1.423. Mua bán tiền giả – Người mua lẫn kẻ bán đều phạm pháp

(VTV.vn) – Chỉ cần gõ từ khóa “buôn bán tiền giả”, trên mạng xã hội sẽ xuất hiện nhiều trang rao bán tiền giả nhằm dụ dỗ những kẻ hám lợi và gây hoang mang dư luận.

Lời mời đổi bán 1 tiền thật ăn 8 tiền giả

“1 triệu tiền thật ăn 8 triệu tiền giả” hay “Khuyến mãi cho khách hànglấy số lượng lớn 1 triệu tiền giả = 10 triệu tiền thật”… là những lời dụ dỗ được đăng tải công khai trên các trang mạng xã hội. Chỉ cần gõ cụm từ “mua bán tiền giả”, ngay lập tức gần chục địa chỉ facebook buôn bán tiền giả sẽ hiện ra.

Một điểm chung của những trang buôn bán tiền giả công khai này là đều giấu kín địa chỉ và thông tin cá nhân, chỉ yêu cầu khách hàng để lại thông tin một phía để giao dịch. Tại trang buôn bán tiền giả tên Hằng.T yêu cầu khách hàng để lại số điện thoại, địa chỉ, tên, số tiền để giao dịch. Toàn bộ mọi khâu giao dịch chuyển tiền đều thực hiện từ một phía là người bán để giữ kín tung tích.

Nhiều trang mạng đưa ra những lời dụ dỗ bán đổi tiền giải công khai

Phải mất một thời gian khá lâu, PV VTV News mới tìm ra được một số điện thoại 0898857*** của một trang nhận đổi tiền giả. Khi gọi điện đến, một người đàn ông nhấc máy và tỏ ra rất cảnh giác khi PV hỏi đến việc đổi tiền giả, phải khi PV nói bóng gió rằng muốn dùng tiền để đổi lấy “thứ kia” thì người đàn ông này mới chịu ngã giá.

PV hỏi rằng 1 triệu đồng tiền thật thì đổi được bao nhiêu tiền giả, người đàn ông này cho biết: “Còn tùy, nếu đổi mệnh giá 500.000 đồng thì 1 triệu tiền thật đổi được 8 triệu đồng. Còn nếu lấy mệnh giá 50.000, 100.000 đồng, 200.000 đồng thì 1 triệu đổi được 6 triệu đồng. Đổi lấy tiền nhỏ dễ tiêu nên đắt hơn là đương nhiên”.

Khi hỏi về chất lượng tiền giả nhìn có giống thật không, người đàn ông này cho biết: “Tiền giả không làm từ polymer, nếu làm từ polymer thì không có cái giá đấy. Nhưng tiền này giống tiền thật đến 98%, màu có thể hơi nhạt chút nhưng nhìn mắt thường không thấy, đừng mang ra ngân hàng là được chứ đổ xăng, mua đồ ngoài chợ thì thoải mái”.

Người này còn cho biết nhận tiền gửi trực tiếp qua ngân hàng, đóng cọc trước 30%, sau đó sẽ có hàng về tay khách trong thời gian sớm nhất. Khi PV hỏi người này ở đâu, liệu có chuyển được hàng về Hà Nội không, người này khẳng định uy tín: “Ở đâu không quan trọng, miễn là hàng hóa về được đến tận ta. Yên tâm là tiền rải ở khắp nơi, ở Hà Nội mà cần gấp khoản lớn để đổi thì cũng huy động được”.

Nhiều trang còn quảng cáo rằng tiền giả được nhập tại Trung Quốc, Thái Lan và đảm bảo rất giống tiền thật.

“Tiền mất tật mang”, phạm tội vì tham

Ở tất cả các trang buôn bán tiền giả, người bán đều yêu cầu khách hàng phải đặt cọc trước 30% số tiền dưới hình thức thẻ cào điện thoại hoặc gửi qua ngân hàng để làm tin. Sau khi nhận cọc sẽ có người liên hệ giao hàng và trả nốt số tiền còn lại. Thế nhưng, khi khách hàng chuyển tiền xong thì chủ trang lại chặn mọi thông tin liên lạc với khách. Nhiều khách bị lừa mất tiền cũng đành phải im lặng không dám kêu ai.

