(TBNH) – Hệ thống pháp luật kinh doanh của nước ta trong vài năm gần đây đã có những chuyển mình mạnh mẽ, theo hướng tích cực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm mạnh xuống còn có 243 điều kiện.
Điều kiện kinh doanh: Chỉ còn cách xóa bỏ hết và làm lại |
Ảnh minh họa |
“Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển mình theo hướng tích cực trên, thì trong hệ thống pháp luật vẫn còn chứa đựng nhiều “rào cản” khiến cho việc hiện thực hóa “quyền tự do kinh doanh” gặp nhiều thách thức”, Báo cáo rà soát ĐKKD và quyền tự do kinh doanh viết. Cuộc rà soát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới với mong muốn thúc đẩy quyền tự do kinh doanh.
Cuộc rà soát nhằm nhận diện những ĐKKD chưa phù hợp (cả về mục tiêu lẫn tính hợp lý) để kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi. Theo rà soát, trong hệ thống pháp luật về kinh doanh có 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, tương ứng có khoảng 5719 ĐKKD (theo thống kê sơ bộ ban đầu).
Nhưng theo Luật sư Trương Thanh Đức – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế, thành viên tổ công tác thi hành Luật “Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện vẫn còn nhiều bất cập, việc giảm từ 267 ngành nghề trong Luật Đầu tư năm 2014 xuống còn 243 ngành nghề trong Luật Đầu tư sửa đổi bổ sung năm 2016 phần lớn là do sắp xếp lại, thay đổi từ ngữ và sáp nhập một số vào nhau mà thôi”.
Báo cáo cho biết, hiện vẫn không có chuẩn chung nào để đánh giá tính hợp lý, cần thiết của các quy định về ĐKKD hay ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Nhiều khi quy định ĐKKD thế nào hay xác định ngành, nghề nào là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hoàn toàn dựa vào ý chí chủ quan của các nhà làm luật. Vì vậy nhiều ngành, nghề đáng lẽ ra không cần phải kiểm soát bằng ĐKKD nhưng vẫn được xác định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này, vô hình trung, khiến cho quyền tự do kinh doanh của DN bị hạn chế đáng kể.
ĐKKD là điều kiện ràng buộc, hạn chế và kiểm soát chủ thể kinh doanh, công cụ này chỉ nên sử dụng trong trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể tác động đến trật tự công cộng. Tuy nhiên, nhiều ngành, nghề không nhận thấy tác động đáng kể nào tới lợi ích công cộng, có thể quản lý bằng công cụ khác nhưng vẫn đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện như dịch vụ mua bán nợ; xuất khẩu gạo; kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển… Đã vậy, nhiều ĐKKD có tính chấp áp đặt quy mô DN, có tính chất can thiệp vào quyền tự quyết của DN, có tính chất can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp/mệnh lệnh hành chính.
Báo cáo rà soát cho rằng, đôi khi nhà làm luật đang có sự nhầm lẫn khi xác định mục tiêu ban hành các ĐKKD, họ quan tâm quá nhiều đến hiệu quả kinh doanh của DN khi xây dựng một ĐKKD nào đó. Ví dụ, đối với vận tải biển, các DN bắt buộc phải có bộ phận pháp chế, với lý do, sẽ giúp DN vận dụng, chấp hành pháp luật tốt hơn, bảo vệ được quyền lợi của mình khi xảy ra tranh chấp, nhất là các tranh chấp quốc tế. Yêu cầu này là hoàn toàn không cần thiết. Bởi, tự bản thân DN sẽ phải nhận thức được điều này xuất phát từ quyền lợi của chính họ. Ngay cả khi, DN không ý thức được và thất bại trong các tranh chấp pháp lý thì quyền lợi của chính DN bị ảnh hưởng và không liên quan gì tới lợi ích công cộng.
Dẫu biết rằng, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không dành cho số đông, vì Nhà nước cần kiểm soát những rủi ro từ các hoạt động kinh doanh ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, tuy nhiên, “những ĐKKD có tính chất áp đặt, can thiệp đã “giết chết” rất nhiều DNNVV và biến thị trường thành “sân chơi” của một nhóm DN khác có tiềm lực tài chính”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đã thốt lên như vậy.
Qua rà soát, VCCI cho rằng có 16 ngành, nghề nằm trong danh mục là không phù hợp, ngành nghề không phải là hoạt động kinh doanh; có ngành, nghề, xét về bản chất lại không phải là ngành, nghề như hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, kinh doanh dịch vụ logistics… sản xuất mũ bảo hiểm, kinh doanh dịch vụ lữ hành, tổ chức thi thời trang, thi người đẹp, người mẫu…
VCCI cũng cho rằng có 10 ngành nghề có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp như: Nhượng quyền thương mại, kinh doanh thủy, kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật…
Mới chỉ rà soát ở 3 bộ: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Khoa học Công nghệ, VCCI đã kiến nghị: bỏ 56 ĐKKD, sửa đổi 04 ĐKKD trong 195 ĐKKD của Bộ Công Thương; trong 116 ĐKKD của Bộ Giao thông Vận tải: đề xuất bỏ 27 ĐKKD, sửa đổi 04 ĐKKD; bỏ 12 ĐKKD, sửa đổi 05 ĐKKD trong 91 ĐKKD của Bộ Khoa học và Công nghệ. Như vậy chắc chắn sẽ còn loại bỏ được nhiều ĐKKD nữa.
“Nên kiến nghị loại bỏ 1/3, thậm chí 1/2 các ngành, nghề trong danh mục kinh doanh có điều kiện, chứ 26 ngành nghề vẫn là quá ít”, theo Luật sư Đức.
Ngọc Linh
———-
Thời báo Ngân hàng (Doanh nghiệp – Doanh nhân) 02-7-2017:
http://thoibaonganhang.vn/nen-bai-bo-12-dieu-kien-kinh-doanh-hien-nay-64778.html
(118/1.057)