(DĐDN) – Đó là nhận định của Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI tại hội thảo về thực trạng các điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam.
Thực chất chỉ là sắp xếp lại câu từ
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, đã có những tín hiệu tích cực hơn trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nhưng theo cá nhân ông, cứ 10 điều kiện kinh doanh được cắt giảm thì lại có 7 điều kiện kinh doanh khác tăng thêm.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của VCCI,
“Giảm một ít thì lại tăng một ít, thậm chí một số đẻ ra còn gây khó khăn, mệt mỏi nhiều hơn. Vì nhiều đối tượng liên quan, từ cán bộ nhà nước cho tới doanh nghiệp, không muốn bỏ điều kiện kinh doanh. Nhiều khi 1% doanh nghiệp phản đối sức nặng lại lớn hơn 99% còn lại” – ông Đức nói.
Ông Đức dẫn một số ví dụ: “Như một loạt điều kiện kinh doanh của ngành Công thương quy định về quy mô, nhiều doanh nghiệp không muốn bỏ vì điều kiện này có thể giúp loại bỏ đối thủ quy mô nhỏ hơn. Hay như với ngành nghề công chứng, yên tâm là giờ không ai có thể chen chân vào vì quy hoạch chỉ có thế. Hay như mới đây nhất, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu hạn chế đi xe chung là trái luật bởi đây là mô hình kinh doanh khác, cấm là vô căn cứ”.
LS Trương Thanh Đức cho rằng, việc đưa ra quá nhiều quy hoạch ngành, nghề chi tiết đã dẫn đến tình trạng tương tự như ngăn cấm, gây trở ngại khó khăn cho quyền tự do hoạt động đầu tư kinh doanh. Ví dụ, quy hoạch thương nhân, kinh doanh xuất khẩu gạo của Bộ Công thương đã đưa ra các tiêu chí quá cao, dẫn đến tình trạng loại bỏ đa số doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
“Việc giảm 267 xuống 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không có nghĩa là sau 2 năm đã giảm được 24 ngành, nghề mà phần lớn là giảm do sắp xếp lại, thay đổi từ ngữ và sáp nhập một số ngành, nghề” – LS. Trương Thanh Đức nêu rõ.
Nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết
Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của VCCI, nhiều ngành, nghề kinh doanh không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh hoặc nhiều điều kiện kinh doanh chưa phù hợp.
Trong đó, một số ngành, nghề không có tác động đáng kể tới lợi ích công cộng. Đó là những ngành, nghề kinh doanh thông thường, các rủi ro được giải quyết bằng pháp luật dân sự hoặc không có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, trật tự, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng (như kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển…).
Một số ngành, nghề khác có thể quản lý bằng hình thức khác thay vì điều kiện kinh doanh như quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định quản lý quá trình kinh doanh hay quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra…
Có thể kể đến ngành sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; dịch vụ sản xuất, phát hành phim; dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng; kinh doanh dịch vụ lữ hành…
Thậm chí, có ngành, nghề thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng lại không phải là ngành, nghề kinh doanh. Ví dụ như “kinh doanh dịch vụ logistics” thuộc danh mục nhưng logistics lại bao gồm nhiều hoạt động như vận tải, đóng gói, làm thủ tục thuế, hải quan… và mỗi hoạt động đó lại là một ngành, nghề riêng; hoặc “hoạt động nhượng quyền thương mại” là phương thức kinh doanh chứ không phải là ngành nghề…
Do vậy, ông Tuấn cho rằng, ngành, nghề kinh doanh có thể thay bằng biện pháp quản lý khác thay vì điều kiện đầu tư kinh doanh.
Để góp phần chủ động rà soát thường xuyên về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ông Tuấn kiến nghị 16 ngành, nghề không nên đưa vào danh mục và 10 ngành nghề có phạm vị kiểm soát chưa phù hợp.
Đừng để điều kiện kinh doanh giết chết doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – Ban Pháp chế VCCI cho biết, qua rà soát 14 ngành nghề trong các lĩnh vực: Công Thương, Giao thông vận tải và Khoa học công nghệ với 402 điều kiện kinh doanh cho thấy có 3 đặc điểm nổi bật.
Thứ nhất, nhiều điều kiện kinh doanh có tính chất áp đặt quy mô doanh nghiệp. Ví dụ là đơn vị vận tải taxi phải có tối thiểu 50 xe nếu trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc trung ương; thương nhân xuất nhập khẩu khí hóa lỏng phải có tổng dung tích bồn chứa tối thiểu 3.000m3; thương nhân bán buôn rượu phải có số vốn tối thiểu 300 triệu đồng…
Thứ hai, điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp. Điển hình là quy định phương án kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải bằng ô tô phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ ba, điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp mệnh lệnh hành chính. Ví dụ như yêu cầu về chất lượng dịch vụ của các đơn vị vận tải hành khách bằng ô tô. Yêu cầu này không cần thiết bởi thị trường có rất nhiều phân khúc và khách hàng sẽ lựa chọn chất lượng phù hợp.
Bà Hồng cũng cho biết: “Thực tế đã chứng minh những điều kiện trên đã giết chết nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, biến thị trường thành sân chơi của một số doanh nghiệp có tiềm lực như thị trường xuất khẩu gạo hay phân phối khí”.
Tồn tại và hạn chế là vậy, nhưng bao giờ môi trường kinh doanh mới thật sự thuận lợi và các điều kiện kinh doanh không còn là rào cản vẫn là câu hỏi đang bỏ ngỏ bởi theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), câu chuyện về cải cách điều kiện kinh doanh ở Việt Nam đã được bàn đi bàn lại nhiều lần, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
“Tôi đã tham gia bàn luận về vấn đề này từ lúc tóc còn xanh, tới nay đầu đã bạc, nhưng câu chuyện vẫn cứ phải bàn đi bàn lại” – ông Huỳnh bày tỏ.
Minh Thành
——————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Kinh doanh & Pháp luật) 03-7-2017:
http://enternews.vn/dieu-kien-kinh-doanh-nha-quan-ly-va-doanh-nghiep-deu-muon-giu-113246.html
(404/1.207)