1.416. Đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên có minh bạch được tài sản cá nhân?

(VOV.VN) – Việc đánh thuế nhà ở vừa đảm bảo công khai, minh bạch về tài sản cá nhân, vừa có nguồn thu để quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị.

Bộ Tài chính đang giao Vụ Chính sách thuế nghiên cứu thuế tài sản, theo đó sẽ tính toán đánh thuế với nhà, nhất là những nhà thứ 2-3 trở lên. Thông tin này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nhiều chuyên gia cho rằng đây là việc nên thực hiện từ lâu rồi, nhằm quản lý tốt hơn đối với thị trường bất động sản, ngăn chặn các tiêu cực trong sở hữu tài sản của cá nhân. Thế nhưng liệu việc đánh thuế nhà có khả thi và lộ trình, mức độ đánh thuế ra sao vẫn đang là một dấu hỏi.

Việc đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên có thể kiểm soát được thu nhập từ tài sản, ngăn chặn đầu cơ và tham nhũng ngăn chặn đầu cơ. 
(Ảnh minh họa: KT)

Nhiều nước trên thế giới đã đánh thuế nhà ở với các mức độ khác nhau. Còn tại Việt Nam, cho đến nay, người sở hữu nhà không phải nộp thuế, trong khi đó, thuế đất thì quá thấp, chỉ ở mức 0,03% theo bảng giá đất của nhà nước. Vì thế, nhiều người sẵn sàng tích góp, thậm chí vay tiền mua bất động sản. Cũng bởi không đánh thuế nhà ở, nên cơ quan quản lý cũng khó kiểm soát được tài sản cá nhân.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Khoa Thuế – Hải quan, Học viện Tài chính, cần phải đánh thuế nhà để quản lý được tình trạng sở hữu nhà đất của cá nhân, kiểm soát được thu nhập từ tài sản, ngăn chặn đầu cơ và tham nhũng ngăn chặn đầu cơ.

“Việc đánh thuế tài sản quan trọng là kiểm soát thu nhập. Vì hiện tại nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế tiền mặt, thu nhập không quản lý được. Không đánh thuế nhà đất thì tiền cứ đổ vào đây, nền kinh tế ngầm không kiểm soát được. Nếu thực hiện việc đánh thuế nhà, trước hết kiểm soát thu nhập làm thị trường minh bạch thì đánh mức thấp, sau này tùy vào mức độ thu nhập nâng mức thuế lên. Đây là công cụ tốt nhằm minh bạch thị trường và ngăn chặn đầu cơ”, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến cho biết.

Với nhiều nước trên thế giới, thuế bất động sản thường là nguồn thu chính của các đô thị, để nâng cấp, phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng. Còn tại Việt Nam, người dân ở các thành phố lớn trả thuế ít ỏi, không thấm vào đâu so với số tiền mà Chính phủ phải vay vốn ODA hay sử dụng vốn ngân sách để nâng cấp hạ tầng. Đó là một nghịch lý.

Bởi vậy, ngoài việc ngăn chặn đầu cơ hay tham nhũng, việc đánh thuế tài sản này còn giải quyết nhiều vấn đề, bởi đây cũng là một trong những nguồn thu vững chắc, khi nguồn thu tăng lên, thâm hụt ngân sách giảm đi, kéo theo giảm áp lực vay nợ của Chính phủ.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhiều nước trên thế giới có chính sách thuế cao, giá thấp. Còn ở Việt Nam hiện nay thì ngược lại, thuế thấp, giá cao. Điều này dẫn đến nhiều bất cập trong phát triển đô thị, nhiều đô thị bỏ hoang, lãng phí. Bởi vậy, đã đến lúc phải lựa chọn một mô hình hợp lý hơn.

