(NB&CL) – Điều kiện kinh doanh ở Việt Nam là câu chuyện dài, đã được bàn luận nhiều năm nay nhưng thủ tục liên quan đến doanh nghiệp vẫn chưa tạo thuận lợi. Ông Đặng Quang Vinh, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Quản lý Nhà nước là cần thiết nhưng nếu quá mức và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp thì lại không còn cần thiết nữa, và cũng không phải là kiến tạo.
16 ngành nghề không phù hợp, 10 ngành nghề cần điều chỉnh
Mới đây, tại Hội thảo “Điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam” ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI đã công bố kết quả khảo sát rà soát danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của VCCI trên cơ sở rà soát 243 danh mục nghề, trong đó lựa chọn 3 lĩnh vực khảo sát là: Công thương, Giao thông vận tải, Khoa học công nghệ. Kết quả cho thấy 16 ngành nghề được xác định là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là không phù hợp, 10 ngành nghề cần điều chỉnh phạm vi kiểm soát.
Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh là lĩnh vực còn nhiều quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ, nguồn internet)
16 ngành, nghề được xác định là ngành, nghề kinh doanh điều kiện là chưa phù hợp gồm hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, sản xuất và sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng, xuất khẩu gạo, kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh, kinh doanh dịch vụ logistics, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô, dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư, quản lý vận hành cơ sở hỏa táng, sản xuất mũ bảo hiểm, dịch vụ sản xuất và phát hành, phổ biển phim, dịch vụ lữ hành, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang….
Ngoài ra, 10 ngành nghề kinh doanh có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp có thể kể đến kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương; nhượng quyền thương mại, kinh doanh thủy sản, kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ NN&PTNT…
Kết quả cũng phát hiện một số ngành nghề có thể thay điều kiện kinh doanh bằng biện pháp khác; một số ngành nghề không có đặc thù quản lý hoặc có phạm vi quản lý quá mức cần thiết. Một số ngành không rõ có phải là ngành nghề đầu tư kinh doanh hay không.
“Trong thời gian tới, việc rà soát cần tiếp tục vì trên thực tế, nhiều điều kiện kinh doanh không chỉ nằm ở thông tư mà còn ở nghị định và luật”, ông Tuấn nhận định.
Nhiều bất cập phát sinh ngay từ trong luật
Là một trong những chuyên gia nghiên cứu và theo dõi diễn biến của quá trình rà soát các điều kiện kinh doanh vì quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, có không ít quy định mang tính đột phá về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 đang bị bóp méo vì quan điểm cải cách nửa vời, thỏa hiệp, dễ dãi và thiếu đồng bộ.
Nhiều bất cập phát sinh ngay từ trong luật và những bất hợp lý khác về điều kiện kinh doanh. Ông Đức viện dẫn, như sự phân biệt khác nhau đối với các ngành nghề tương tự là một ví dụ.
Nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vẫn rất mơ hồ theo luật như không thể phân biệt nổi ngành, nghề kinh doanh nào thuộc 1 trong 3 nhóm kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT hay của Bộ Y tế.
Tuy danh mục 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã được bỏ bớt ngành, nghề kinh doanh “phụ gia thực phẩm” nhưng liệu có “chui” vào 3 nhóm trên không?, ông Đức đạt câu hỏi.
Ngoài điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp còn phải đáp ứng một loạt các yêu cầu tương tự như yêu cầu về quy hoạch, về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về chất lượng, mà những tiêu chuẩn này quá cụ thể, quá chi tiết khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi đăng ký kinh doanh.
“Phải chăng thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh làm cho doanh nghiệp Việt không lớn?” , ông Đức băn khoăn.
Nhìn nhận về vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, đặt ra nhiều điều kiện kinh doanh vì nhà nước thiếu tin tưởng doanh nghiệp, quan niệm doanh nghiệp có thể trốn thuế, lách luật, làm ăn không đàng hoàng. Bên cạnh đó, nhà nước quá “bao đồng”, muốn lo từ A-Z với mong muốn tốt nhất nhưng không đủ sức làm.
“Thay vì cấm đoán Uber và Grab, nhà nước nên tháo bớt vòng kim cô trên đầu taxi truyền thống vì các doanh nghiệp kêu có đến 13 “vòng kim cô”, không cách gì cạnh tranh được. Quản lý nhà nước phải đổi mới theo hướng có quy định phù hợp với thực tế chứ không phải nhìn cái sẵn có để soi vào cái mới phát sinh và cho rằng cái mới không phù hợp”, bà Loan dẫn chứng.
Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp thừa nhận rằng, kinh doanh đi kèm với các điều kiện kinh doanh là quy luật tất yếu. Nhưng làm thế nào để các điều kiện kinh doanh đó trở thành công cụ quản lý hiệu quả cho các cơ quan quản lý mà vẫn tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đó là một bài toán không hề đơn giản. Cần có sự phối hợp và trao đổi nhiều hơn nữa giữa những người làm chính sách và doanh nghiệp.
Bảo Quyên
——————–
Nhà báo & Công luận (Kinh tế) 03-7-2017:
http://congluan.vn/dieu-kinh-kinh-doanh-dang-troi-doanh-nghiep/
(315/1.112)