẽ” lợi nhuận
Hoạt động kinh doanh tiền ảo theo kiểu BHĐC được giao dịch thông qua các loại hình Bitcoin, Onecoin. Sau khi chiêu thức lừa đảo các loại tiền ảo này bị bóc trần, thị trường đã xuất hiện các đồng tiền Octacoin, ILCoin, GCCcoin. Theo một nhà đầu tư tiền ảo tại TPHCM, quản lý fanpage (trang giao lưu tương tác giữa DN và khách hàng – trang Facebook DN) của nhóm Octacoin là một người Ấn Độ, có kinh nghiệm làm quản trị của nhóm MyPay ADS nổi tiếng nên rất có uy tín. Ông này cho biết người chơi phải đầu tư trong thời gian 6 tháng mới được rút vốn, nhưng bù lại lãi suất rất cao 20-60%/tuần tùy gói tham gia, hưởng hoa hồng 2-10% khi thiết lập được hệ thống người chơi mới. Khi đến hạn, người chơi có thể rút vốn trực tiếp, hoặc dùng tiền ảo này giao dịch mua bán trên 50 triệu sản phẩm được trưng bày trên các website, mua cổ phiếu của các DN dầu khí đang chuẩn bị chào bán lần đầu ra công chúng.
Muốn quản lý để BHĐC hoạt động đúng nghĩa, cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý hoạt động BHĐC, nhằm ngăn chặn tình trạng người lừa đảo, người tham gia và ngăn chặn các hình thức biến tướng nguy hiểm hơn phát sinh. Đồng thời, cần tuyên truyền để người dân hiểu, phân biệt rõ hơn giữa BHĐC và các trò lừa đảo núp bóng đa cấp. Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương |
Trong vai nhà đầu tư hỏi về cách thức đầu tư, thành viên của các nhóm kinh doanh tiền Octacoin, ILCoin sau khi vòng vo về lợi nhuận khủng đều chia sẻ kinh nghiệm làm giàu từ các đồng tiền này tương tự BHĐC, tức chỉ cần đầu tư vài triệu đồng để tham gia, sau đó tìm kiếm và giới thiệu người khác tham gia hưởng hoa hồng và thăng cấp. Một khách hàng ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM, chia sẻ tháng 3-2016 tham dự lễ ra mắt dự án “B to B” và tọa đàm cơ hội đầu tư đỉnh cao do Tiến Thành Corporation tổ chức. Tại buổi lễ, lãnh đạo công ty cho biết công ty hoạt động rất lâu, gặt hái được nhiều thành công, ngành nghề chính là đầu tư thương mại và dịch vụ, trọng tâm là đầu tư các dự án. Định hướng chiến lược trong 3-5 năm tới trở thành tập đoàn lớn mạnh, sau đó sẽ niêm yết và hiện tại có một dự án đầu tư khách hàng có thể tham gia. Dự án này có 5 gói đầu tư với các mức 4,99 triệu đồng, 12,48 triệu đồng, 24,97 triệu đồng, 74,91 triệu đồng và 224,71 triệu đồng. Chỉ cần đầu tư gói 4,99 triệu đồng, sau 1 ngày nhà đầu tư sẽ nhận được 90.800 đồng và sau 100 ngày sẽ nhận được 9,08 triệu đồng, gần gấp đôi số tiền đầu tư. Nếu kêu gọi được người khác tham gia hệ thống, nhà đầu tư sẽ được hưởng 10% giá trị gói đầu tư.
Thế nhưng cho đến cuối chương trình, khách hàng vẫn không nhận được thông tin rõ ràng về công ty, dự án hay bất kỳ hoạt động nào khác ngoài thông tin mời gọi đầu tư theo hình thức nêu trên. Dù vậy, chỉ vì hám lợi trước mắt, vẫn có khá nhiều người ký hợp đồng đầu tư để nhận các giải thưởng như điện thoại, máy tính bảng và vàng. Hiện tại, ĐTTC không tra cứu được thông tin của Tiến Thành do website công ty không tồn tại. Tại TPHCM, hiện cũng có một số công ty kêu gọi đầu tư với “bánh vẽ” lợi nhuận vô cùng hấp dẫn như Tiến Thành, nhưng thông tin về công ty, dự án khá mơ hồ và nhiều điều khoản ràng buộc có lợi cho DN và bất lợi cho người tham gia.
Kẽ hở pháp lý
Lâm vào cảnh nợ nần là hoàn cảnh của hầu hết người tham gia BHĐC, nhất là BHĐC biến tướng như tiền ảo, đầu tư dự án hưởng lãi suất cao. Theo Cục Quản lý cạnh tranh, hoạt động kinh doanh tiền ảo theo kiểu đa cấp tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Cá nhân, tổ chức là chủ của hệ thống có thể dễ dàng sử dụng, chiếm đoạt các nguồn tài chính của người tham gia mà không có bất cứ sự ràng buộc nào giữa 2 bên. Chủ hệ thống có thể đánh sập hệ thống, xóa dữ liệu về người đầu tư và biến mất bất cứ lúc nào.