“Không chỉ đánh thuế từ căn nhà thứ 2 mà nâng cao thuế đất phi nông nghiệp và nhà ở tại đô thị. Mọi người mua bất động sản thì phải cân nhắc có đủ nộp thuế không, chứ không phải mua rồi để đấy, lãng phí bất động sản lớn. Nếu thuế cao giá thấp thì đô thị bỏ hoang cũng sẽ không còn. Nhà đầu tư cũng phải nghĩ cách đầu tư là phải bán được nhà nếu không thì phải chịu thuế cao. Đó là gánh nặng rất lớn khiến nhà đầu tư có trách nhiệm đầu tư cao hơn. Cần xem xét bài toán toàn diện hơn chứ không chỉ là đánh thuế từ căn nhà thứ 2 thứ 3”, GS. Đặng Hùng Võ nói.

Một số chuyên gia vẫn băn khoăn về tính khả thi và cho rằng để thực thi được sắc thuế này sẽ gặp không ít khó khăn. Luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đặt câu hỏi, nếu đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở đi, thì những trường hợp như mua 1 căn nhà lên tới vài trăm mét vuông, giá trị hàng trăm tỷ đồng, hoặc mua 2-3 nhà rồi làm thông nhau thành một nhà thì có phải chịu thuế không?

Ngoài ra, cũng cần xem xét đánh thuế trên giá trị nhà hoặc diện tích hoặc số người để đảm bảo công bằng. Ngoài ra, một kẽ hở lớn nhất là nhiều người mua nhà và nhờ đứng tên hộ. Không ít trường hợp giấy tờ nhà đất chưa cấp hoặc ghi nhận hiện trạng diện tích không chính xác. Và cũng không loại trừ trường hợp khi thực hiện luật thuế này, người mua nhà bắt tay ngầm với cán bộ thuế để kê khai chỉ mua 1 nhà.

“Quan trọng nhất là làm sao xác định đúng người đứng tên nhà đất thay vì ẩn dấu che dấu, đứng tên hộ không xác định được ai thực sự là chủ bất động sản như hiện nay, dẫn đến đánh sót, trùng, thiếu. Cần có dữ liệu thông tin chuẩn. Điều này không khó vì nhà đất cố định, không có lý gì không làm được. Ngoài ra cần xem xét cân đối sự liên quan với chính sách luật khác, như thuế thu nhập cá nhân trong đó có chuyện thuê nhà đất đánh thuế hoặc thuế chuyển nhượng lệ phí trước bạ…bây giờ đánh thuế tài sản trực tiếp thì thuế kia bỏ đi hoặc điều chỉnh cho hợp lý tránh mâu thuẫn”, Luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.

VOV.VN – Nhu cầu quá cao trong khi nguồn cung khan hiếm, nhiều đối tượng đã lợi dụng để trục lợi, đẩy rủi ro, thiệt hại cho những người cần nhà ở.

Đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng đánh thuế trực thu vào các tài sản có giá trị như nhà đất được nhắc đến. Từ năm 2009, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và đưa ra lấy ý kiến về Dự án Luật thuế nhà, đất, trong đó đưa ba phương án tính thuế nhà ở như: Chỉ thu đối với nhà thứ hai trở lên theo thuế tuyệt đối; thu theo giá trị nhà, phần giá trị trên 1 tỉ đồng mới chịu thuế 0,03% hoặc thu thuế phần diện tích nhà trên 200m. Tuy nhiên, khi đó dự án Luật chưa được Quốc hội thông qua.

Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu thuế tài sản, theo đó sẽ tính toán đánh thuế với nhà, nhất là những nhà thứ 2-3 trở lên. Việc đánh thuế tài sản cần phải xây dựng luật, và cần Quốc hội cho vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Nếu thực hiện được thì đây sẽ là một bước đi táo bạo trong việc quản lý, vừa đảm bảo công khai minh bạch về tài sản cá nhân, lại vừa có nguồn thu vững chắc để quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị./.

Việt Hà/VOV-Trung tâm Tin

——————-

VOV.vn (Kinh tế) 04-11-2016:

http://vov.vn/kinh-te/dia-oc/danh-thue-nha-o-thu-2-tro-len-co-minh-bach-duoc-tai-san-ca-nhan-566277.vov

(314/1.331)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,885