(NLĐ) – Cả nước có 1,3 triệu ô tô đang thế chấp ở ngân hàng, cả triệu người thấp thỏm khi sử dụng tài sản của mình vì ra đường là bị phạt do không có giấy tờ gốc. Nếu không có quyết định sớm về vấn đề này, tín dụng tiêu dùng chắc chắn bị ảnh hưởng.
Ngày 12-7 tại Hà Nội, Báo Đầu Tư đã tổ chức tọa đàm Phát triển tài chính bán lẻ, cơ hội thúc đẩy tiêu dùng phục vụ tăng trưởng kinh tế với sự tham dự của đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Viện Chiến lược NH và các chuyên gia kinh tế.
Tiêu dùng góp 73,6% GDP
TS Cấn Văn Lực cho biết đến cuối năm 2016, dư nợ tín dụng tiêu dùng là 646.000 tỉ đồng (khoảng 28 tỉ USD), chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế. Thị phần tín dụng tiêu dùng chủ yếu tập trung vào các NH thương mại chiếm 87%; các công ty tài chính chiếm 12% và Fintech chiếm 1%. Cơ cấu cho vay chủ yếu là vay mua, sửa nhà (40%-50%); mua ô tô (10%); mua đồ dùng và trang thiết bị gia đình…
Cả nước hiện có khoảng 10 triệu khách hàng vay tiêu dùng Ảnh: TẤN THẠNH |
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, nhìn nhận tỉ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao, đạt đỉnh điểm 77,7% vào năm 2009 và đến năm 2016 đạt mức 73,6%. Dự báo, quy mô 1 triệu tỉ đồng tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam sẽ cán đích vào năm 2019. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp so với tiềm năng vì Việt Nam có khoảng 95 triệu dân, trong đó 30 triệu người thu nhập trung bình dưới 10 triệu đồng/tháng, có nhu cầu tài chính tiêu dùng nhưng tín dụng tiêu dùng hiện chỉ khoảng 10 triệu khách hàng.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả thống nhất với quan điểm kinh tế khó khăn, đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Bởi nếu tiếp cận được hết nhu cầu cho khoảng 30 triệu người có tiềm năng, quy mô tín dụng tiêu dùng mỗi năm đã là khoảng 12 tỉ USD. Hoạt động cho vay tiêu dùng được coi là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, hợp lý hóa quá trình luân chuyển hàng hóa trên thị trường, giúp người dân tiếp cận tín dụng chính thức và đẩy lùi cho vay nặng lãi qua “tín dụng đen”.
Các diễn giả cho rằng thị trường bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng nóng, đòi hỏi phải có thêm công cụ bảo vệ khách hàng, qua đó bảo vệ bên cho vay. Ông Nguyễn Tú Anh cảnh báo: “Cần chú ý đến mô hình cho vay tiêu dùng, phải tập trung vào các khoản cho vay có tính chất đầu tư mới hướng đến phát triển bền vững, nếu chỉ tập trung vào mua hàng nhập khẩu, tiêu xài xa xỉ sẽ không có tác động kích thích tăng trưởng và như vậy chỉ là ngắn hạn”.
Cần sửa luật
Theo TS Cấn Văn Lực, 35 quốc gia có định hướng lâu dài về tín dụng tiêu dùng như là 1 trong 3 trụ cột để phát triển, Việt Nam cũng đã đến lúc phải tính đến điều này. Một trong những nội dung đó là cung cấp các sản phẩm phù hợp với người vay, đơn giản hóa thủ tục vay, có hành lang pháp lý phù hợp và đặc biệt là cơ chế chia sẻ thông tin giữa các bên. “Việc tranh cãi giấy tờ ô tô trả góp là một điển hình. Quyền giữ giấy tờ gốc tài sản chế chấp thuộc về ai? Tôi cho rằng NH là chủ nợ thì cần được giữ hồ sơ gốc, CSGT kiểm tra trên đường chỉ cần bản sao và công chứng. Cần thiết nữa thì chủ xe xin NH xác nhận đang cho vay hồ sơ xe đó để chứng minh mức độ tin cậy của giấy tờ công chứng” – TS Cấn Văn Lực đề xuất.
Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ Chiến lược NHNN, lại cho rằng CSGT chỉ có trách nhiệm giám sát người tham gia giao thông có đúng luật không, xe có đăng kiểm không. “Giám sát quyền tài sản không thuộc trách nhiệm của cơ quan công an. Ví dụ, tôi vay tiền mua nhà thế chấp NH, công an vào kiểm tra tôi không trình được sổ đỏ thì kết luận tôi đang ở nhà người khác và đuổi ra khỏi nhà được à?” – ông Lê Xuân Nghĩa ví von.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Phó Chủ nhiệm CLB pháp chế NH, nhận xét: “Dù quy định từ năm 2012, NH không được giữ giấy tờ gốc nhưng các NH không dám thi hành vì lo mất trắng tài sản. Trong việc này, NH không có lỗi, công an cũng không có lỗi mà phải sửa quy định pháp luật. Tôi ủng hộ quan điểm NH không được rời giấy tờ gốc vì như thế quá rủi ro”.
Theo ông Đức, với 1,3 triệu ô tô đang thế chấp ở NH, cả triệu người dân nhấp nhổm không yên khi sử dụng tài sản của mình vì ra đường là bị phạt do không có giấy tờ gốc. Nếu không có quyết định cuối cùng về vấn đề này, tín dụng tiêu dùng chắc chắn bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng đến việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Không NH nào dám cho vay cầm cố tài sản mà không được giữ giấy tờ gốc.
Phương Anh
————————————————–
Người lao động (Kinh tế) 13-7-2017:
http://nld.com.vn/kinh-te/he-luy-tu-xe-the-chap-ngan-hang-20170712213947576.htm
(171/993)