Quang cảnh phiên tòa xét xử 2 bị cáo lừa đảo “nạp tiền thật lấy tiền ảo” qua mạng internet. |
Theo quy định hiện hành, các loại tiền ảo và hình thức tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, trường hợp xảy ra tranh chấp, người đầu tư sẽ không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Đại diện NHNN Chi nhánh TPHCM khẳng định NHNN chưa cấp phép cho bất cứ đơn vị nào kinh doanh tiền ảo, tiền kỹ thuật số ở Việt Nam. Vì vậy nói người đầu tư tiền ảo ILCoin được nhận vàng từ nước ngoài về Việt Nam là bịa đặt vì không thể thực hiện được. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng một bộ phận người dân đang bị hấp dẫn bởi hình thức đầu tư lãi suất cao và quà tặng lớn, nên quên những rủi ro lớn sẽ đối mặt khi tham gia các dự án mơ hồ này. Mức lời khủng với khoản đầu tư như vậy chỉ có thể gắn với hành vi kinh doanh bất chính và khi DN mất khả năng chi trả, nhà đầu tư sẽ là những người chịu thiệt thòi.
Bản chất của hoạt động BHĐC không xấu, nhưng sau khi du nhập vào Việt Nam đã thể hiện nhiều mặt trái, nhiều chủ thể lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để thực hiện kế hoạch kinh doanh bất chính, khiến BHĐC ngày càng trở nên xấu đi trong mắt cộng đồng xã hội và gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Do vậy vấn đề kiểm soát hoạt động BHĐC là cần thiết. Các đề xuất gần đây cho rằng cần có cơ chế mạnh hơn áp dụng với việc kiểm soát hoạt động BHĐC, gồm bồi thường dân sự, xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với hình thức BHĐC biến tướng gây thiệt hại cho người tham gia và gây xáo trộn trật tự xã hội. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần sớm sửa đổi, hoàn thiện Nghị định 42/2014/NĐ-CP cũng như khuôn khổ pháp lý quản lý BHĐC.
Tiền ảo không giá trị Đăng Tuân (thực hiện) Trao đổi với ĐTTC về loại hình kinh doanh đa cấp, TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng lợi dụng sự ham muốn làm giàu nhanh chóng, ảo tưởng về lợi nhuận của nhiều người để lừa đảo là một phần của hoạt động BHĐC hiện nay. Rủi ro tham gia hoạt động này rất lớn, nhưng rủi ro sẽ gấp đôi nếu người tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp tiền ảo… PHÓNG VIÊN: – Thưa ông, BHĐC biến tướng sang kinh doanh tiền ảo, tiền kỹ thuật số đang khá phổ biến tại TPHCM. Ông nhìn nhận thế nào về hoạt động này? Ông NGUYỄN TRÍ HIẾU: – BHĐC là loại hình kinh doanh rất dễ đưa người tham gia vào tình cảnh bị lừa đảo. Cách đây mấy chục năm tôi đã tham gia buổi hội thảo của công ty đa cấp lớn nhất Hoa Kỳ là Amway. Thực chất kinh doanh đa cấp dựa trên mô hình người tham gia được hưởng lợi nhuận hấp dẫn, nếu mời chào thêm được thành viên tham gia, lại được hưởng lợi nhuận trên doanh thu phát triển thành viên. Cứ như thế mạng lưới đa cấp phát triển, người tham gia có thể lên được nhiều cấp. Về góc độ pháp lý đây là loại hình hợp pháp. Tức các thành viên mạng lưới đa cấp được hưởng lợi nhuận dựa trên cố gắng của họ và trên cố gắng của các thành viên được họ mời chào tham gia mạng lưới. Nhưng trên thực tế kinh doanh đa cấp thường dẫn đến hành vi lừa đảo. Lừa đảo ở chỗ tạo cho mọi thành viên tham gia hệ thống BHĐC lòng tham, làm giàu rất nhanh mà không cần phải làm việc. Bởi tâm lý muốn hưởng lợi từ người cấp dưới thông qua phát triển thành viên và hình thành một mạng lưới chân rết. Cứ mỗi lần như thế các thành viên tham gia đầu tiên được hưởng nhiều hơn, từ đó tạo ra ảo tưởng không cần phải làm việc nhiều vẫn có thu nhập rất cao. Chính vì nó vẽ ra một giấc mơ như vậy rất nhiều người tham gia và nhiều người tiền mất, tật mang khi các công ty bán hàng đa cấp giải tán, sập tiệm. Khi đó đóng góp của nhiều thành viên bán hàng trong mạng lưới đa cấp đều tiêu tan hết.
