(VTC.vn) – “Trong bối cảnh 1,3 triệu xe đang thế chấp giấy tờ gốc tại ngân hàng, nếu bị xử phạt sẽ nguy hiểm cho hoạt động tín dụng…”, luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định.
Vào cuối tháng 5, Bộ Công an đã ký công văn số 2916 tái khẳng định việc xử phạt vi phạm hành chính với những tài xế không xuất trình được bản gốc giấy đăng ký xe là chính xác và không chấp nhận dùng bản sao giấy đăng ký xe có công chứng/chứng thực và xác nhận của ngân hàng.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ra văn bản số 3851 gửi các tổ chức tín dụng được phép giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực.
Sự chồng chéo quy định của hai cơ quan Nhà nước đã gây lúng túng cho giới tài xế, ngân hàng và thậm chí là đơn vị tiến hành xử phạt.
Không nên xử phạt chủ xe không mang giấy tờ gốc
TS Cấn Văn Lực, Phó TGĐ, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, ngân hàng là đơn vị cho vay tiền, dưới danh nghĩa là chủ nợ thì cần phải có các quy định ràng buộc với bên cho thuê bằng các tài sản thế chấp.
Cảnh sát giao thông không nên xử phạt chủ xe không mang giấy tờ gốc.
Trong trường hợp, khách hàng đã sử dụng ô tô đó để làm tài sản thế chấp thì thông thường giấy tờ sở hữu tài sản đó phải đi cùng hồ sơ thế chấp. Tránh các trường hợp rủi ro khi cho vay, phía ngân hàng có quyền được giữ lại giấy tờ gốc.
Nếu công văn 2916 được áp dụng đại trà, phía công an, có thể căn cứ vào bản sao công chứng. Tuy nhiên lại nảy sinh ra vấn đề khác về tính xác thực của bản sao công chứng. Liệu có phải giấy tờ bị làm giả, hay sai lệch thông tin hay không.
Theo ông Cấn Văn Lực, giải pháp sử dụng giấy tờ sao y công chứng có xác nhận của ngân hàng là đủ tính pháp lý thể hiện việc sở hữu xe và phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. (Ảnh: Việt Vũ)
Theo ông Cấn Văn Lực, giải pháp sử dụng giấy tờ sao y công chứng có xác nhận của ngân hàng là đủ tính pháp lý thể hiện việc sở hữu xe và phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.
Video: Hà Nội kiểm tra xe chính chủ bằng thiết bị thông minh
Còn theo ý kiến của ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, việc Cảnh sát Giao thông (CSGT) phạt khi không có giấy tờ gốc là không cần thiết.
“Trách nhiệm của CSGT là quản lý các phương tiện vi phạm giao thông và xử phạt các hành vi có vi phạm luật giao thông hay không. Còn việc kiểm tra giấy phép, giấy tờ gốc chỉ là cái phụ. Theo tôi, phía công an nên tạo điều kiện trong khuôn khổ pháp lý để dân chúng hoạt động bình thường”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Dễ gây khủng hoảng
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, có 6 luật liên quan đến giấy tờ xe và đều quy định người điều khiển phải mang theo bản chính giấy chứng nhận hợp lệ. Ngoài 4 luật liên quan tới đường bộ, thì 2 luật còn lại là: Luật đường sắt và Luật thuỷ sản (quy định về tàu cá) không nói ai giữ giấy tờ gốc.
Luật sư Trương Thanh Đức ủng hộ ngân hàng phải giữ giấy tờ gốc bằng mọi giá. (Ảnh: Việt Vũ)
“Việc xử phạt lái xe không mang giấy tờ gốc rất đúng, nếu dựa trên lý thuyết. Trên thế giới cũng có nhiều nước áp dụng quy định này và họ đang làm rất tốt vì họ quản lý tốt, hệ thống theo dõi phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tôi khẳng định nó sẽ rất nguy hiểm và ngân hàng sẽ không thể buông những giấy tờ gốc khi cho vay được”, Luật sư Đức nói.
Theo số liệu hiện nay có khoảng 1,3 triệu xe ô tô đang sử dụng loại hình cho vay thế chấp. Việc cho vay thế chấp có rất nhiều rủi ro và phía ngân hàng phải chịu thiệt thòi.
Luật sư Trương Thanh Đức ủng hộ ngân hàng phải giữ giấy tờ gốc bằng mọi giá: “Vào năm 2011, Ngân hàng phát triển nhà đã đăng thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhận 2 xe thế chấp bằng giấy tờ gốc. Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, không biết 2 chiếc xe này ở đâu”.
Như vậy mới hiểu được rằng, trên mặt pháp lý và luật pháp, khách hàng có trách nhiệm thông báo, thường xuyên đến lấy bản sao mới chạy được. Tuy nhiên, trên thực tế, các lái xe cho biết bản sao hay không bản sao, đăng kí hay không đăng kí vẫn mất từng ấy tiền.
Từ đó, luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị nên tạm thời dừng xử phạt lỗi không mang giấy tờ gốc đối với xe đang thế chấp tại ngân hàng. Bởi vì, với số lượng xe lên tới 1,3 triệu chiếc, việc xử phạt này gây ảnh hưởng đến nhiều đối tượng từ khách hàng, ngân hàng đến cơ quan hành pháp.
Ngoài ra, ông còn đưa ra biện pháp tách đôi quyền sở hữu và đăng kí xe ra. Ai là chủ xe thì giữ giấy quyền sở hữu để mua bán, sang tên chuyển nhượng, còn đăng kí lưu hành để lưu thông trên đường.
“Nếu Quốc hội vẫn để nguyên như hiện nay chắc chắn các ngân hàng sẽ ngừng việc cho vay thế chấp xe. Hoặc nếu cho vay sẽ lại phải tìm cách lách luật”, ông Đức nói.
VIỆT VŨ
————————————–
VTC.vn (Kinh tế) 13-7-2017:
(529/1.058)