Đầu năm 2016, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 và Công an TP.Hà Nội đã tiến hành bắt giữ một nam thanh niên sinh năm 1991 trú tại Hoài Đức, Hà Nội vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nam thanh niên này đã đăng tải lên facebook thông tin mua bán trao đổi tiền giả để lừa đảo, yêu cầu khách phải giao dịch từ 500.000 đồng trở lên và chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Trong quá trình điều tra, Cục C50 xác định đã có bị hại hám lợi chuyển khoản cho người này để mua tiền giả nhưng sau đó bị cắt liên lạc và chặn facebook.

Trao đổi với PV VTV News, Phó trưởng phòng PC50 (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao) – công an TP.Hà Nội, bà Hà Thị Hằng cho biết: “Hiện ở trên các trang mạng xã hội đang có hiện tượng một số người rao bán tiền giả. Đơn vị chúng tôi cũng đang theo dõi và phát hiện các trang web rao bán. Tuy nhiên, khi trinh sát tiếp cận những đối tượng này, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, đóng giả người mua thì hầu như các đối tượng này đều không có tiền giả để trao đổi với khách hàng, tức là lừa đảo để chiếm đoạt, không bán tiền giả thật”.

Phó trường phòng PC50 cũng cho biết người đăng tải lên mạng thông tin rao bán tiền giả đã là phạm tội kinh doanh mặt hàng cấm. Nếu bản thân họ lấy tiền của khách hàng mà không giao hàng còn thuộc về tội lừa đảo theo điều 226b luật Hình sự. Ngoài những đối tượng này, bản thân người mua cũng đã vi phạm pháp luật vì mua bán hàng cấm.

Bà Hà Thị Hằng cũng cho biết từ tháng 10/2016 đơn vị đang làm báo cáo, thống kê các website rao bán tiền giả, hiện đang có gần 20 trang web đang được theo dõi chặt chẽ bởi có dấu hiệu buôn bán hàng cấm.

Hầu hết những trang mạng xã hội rao bán tiền giả đều là lừa đảo, các đối tượng tải ảnh trên mạng về rồi tung lên nhằm lừa gạt người hám lợi

Đối với hành vi rao bán tiền giả trên mạng, người dân cần hết sức cảnh giác bởi những người hám lợi nhuận rất dễ trở thành “mồi ngon” cho những kẻ rao bán tiền giả. Khi người mua tiền giả mất tiền thật vì bị lừa thì cũng rất ít trường hợp dám báo cơ quan chức năng vì sợ mình đã phạm pháp.

Theo luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật ANVI), hành vi lưu hành tiền giả là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho nền kinh tế, tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và làm mất giá trị của đồng tiền thật. Luật sư cũng nhấn mạnh nếu ngân hàng hay công an phát hiện việc lưu hành tiền giả và có dấu hiệu phạm tội lưu hành tiền giả thì sẽ thu giữ và xử lý hình sự, không xử lý hành chính dù người lưu hành vô ý hay cố ý.[1]

Điều 180 Bộ Luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả như sau: Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm, trường hợp nghiêm trọng từ 5-12 năm; rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 – 20 năm, hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Để đảm bảo an ninh tiền tệ và trật tự xã hội, người dân không nên tham gia vào mua bán tàng trữ lưu thông tiền giả, trong giao dịch cần hết sức cẩn trọng tránh bị đối tượng xấu lừa đảo và khi phát hiện tiền giả cần báo ngay cho công an để thu giữ, xử lý.

Minh Đức

————–

VTV.vn (Trong nước) 11-11-2016:

http://vtv.vn/trong-nuoc/mua-ban-tien-gia-nguoi-mua-lan-ke-ban-deu-pham-phap-20161110161727619.htm

(115/1.404)

[1] Không phải, vẫn xử lý hành chính

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,045