(DV) – TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính, cho biết tín dụng đen hiện nay không ai giám sát, mặc dù có những tổ hợp tín dụng chợ đen cho vay lên đến gần nghìn tỷ đồng. Có những món vay khá lớn, lớn tới mức cho vay doanh nghiệp để tái cơ cấu lại nợ xấu ở các ngân hàng thương mại.
Câu hỏi đặt ra làm thế nào để hạn chế được hoạt động của tín dụng đen trong đời sống xã hội hiện nay? Nhiều chuyên gia cho rằng chỉ có thể phát triển tài chính tiêu dùng mới có thể hạn chế được hoạt động của tín dụng đen.
Vay tiêu dùng đạt 3,8 triệu tỷ đồng
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách chiến lược, NHNN, nhận định cho vay tiêu dùng đóng góp lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao. Tỷ lệ này đạt 78,34% vào năm 2016. Tại khu vực châu Á, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ tiêu dùng trên GDP cao nhất.
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, NHNN
Quy mô dân số trên 92 triệu dân, với 70% dân số đang trong độ tuổi 15-64 và tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6% là những yếu tố quan trọng cho thấy thị trường hàng hoá tiêu dùng của Việt Nam có sức hấp dẫn rất lớn.
- Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, tính toán cho vay tiêu dùng chiếm đến 78,34% toàn bộ GDP, tương đương với khoảng 3,8 triệu tỷ đồng.
“Vậy nếu tiêu dùng chỉ cần tăng thêm 1% thôi thì nền kinh tế sẽ có thêm 38 nghìn tỷ đồng, một con số sẽ giúp GDP cả năm 2017 đạt tới mức kế hoạch 6,7%”, ông Lực cho biết.
Sự phát triển mạnh mẽ của cho vay tiêu dùng cũng đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý. Cho vay tiêu dùng thường là cho vay không bảo đảm do đó đánh giá khả năng trả nợ, lịch sử vay và trả nợ, các yếu tố khác là rất quan trọng.
Theo ông Tú Anh, để cho vay tiêu dùng phát triển bền vững không chỉ cần có hành lang pháp lý bảo vệ các TCTD mà còn phải đặt yêu cầu bảo vệ người đi vay trước nguy cơ vỡ nợ lên cao.
Cùng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, cho rằng tỷ trọng tiêu dùng trong GDP trên 70% là quá lớn, trong khi đó tiền gửi tiết kiệm lại ít. Hơn nữa, tỷ trọng tiêu dùng trong GDP ở Việt Nam cao hơn nhiều nước Âu, Mỹ là không bình thường.
“Cụ thể hoạt động cho vay này tại Việt Nam chủ yếu thời gian qua là mua nhà và ô tô nhưng một số tập đoàn bất động sản biến tướng cho cán bộ nhân viên vay mua nhà của chính mình, không tạo ra thanh khoản thực sự trên thị trường. Do đó, nếu không giám sát thì tín dụng tiêu dùng sẽ có sự biến tướng”, ông Nghĩa cảnh báo.
Theo ông Nghĩa, cần phải phát triển tín dụng tiêu dùng một cách bài bản, ít nhất là một dạng kinh doanh có điều kiện, đăng ký, kế toán, nộp thuế, giảm sát, điều kiện tối thiểu, lãi suất cho tự do.
Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế
“Việc phát triển công ty tài chính nhỏ cho vay tiêu dùng nhỏ là cần thiết, cần phải để cho họ kinh doanh chính thức. Điều này giúp cơ quan quản lý có thể giám sát và quy định về những điều kiện hoạt động an toàn tối thiểu. Cơ quan quản lý cũng nên tạo điều kiện để cho họ huy động vốn chính thức ví như phát hành trái phiếu, vay mượn ngân hàng để đẩy tín dụng tiêu dùng”, ông Nghĩa phân tích.
Tránh bẫy lãi suất cho vay tiêu dùng
Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết hiện lãi suất cho vay tín dụng đen là 1%/ngày nên lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay vẫn thấp hơn.
Ông Đức cho biết với công ty tài chính, lãi suất sẽ không theo quy định của Bộ luật Dân sự được vì nếu áp dụng trần lãi suất cũ hay trần mới đều rất bất cập. Theo quy luật của nền kinh tế thị trường, lãi suất vay tiêu dùng cần được dựa trên cơ chế thỏa thuận giữa bên đi vay và bên cho vay.
“Với một thị trường quá lớn và mới chỉ có 6 công ty tài chính tiêu dùng cung cấp dịch vụ thì điều này dẫn tới mức lãi suất cho vay bị mất đi tính cạnh tranh. Cần phát triển thêm nhiều công ty tài chính hơn nữa thì lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ tự dần điều chỉnh về mức hợp lý”, ông Đức cho biết.
Về vấn đề lãi suất, ông Tú Anh cảnh báo người đi vay cần phải hiểu rõ và so sánh được mức lãi suất mà mình phải trả theo dự nợ cho vay thực tế tại Khoản 3, điều 13 thông tư 39/2016/TT-NHNN là 365 ngày. Thêm vào đó, thời hạn của hợp đồng vay và lãi suất trên từng thời hạn cũng cần phải cung cấp rõ cho khách hàng.
“Ví dụ lãi suất có thể quảng cáo là 8%/năm nhưng chỉ áp dụng cho năm đầu, còn các năm sau sẽ tính theo cách khác cao hơn nhiều dường như là cái bẫy đối với khách hàng. Kinh nghiệm các nước đều yêu cầu các hợp đồng tín dụng phải nêu rõ lãi suất cho toàn bộ thời gian hợp đồng và các điều khoản này phải được yêu cầu in to rõ để khách hàng không bị nhầm lẫn hoặc bỏ qua”, ông Tú Anh cảnh báo.
Trần Giang
——————-
Dân Việt (Kinh tế) 13-7-2017:
http://danviet.vn/kinh-te/canh-bao-tin-dung-den-cho-dn-vay-tai-co-cau-no-xau-787057.html
(187/1.054)