1.383. Cản trở quyền tự do kinh doanh

(ĐBND) – Hơn một năm qua là “giai đoạn cao điểm rà soát các điều kiện kinh doanh”, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nói trong hội thảo “Điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh” sáng 30.6. Điều này thể hiện quyết tâm tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng của Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều điều kiện kinh doanh vẫn đang gây cản trở, hạn chế quyền tự do kinh doanh đã được Hiến định.

Còn nhiều rào cản

Dẫn kết quả báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam do VCCI phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, ông Tuấn cho biết, trong số 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hiện hành, nhiều ngành, nghề không có tác động đáng kể đến lợi ích công cộng (không có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, đạo đức xã hội cũng như sức khỏe cộng đồng), như: Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư. Nhiều ngành, nghề có thể thay điều kiện kinh doanh bằng biện pháp quản lý khác như quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra, quy định quản lý quá trình kinh doanh như xuất khẩu gạo; sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG); sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy… Điều này sẽ không hạn chế gia nhập thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh.

Ngoài ra, nhiều ngành, nghề không rõ tính đặc thù so với ngành nghề cùng loại như kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh, kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô… “Việc kiểm soát ngành, nghề kinh doanh bằng điều kiện chỉ nhằm mục đích lợi ích công cộng, an ninh quốc gia, quốc phòng, sức khỏe cộng đồng, môi trường. Do đó, đối với những ngành nghề có cùng tính chất nhưng lại có sự khác nhau về phương thức quản lý thì phải chứng minh được tính đặc thù của ngành nghề bị kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh so với các ngành nghề còn lại”, báo cáo nêu rõ.

 
Dây chuyền sản xuất tôm đông lạnhNguồn: ITN

Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, trên thực tế, một số ngành, nghề không phải tất cả công đoạn của quá trình đầu tư đều tác động đến lợi ích công cộng mà chỉ một hoặc vài khâu trong đó cần được kiểm soát. Tuy nhiên, do không tách bạch rõ phạm vi mà sử dụng chung cụm từ “kinh doanh” trước tên của ngành, nghề đã khiến việc kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh mở rộng quá mức cần thiết như với kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản… Thậm chí, có trường hợp mặc dù có trong danh mục nhưng lại không phải ngành, nghề đầu tư kinh doanh, như hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại hay nhượng quyền thương mại.

Từ kết quả rà soát này, VCCI kiến nghị 16 ngành, nghề được xác định là ngành, nghề kinh doanh điều kiện là chưa phù hợp; 10 ngành, nghề kinh doanh có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp.

“Cải cách nửa mùa”

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, giảm 26 ngành nghề theo rà soát của VCCI là “quá ít”. Ông Đức nhận định, việc cải cách thời gian qua cũng “nửa mùa, thiếu đồng bộ”. Theo đó, mặc dù Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm từ 267 xuống còn 243 nhưng không có nghĩa là giảm được 24 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, mà giảm là do sắp xếp lại, thay đổi từ ngữ và sáp nhập một số ngành vào nhau. Ví dụ, Danh mục trước đó có 4 ngành, nghề liên quan đến vàng nhưng sau rút lại chỉ còn 1 ngành nghề là “kinh doanh vàng”.

Bên cạnh đó, đối với quy định dưới luật cũng có những bất cập. “Nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vẫn rất mơ hồ theo luật nên nghị định muốn viết gì cũng được. Ví dụ, không thể phân biệt nổi ngành, nghề kinh doanh nào thuộc một trong 3 nhóm “kinh doanh thực phẩm” thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương, Bộ NN – PTNT hay Bộ Y tế? Ngoài ra, vẫn còn nhiều loại yêu cầu tương tự điều kiện kinh doanh “trá hình” khác vẫn ngày đêm “oanh tạc” doanh nghiệp”, ông Đức bình luận.

Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương Lê Xuân Hiền bổ sung, theo quy định, các bộ, ngành, địa phương không được ban hành điều kiện kinh doanh. Song, trên thực tế, họ lại có thể ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành, quy hoạch ngành… “một cách vô tội vạ và tùy tiện. Chính điều này đang hành hạ doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Hiền cho hay.

