(NT) – Bất chấp lãi suất thực tế cao, phổ biến 20-30% mỗi năm, thậm chí 60-70%, nhiều người Việt vẫn đi vay tiêu dùng để mua nhà sắm xe và nhiều thứ khác… từ các công ty tài chính.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo cần phải minh bạch hơn vấn đề lãi suất và bảo vệ khách hàng khi vay tiêu dùng – Ảnh: N.An |
Tại tọa đàm “Phát triển tài chính bán lẻ, cơ hội thúc đẩy tiêu dùng – phục vụ tăng trưởng kinh tế” do báo Đầu tư tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cảnh báo hiện tượng biến tướng trong cho vay tiêu dùng và khuyến cáo cần minh bạch lãi suất hoạt động này.
Theo ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tỉ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao, từ 52,5% vào năm 2005 lên mức 78,34% trong năm 2016.
Do đó, thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam đang phát triển khá nhanh, trong đó các ngân hàng thương mại chiếm vai trò chủ đạo.
Nếu tính cả các khoản vay để mua nhà thì chiếm tới 90% thị phần cho vay tiêu dùng, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 38,12% trong giai đoạn 2011-2015, trong đó riêng năm 2015 đạt khoảng 59,1%.
Tăng trưởng cho vay tiêu dùng tăng mạnh
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần phải xem xét lại một vài thành tựu trong những năm qua về tín dụng tiêu dùng.
Theo ông Nghĩa, hoạt động cho vay này tại Việt Nam chủ yếu thời gian qua là mua nhà và ôtô.
Tuy nhiên, một số tập đoàn bất động sản biến tướng cho cán bộ nhân viên vay mua nhà của chính mình, không tạo ra thanh khoản thực sự trên thị trường.
Do đó, ông Nghĩa cho rằng nếu không đi vào giám sát vi mô bài bản sẽ có nhiều ngách, tín dụng tiêu dùng len lỏi vào một mức độ nào đó.
Trong khi đó, lãi suất cho vay tiêu dùng đang ở mức cao, khi hiện đang gấp khoảng 3 lần lãi suất cho vay cùng kỳ hạn của các ngân hàng.
Ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, cho rằng nguyên nhân là do đối tượng cho vay là phân khúc khách hàng “dưới chuẩn”, thường là những khoản vay nhỏ, không có tài sản bảo đảm… có độ rủi ro cao hơn so với các ngân hàng nên phần bù rủi ro trong yếu tố cấu thành lãi suất cao hơn.
Thêm vào đó, chi phí vốn đầu vào cũng luôn cao hơn, khi các công ty tài chính không huy động trực tiếp vốn từ dân cư, mà hoạt động bằng vốn điều lệ cộng với nguồn thu từ phát hành trái phiếu.
Chi phí hoạt động các khoản vay cũng ở mức cao, nên dẫn tới, chi phí vốn bình quân đầu vào chiếm từ 22% đến 63%.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết hiện nay có ba kênh cho vay tiêu dùng chủ yếu là cầm đồ, công ty tài chính và các tổ chức tín dụng.
Các ngân hàng đang thực hiện hai phương thức tính lãi suất cho vay tiêu dùng là tính lãi trên dư nợ ban đầu và tính lãi trên dư nợ thực tế.
Luật sư Trương Thanh Đức phát biểu tại hội thảo. Ảnh – N.An |
Rủi ro lãi suất cho khách hàng
Vay tiêu dùng thường nhỏ lẻ và ngắn hạn nên khách hàng ít quan tâm đến lãi suất ghi trong hợp đồng, mà chủ yếu quan tâm đến khoản tiền cụ thể phải trả hàng tháng.
Theo ông Đức, trước đây khi các đơn vị cho vay công bố lãi suất cố định cho từng khoản vay theo tuần, tháng nhưng không giải thích rõ, tạo nên cảm giác lãi suất thấp, trong khi thực chất rất cao.
Dẫn chứng, cùng công bố lãi suất 1% một tháng đối với khoản vay 10 triệu đồng trong 12 tháng, trả gốc mỗi tháng 1 triệu đồng, nhưng nếu phải trả lãi theo số dư nợ gốc cố định ban đầu thì lãi suất sẽ lên đến 22% mỗi năm, không còn là 12% mỗi năm nữa.
Lãi suất cho vay thực của công ty tài chính phổ biến ở mức 20-30%, thậm chí có khoản vay lên đến 60-70% mỗi năm.
Để đảm bảo phản ánh đúng lãi suất, tránh tình trạng con số công bố và thực chất khác nhau, Thông tư 43 đã yêu cầu phải được “quy định đổi theo tỷ lệ % mỗi năm”, đồng thời phải “tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó”.
Ông Đức cho rằng cần minh bạch vấn đề lãi suất để bảo vệ người tiêu dùng khi vay tiêu dùng.
Hiện nay, theo quy định các đơn vị cho vay phải đăng ký mẫu vay tiêu dùng ở Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương).
Dù vậy, dường như các đơn vị vẫn chưa đăng ký, vì đang nghe ngóng, chờ Nghị quyết 19 của Chính phủ để giảm thiểu thủ tục hành chính.
————————————————–
Nông thôn Việt (Kinh tế) 14-7-2017:
(387/925)