(TBCK) – Về lâu dài, cần xem xét loại công ty tài chính ra khỏi Luật các tổ chức tín dụng, để không phải áp dụng các điều kiện, chế tài ngặt nghèo như đối với các tổ chức tín dụng.
Luật sư Trương Thanh Đức. (Ảnh: ĐTCK).
Đó là ý kiến nhận định của Trương Thanh Đức – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giám đốc Công ty Luật ANVI tại buổi tọa đàm về Phát triển tài chính bán lẻ, Cơ hội thúc đẩy tiêu dùng – Phục vụ tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Ba vấn đề để hoàn thiện cho vay tiêu dùng
Thứ nhất, củng cố, phát triển vai trò của các CTTC. Hiện nay có ba kênh cho vay tiêu dùng chủ yếu là cầm đồ hay tín dụng đen, CTTC, các tổ chức tín dụng. Ông cho rằng cần phải đưa các nhu cầu tiêu dùng đến với các CTTC. Mục tiêu cho vay tiêu dùng qua CTTC đạt từ 80% – 90% tổng tín dụng tiêu dùng.Theo Luật sư Trương Thanh Đức, ba vấn đề chính cần ưu tiên hoàn thiện tín dụng tiêu dùng liên quan đến công ty tài chính (CTTC), lãi suất và người tiêu dùng.
Thứ hai là minh bạch lãi suất tiêu dùng. Hiện tại các ngân hàng đang thực hiện hai phương thức tính lãi suất cho vay tiêu dùng là tính lãi trên dư nợ ban đầu và tính lãi trên dư nợ thực tế. Ông cho biết, theo quy định hiện tại thì các CTTC cần phải thực hiện quy đổi song song giữa hai phương thức này để người vay có thể có cái nhìn sát với thực tế.
Mặc dù lãi suất cho vay tiêu dùng đang cao gấp 3 lần so với lãi suất cho vay của ngân hàng cùng kỳ hạn, nhưng nếu so sánh mức lãi suất này với lãi suất tín dụng đen thì vẫn ở mức thấp hơn. Luật sư cũng ủng hộ quan điểm không quy định mức trần lãi suất cho hoạt động cho vay tài chính, nên để lãi suất theo cơ chế thị trường.
Thứ ba là bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài việc tăng cường truyền thông về tín dụng tiêu dùng đến với người dân, ông cho rằng các CTTC cần xác định kinh doanh phải uy tín, bài bản và luôn đặt quyền lợi của khách hàng ở mức cao nhất. Ông cũng đưa ra đề xuất cần duy trì việc đăng ký mẫu hợp đồng tín dụng tiêu dùng. Nếu bỏ mẫu này cần phải có một cơ chế khác để bảo vệ người tiêu dùng.
Loại công ty tài chính ra khỏi Luật các TCTD
Về pháp lý, LS Đức cho rằng cần có một hành lang pháp lý đối với CTTC. Hiện nay, Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định riêng về điều chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC. Thông tư đã có những quy định đơn giản và hợp lý, phù hợp với thực tế, giúp CTTC dễ dàng cho vay, người vay có thể linh hoạt vay vốn.
LS Đức đánh giá, Thông tư 43 vừa bảo vệ tốt hơn quyền lợi khách hàng, vừa tạo môi trường phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên về lâu dài, cần xem xét loại công ty tài chính ra khỏi Luật các tổ chức tín dụng, để không phải áp dụng các điều kiện, chế tài ngặt nghèo như đối với các tổ chức tín dụng.
LS dẫn chứng, ở các nước trên thế giới, hoạt động cho vay tiêu dùng tương tự như ở Việt Nam như không có trần lãi suất và lãi suất cho vay cũng rất cao so với mặt bằng chung. Tuy nhiên họ quản lý dữ liệu về tiêu chuẩn, biện pháp, con số rất chuẩn như tuổi tác, sức khỏe, thu nhập, điều kiện kinh tế khách hàng nên rủi ro thấp hơn. Trong khi ở Việt Nam, mọi dữ liệu đều là con số ảo, không chuẩn nên áp dụng các biện pháp xử lý theo hướng rủi ro cao như lãi suất cao, tiêu chuẩn được vay cao hơn.
Minh bạch lãi suất cho vay tiêu dùng
Quay trở lại với Thông tư 43, LS Đức cho hay các CTTC ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống, trong từng thời kỳ, gồm mức lãi suất cao nhất, thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay và được quyền thỏa thuận lãi suất đối với từng khách hàng.
Theo quy luật cung cầu và cạnh tranh, sẽ không có sự khác nhau quá lớn về lãi suất cho vay với khoản vay cho các sản phẩm tương tự, LS Đức nhận xét. Cũng giống như cho vay chung, lãi suất vay tiêu dùng phụ thuộc từng khoản vay và từng khách hàng. Khách hàng càng minh bạch và tin cậy chứng minh khả năng trả nợ thì lãi suất vay càng thấp.
Do vay tiêu dùng thường nhỏ lẻ và ngắn hạn nên khách hàng ít quan tâm đến lãi suất ghi trong hợp đồng, mà chủ yếu quan tâm đến khoản tiền cụ thể phải trả hàng tháng.
Trước đây, khi các CTTC công bố lãi suất cố định cho từng khoản vay theo tuần, tháng nhưng không giải thích rõ, tạo nên cảm giác lãi suất thấp, trong khi thực chất rất cao.
Ví dụ LS Đức nêu, cùng cô bố lãi suất 1%/tháng đối với khoản vay 10 triệu đồng trong 12 tháng, trả gốc mỗi tháng 1 triệu đồng, nhưng nếu phải trả lãi theo số dư nợ gốc cố định ban đầu thì lãi suất sẽ lên đến 22%/năm, không còn là 12%/năm nữa. Lãi suất cho vay thực của CTTC phổ biến ở mức 20-30%/năm, thậm chí có khoản vay lên đến 60-70%/năm.
Để đảm bảo phản ánh đúng lãi suất, tránh tình trạng con số công bố và thực chất khác nhau, Thông tư 43 đã yêu cầu phải được “quy định đổi theo tỷ lệ %/năm”, đồng thời phải “tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó”. Theo đó, bên cạnh việc công bố 1%/tháng, CTTC phải công bố lãi thực tế là 22%/năm.
LS Đức cũng chỉ ra, so với ngân hàng thương mại, CTTC bị hạn chế một số dịch vụ và điều kiện phải cạnh tranh khốc liệu hơn. CTTC cũng gặp khó về nguồn vốn huy động. Phía ngân hàng có nhiều lợi thế nhưng khó triển khai hơn CTTC vì không thể kinh doanh dàn trải. Bởi cho vay tiêu dùng đòi hỏi cần có sự chuyên sâu.
Dung
—————————————————————————-
Thời báo Chứng khoán (Tài chính – Tiền tệ) 13-7-2017:
(1.188/1.188)