Làm rõ nội hàm các mục tiêu

Từ thực tế trên, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng, để thực sự bảo đảm quyền tự do kinh doanh, thời gian tới cần tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh để kịp thời cắt bỏ quy định không phù hợp, gây cản trở cho doanh nghiệp, bởi trên thực tế điều kiện kinh doanh không chỉ nằm ở thông tư mà còn ở nghị định. Đồng thời, cần nghiên cứu để sửa đổi Luật Đầu tư và các luật khác có liên quan về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh theo hướng tiếp cận mới hoàn toàn, không theo cách phân biệt là ngành nghề nào kinh doanh có điều kiện và không có điều kiện như hiện nay.

Với quan điểm quản lý nhà nước là cần thiết nhưng nếu quá mức và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp thì không còn cần thiết nữa và cũng không phải là kiến tạo, TS. Nguyễn Quang Vinh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, cần làm rõ nội hàm “quốc phòng”, “an ninh quốc gia”, “trật tự, an toàn xã hội”, “đạo đức xã hội”, “sức khỏe cộng đồng” – những mục tiêu khi ban hành các điều kiện kinh doanh. Đồng thời, “căn cơ là Chính phủ phải có nhóm chuyên trách cải cách các quy định này. Phương pháp đánh giá tác động chi phí lợi ích khi ban hành quy định cũng cần được quan tâm thực hiện”, ông Vinh khuyến nghị.

Chuyên gia độc lập về chính sách công NGUYỄN QUANG ĐỒNG: Khó cắt giảm vì lợi ích chi phối

Hiện các bộ, ngành đã rà soát, cắt bỏ rất nhiều điều kiện kinh doanh gây cản trở cho doanh nghiệp nhưng cắt được 1 lại mọc lên 10. Tại sao các dấu hiệu, hiện tượng điều kiện kinh doanh không hợp lý đã nói từ 10, thậm chí 20 năm trước mà vẫn lặp lại? Chúng tôi nghi ngờ rằng quá trình ban hành các điều kiện kinh doanh, quy định hành chính có sự chi phối của vấn đề lợi ích. Ví dụ, liên quan đến ngành in có quy định người đứng đầu doanh nghiệp in phải tốt nghiệp cao đẳng ngành in hoặc tham gia lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý của Cục Xuất bản. Giám đốc doanh nghiệp in chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh doanh chứ đâu phải tốt nghiệp ngành in? Đây là lĩnh vực hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp nhưng tại sao Cục Xuất bản lại can thiệp vào? Ngoài ra, các chứng chỉ hành nghề, các khóa đào tạo bồi dưỡng đi kèm điều kiện nhân sự phổ biến ở tất cả các ngành khác, từ lĩnh vực du lịch, phân bón, hành nghề luật sư… Những điều kiện về nhân sự đang can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, không giúp ích được gì cho họ nhưng lại có lợi ích trực tiếp đối với cơ quan, tổ chức quản lý. Đây là một trong những nguyên nhân khiến điều kiện kinh doanh dù cắt giảm nhưng thực chất vẫn tăng lên.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam NGUYỄN VĂN THANH: Nếu không có điều kiện kinh doanh sẽ loạn

Nhiều điều kiện kinh doanh đang là rào cản cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp bức xúc. Song, nếu không có điều kiện kinh doanh sẽ loạn. Vấn đề là điều kiện kinh doanh nên đơn giản hơn. Riêng với lĩnh vực vận tải ô tô, tôi cho rằng vẫn cần có điều kiện kinh doanh và phải quản lý chặt chẽ để bảo đảm an toàn giao thông. Hiện, theo quy định có 5 loại hình vận tải ô tô. Do vậy, khi các loại hình Grab, Uber vào Việt Nam, cơ quan quản lý đã thể hiện sự lúng túng do không xếp được vào loại hình gì. Trong thời buổi công nghệ, tôi cho rằng Nhà nước không nên giới hạn loại hình vận tải ô tô nữa. Chúng ta cũng không nên cấm những cái mới, thay vào đó phải làm sao để tạo ra sân chơi thực sự bình đẳng cho cả loại hình cũ và loại hình mới, trong đó nới lỏng điều kiện kinh doanh cho loại hình truyền thống.

————

Đại biểu Nhân dân (Kinh tế) 01-7-2017:

http://m.daibieunhandan.vn/Chi-tiet?Id=392248&page=1&Trang=2

(239/1.668)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,842