1.409. Phạt xe không có giấy tờ gốc: NH vi phạm pháp luật hoặc dừng cho vay

(DV) – Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết : “5 năm qua, để cho vay ô tô thế chấp giấy tờ gốc, ngân hàng đã lách luật bằng cách cho khách hàng viết cam kết, thoả thuận riêng, đơn tự nguyện giao giấy tờ gốc cho ngân hàng”.

Thời gian gần đây nhiều chủ xe phản ánh về việc cảnh sát giao thông ráo riết xử phạt những xe ô tô không có giấy tờ gốc, mặc dù trình giấy tờ là bản sao và chứng nhận đang thế chấp tại ngân hàng nhưng vẫn bị phạt.

Ngân hàng lách luật cho vay mua ô tô

Nếu nói theo đúng quy định của luật yêu cầu chủ phương tiện khi tham gia giao thông phải mang theo giấy tờ gốc để chấp hành đúng luật giao thông đường bộ, kể cả hàng không, đường thuỷ.

Nhưng từ năm 2007 đến năm 2011, theo Nghị định 63 của Chính phủ, các ngân hàng được phép giữ giấy tờ bản gốc của khách hàng, nên những xe vay thế chấp ngân hàng lưu thông xe đều xuất trình giấy tờ bản sao công chứng có xác nhận của ngân hàng.

Sau đó Nghị định 11/2012 của Chính phủ đã không cho phép ngân hàng tiếp tục điều đấy nữa vì nó mâu thuẫn với luật giao thông đường bộ. Như vậy, nếu theo đúng luận, từ năm 2012 đến nay, ngân hàng không có quyền giữ giấy tờ gốc của khách hàng và công an có quyền bắt với chủ xe không có giấy tờ gốc.

1,3 triệu xe ô tô đang vi phạm pháp luật vì không có giấy tờ gốc khi tham gia giao thông (ảnh: Internet)

“Đáng tiếc việc xử phạt tuân thủ pháp luật rất chậm trễ, đến giờ cơ quan chức năng mới nhắc nhở xử phạt vấn đề này, nên cảnh sát giao thông mới làm ráo riết”, luật sư Trương Thanh Đức cho biết.

Tuy nhiên, việc xử phạt ráo riết những phương tiện không có giấy tờ gốc này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng của ngân hàng.

“Theo quy định, những tài sản thế chấp ngân hàng thì không thể chuyển nhượng, không cầm cố… nhưng thực tế vô cùng rủi ro. Nhiều trường hợp, ngân hàng vẫn đang giữ bản chính giấy tờ xe nhưng khách hàng vẫn bán xe, cầm cố với người khác và giao dịch bất hợp pháp khiến ngân hàng theo đuổi rất mệt mỏi. Bản thân tôi cũng đã phải xử lý vài trường hợp như thế này, cho nên gần như không có ngân hàng nào dám buông và giao giấy tờ xe gốc cho khách hàng”, ông Đức cho biết.

Trong 5 năm qua, để cho vay ô tô thế chấp giấy tờ gốc, ngân hàng đã lách luật bằng cách cho khách hàng viết cam kết, thoả thuận riêng, đơn tự nguyện giao giấy tờ gốc cho ngân hàng.

“Hậu quả bây giờ là hoặc ngân hàng vi phạm pháp luật hoặc dừng cho vay. Sẽ rủi ro rất lớn, nếu ngân hàng dừng cho vay”, ông Đức phân tích.

Xử lý thế nào với 1,3 triệu xe vi phạm pháp luật?

Theo ông Đức, trong bối cảnh 1,3 triệu xe đang thế chấp giấy tờ gốc tại ngân hàng vi phạm pháp luật, nếu xử phạt sẽ gây ra rất bất lợi cho hoạt động tín dụng, kinh doanh vận tải và kinh tế xã hội nói chung.

“Có lẽ phải tạm thời dừng việc xử phạt khi không mang theo bản chính của các chủ xe. Tiếp theo Chính phủ vẫn nên xem xét trường hợp đặc biệt để ngân hàng giữ bản chính, khách hàng giữ bản sao công chứng có xác nhận thế chấp tại ngân hàng. Về lâu dài phải tính đến sửa luật, nếu không ngân hàng sẽ không dám cho vay mua xe ô tô”, ông Đức đề xuất.

Theo ông Đức, để phát triển nền kinh tế hài hoà có thể sửa luật theo hướng cho phép ngân hàng giữ gấy tờ gốc hoặc tách ra làm hai loại giấy (giấy đăng ký sở hữu và giấy lưu hành) mà nhiều nước trên thế giới vẫn làm.

“Giấy lưu hành thì chủ phương tiện phải mang theo, còn giấy đăng ký sở hữu hoặc mang theo bản gốc hoặc chủ xe thế chấp vay thì ngân hàng giữ. Hai giấy tờ này song hành tồn tại sẽ giải quyết được vương mắc hiện tại”, ông Đức nêu ý kiến.

Về vấn đề này, TS, Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao chủ tịch HĐQT, hàm phó tổng giám đốc BIDV, cho rằng cần phải có hướng tháo gỡ trước mắt, theo đó, hai bên công an và ngân hàng cần phải ngồi lại để thống nhất với nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bên vay, người tiêu dùng.

“Cụ thể là để ngân hàng, bên cho vay nắm giữ tài sản hồ sơ gốc, còn công an sử dụng giấy tờ photo công chứng với điều kiện phải có xác nhận của ngân hàng đây là tài sản đang được cho vay.”, ông Lực đề xuất.

Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho rằng đây là câu chuyện phối kết hợp giữa các bộ ngành với nhau. Theo thông lệ quốc tế, bên vay và bên cho vay phải có tránh nhiệm dân sự, người đi vay phải trả và có thể dùng chính tài sản đó làm tài sản đảm bảo.

“Nếu không được cầm giấy tờ gốc và bên vay thiếu thiện chí trả thì có thể lái xe đi đâu mất. Khi đó, bên cho vay là ngân hàng không biết đi đâu để đòi lại khoản vay và tài sản đảm bảo của mình. Còn bên công an cần giấy tờ để xử lý vi phạm giao thông. Cái này có thể xử lý linh hoạt bằng cách chấp nhận bản sao có công chứng và những tài sản đảm bảo này cần phải có xác nhận của ngân hàng về việc đi vay”, ông Nghĩa cho biết.

Trần Giang 

—————————————-

Dân Việt (Kinh tế) 12-7-2017:

http://danviet.vn/kinh-te/phat-xe-khong-co-giay-to-goc-nh-vi-pham-phap-luat-hoac-dung-cho-vay-786901.html

(539/1.070)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,851