1.401. Cho phá sản ngân hàng: Lời cảnh tỉnh cho toàn hệ thống

(TBKD) – Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Nhưng thực tế, một số ngân hàng yếu kém vẫn tồn tại và được ví như “xác sống”. Thị trường kỳ vọng bước đi cho phá sản ngân hàng yếu kém được nêu ra trong đề án tái cơ cấu ngân hàng sẽ làm cho hệ thống cải thiện mạnh hơn.

Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội ngày 22/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc lập ngân hàng cổ phần rồi để Nhà nước mua lại 0 đồng, Nhà nước phải đứng ra xử lý hậu quả thì ai cũng muốn làm. Tuy nhiên, sắp tới, Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu vớt các ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém.

Phải để ngân hàng tự chịu trách nhiệm

Sau một thời gian thực hiện đại sự tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, lãi suất đã được theo hướng giảm dần; xử lý nợ xấu đạt được kết quả đề ra; thanh khoản ngân hàng đã cải thiện rất nhiều.

Tuy nhiên, những tồn tại trong hệ thống ngân hàng vẫn có, đó là tỷ lệ nợ xấu vẫn cao. Hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn những tồn tại chưa khắc phục được hoàn toàn, đặc biệt là vẫn còn những ngân hàng yếu kém, quy mô nhỏ, tập trung phần lớn nợ xấu của hệ thống.

Theo thống kê, trong giai đoạn vừa qua (2011 – 2015), toàn hệ thống có tới 9 ngân hàng hợp nhất, sáp nhập. Nhiều ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu lần ba đã tái cơ cấu trước đó như SCB, Navibank, WesternBank, GPBank.

Và ngoài các ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc đợt một và vẫn đang gồng sức tái cơ cấu cũng xuất hiện nhiều ngân hàng có biểu hiện sức khỏe “đuối” như DongA Bank, Eximbank, Ocean Bank…

Riêng với ba ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng (CB, GPBank, Ocean Bank), việc xử lý vẫn đòi hỏi tốn nhiều thời gian, công sức của Ngân hàng Nhà nước.

Sắp tới, Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu vớt các ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém.

Thế nhưng, việc cho các ngân hàng yếu kém phá sản vẫn là một vấn đề còn gây tranh cãi. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng với những ngân hàng quá lớn, đã âm vốn, Ngân hàng Nhà nước không nên tiếp tục mua lại với giá 0 đồng vì vẫn mất chi phí xử lý. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước nên cho phá sản. Việc cho phá sản ngân hàng cũng sẽ khiến người dân phải lựa chọn ngân hàng tốt để gửi tiền, giảm sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng với những ngân hàng quá yếu kém, trước hết, phải thu hẹp dần cả huy động và cho vay một cách nhẹ nhàng để dân chúng không hoang mang lo sợ và xử lý dần dần. Về lâu dài, có lẽ, Ngân hàng Nhà nước cũng phải cho phá sản vài ngân hàng quá yếu kém để làm gương.

Trong khi đó, có chuyên gia lại nhận định là bản chất ngân hàng thương mại cũng là một doanh nghiệp. Họ cũng nên tự chịu trách nhiệm về những thất bại trong kinh doanh của họ, nếu hoạt động không hiệu quả thì chấp nhận sự phá sản.

Lo hiệu ứng “domino”

Trước yêu cầu sẽ cho thí điểm phá sản các ngân hàng yếu kém, một số ý kiến lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, gây hiệu ứng “domino”.

Trao đổi với báo giới, Ts. Bùi Trinh cho biết: “Ý tưởng này tôi thích nhưng nghĩ nếu làm thì cũng run vì đây thực sự là ý tưởng táo bạo”. Ông Trinh cho rằng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và quyền lợi người gửi tiền.

Cũng cùng quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng có thể triển khai theo phương án này nhưng hết sức thận trọng, cần phải làm từ từ và trong kịch bản tái cơ cấu; chúng ta đã có nguồn lực khoảng 10 triệu tỷ đồng cho chuyên đề tái cơ cấu. Đây là con số tổng hợp từ các nguồn lực, kể cả vốn đầu tư xã hội từng năm, kể cả vốn vay, vốn từ tư nhân…

Trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng cần phải bơm tiền để cứu các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, việc các ngân hàng bán nợ xấu cho công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì có nghĩa là dùng ngân sách rồi. Nếu cho vay thông thường thì lãi suất 7-8%, còn tái cấp vốn chỉ 3%. “Vì vậy, sẽ không có việc bơm thêm tiền để giải quyết nợ xấu cho ngân hàng”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Luật sư Trương Thanh Đức – Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) – khẳng định rằng giải pháp thí điểm cho phá sản ngân hàng yếu kém là hết sức đúng đắn, cần thiết của Chính phủ.

“Chúng ta là nền kinh tế thị trường, đã là kinh tế thị trường thì để cho thị trường quyết định, nếu yếu kém thì phải phá sản để làm trong sạch hệ thống. Không thể để người ốm nặng với người lành, dẫn đến người dân không biết đâu ngân hàng mạnh, đâu là ngân hàng đang yếu kém. Việc phá sản ngân hàng thực sự quá yếu kém là cần thiết”, Luật sư Đức phân tích.

Rõ ràng, cho phá sản ngân hàng yếu kém đã truyền một thông điệp mạnh mẽ đến cả thị trường. Đó là lời cảnh tỉnh đến toàn hệ thống, những ngân hàng hoạt động không lành mạnh, các cổ đông sẽ phải chấp nhận phần thiệt thòi do mất vốn.

Thành Vinh

—————–

Thời báo Kinh doanh (Ngân hàng) 25-10-2016:

http://thoibaokinhdoanh.vn/Ngan-hang-5/Cho-pha-san-ngan-hang-Loi-canh-tinh-cho-toan-he-thong-27338.html

 (121/1.087)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,042