Hiện kinh doanh đa cấp thêm biến tướng sang kinh doanh tiền ảo như Bitcoin, Onecoin, ILcoin… Thực chất đó là đồng tiền sử dụng kỹ thuật điện toán để tạo ra tiền ảo, những người tham gia mạng lưới đa cấp giao dịch mua bán tiền ảo đó với tiền thật của mình, nên khi số người mua tiền ảo tăng, giá trị của tiền ảo đó tính ra USD hay tiền đồng cũng tăng theo. Người chơi tiền ảo mang ảo tưởng giá trị số tiền ảo họ mua đang ngày càng tăng lên. Nhưng rủi ro lớn là sàn giao dịch tiền ảo sập như trường hợp sàn giao dịch tiền ảo Bitcoin MtGox ở Tokyo (Nhật Bản), trị giá lên tới 450 triệu USD. Tất cả người tham gia sàn giao dịch tiền ảo này đều mất hết tiền và không có cơ sở để kiện cáo. Bởi tiền ảo chỉ tồn tại trên kỹ thuật điện toán, không có giấy tờ mang tính pháp lý để chứng minh khách hàng đã mua bao nhiêu, khi mất không biết đòi ai để đòi bồi thường. – Các công ty đa cấp thường không sản xuất hàng hóa nhưng lại hay vẽ ra các dự án đầu tư siêu lợi nhuận, rồi trả lợi nhuận bằng tiền ảo. Theo ông, thực trạng này nói lên điều gì và cần quản lý thế nào để tránh thiệt hại cho người dân? – Các công ty đa cấp thường hứa hẹn mức lợi nhuận khủng, như 1%/ngày, hay 20%/tuần, hoặc 30%/tháng… nhưng họ không cho khách hàng biết làm thế nào để tạo ra lợi nhuận. Họ chỉ nói sẽ đầu tư vào lĩnh vực này lĩnh vực kia như vàng, khai khoáng, bất động sản… để tạo ra lợi nhuận khủng nhưng lại không có bằng chứng nào để xác thực lợi nhuận. Thực ra sự hứa hẹn như vậy mang tính dụ dỗ nhiều hơn. Về góc độ quản lý, dù các cơ quan chức năng chưa bao giờ cấp giấy phép cho DN BHĐC kinh doanh tiền ảo, chỉ cấp phép cho kinh doanh đa cấp. Trước hết việc cấp phép kinh doanh đa cấp phải hết sức cẩn thận, xem xét kỹ thực lực tài chính DN và cách thức tổ chức bán hàng của họ. Bởi trường hợp Công ty Liên kết Việt sau khi được cấp phép đã dùng công cụ này để thực hiện hoạt động lừa đảo. Vì vậy cần sàng lọc chặt chẽ việc cấp phép hoạt động các công ty BHĐC. Còn kinh doanh tiền ảo không ai cấp phép, bởi không phải là đồng tiền được các quốc gia công nhận là đồng tiền thanh toán. Trong trường hợp này cần có danh sách của tất cả công ty kinh doanh tiền ảo để công bố rộng rãi cảnh báo dân chúng. – Vậy cần làm gì để hạn chế thiệt hại cho người dân khi tham gia các mạng lưới BHĐC và trên thế giới có kinh nghiệm nào về quản lý hoạt động này, thưa ông? – Việc quản lý báo cáo tài chính của các công ty đa cấp rất khó. Thí dụ, Công ty Amway dù mạng lưới rộng khắp thế giới nhưng việc thẩm định sức khỏe tài chính của công ty này rất khó. Có những lĩnh vực hoạt động thương mại không hạch toán hoặc không thể hạch toán được, nên trên sổ sách chỉ thể hiện phần nào thực lực tài chính của Amway. Chính vì thế tham gia các công ty BHĐC khách hàng rất khó đoán định tình hình tài chính của công ty thế nào. Đa phần khách hàng tham gia hệ thống bán hàng đa cấp do lòng tham nên không tìm hiểu kỹ tình hình tài chính, lợi nhuận, tài sản, hay nợ của các công ty BHĐC. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng hoạt động rất mạnh. Tất cả khiếu nại về hoạt động BHĐC được chuyển đến cho các cơ quan chức năng xử lý nghiêm, nên đã ngăn chặn được các tác động tiêu cực của BHĐC. Khác công ty bán hàng thương mại bình thường có hàng tồn kho, có kênh phân phối, chỗ bán hàng, công ty BHĐC không có kênh phân phối. Chính những người tham gia hệ thống BHĐC là kênh phân phối của công ty. Họ là người mua hàng của công ty, rồi bán cho họ hàng, người thân và thuyết phục người khác tham gia, tạo thành hệ thống chân rết. Đây là cái cớ công ty BHĐC cho rằng họ tiết kiệm được nhiều chi phí. Nhiều người ảo tưởng đây là mô hình tạo ra nhiều lợi nhuận nhưng không phải vậy, lợi nhuận phụ thuộc rất lớn vào việc bán hàng. Việc công ty đa cấp tạo ra ảo ảnh về việc kiếm tiền rất nhanh cũng chính là lỗ hổng cần quản lý hiện nay. – Xin cảm ơn ông. |
Thiên Minh
——————
Sài gòn Đầu tư tài chính 06-10-2016:
http://www.saigondautu.com.vn/Pages/20161005/Lua-dao-lan-sang-linh-vuc-tien-te.aspx
(91/2.476)