(IFN) – Liên tiếp các công ty dược phẩm tầm cỡ ở Việt Nam bị đình chỉ và thu hồi thuốc kém chất lượng trong thời gian vừa qua như công ty Cổ phần Dược phẩm 3/2 , Công ty CP dược phẩm Trung ương Codupha, Công ty Cổ phần Dược thảo Phúc Vinh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm và Thương mại Sohaco… đã khiến dư luật đặt ra câu hỏi: Đánh giá chất lượng thuốc là việc của ai?
Chất lượng thuốc nằm trong tay của doanh nghiệp?
Cách đây chưa đầy 5 tháng, vụ việc 32 công ty dược – mỹ phẩm bị Bộ Y tế xử lý vì sản xuất, nhập khẩu thuốc kém chất lượng, vi phạm hành chính về đăng ký giá thuốc và quảng cáo đã dấy lên sự hoang mang trong người tiêu dùng. Điển hình như Sohaco – một trong những doanh nghiệp tầm cỡ nhất cũng đã vi phạm tới 3 lần trong 1 năm chỉ với một lĩnh vực đó là nhập khẩu ủy thác.
TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng nhìn nhận: “Thứ nhất, thị trường trong nước không đánh giá được, người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý không đánh giá được thuốc đang lưu hành trên thị trường đang ở trạng thái kém chất lượng. Thứ hai, nó cũng thể hiện rằng tình trạng này đã xảy ra lâu rồi, nên mới có sự vi phạm dây chuyền như vậy. Bây giờ mới phạt là muộn, nhưng dù sao đây cũng là dấu hiệu đáng mừng vì Bộ Y tế đã có sự nhìn nhận và đánh giá trên toàn hệ thống để có thể chỉ ra được chất lượng của thuốc là đang kém”.
Trên thực tế, nhiều người cho rằng, chỉ có bác sỹ mới đánh giá được chất lượng thuốc. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị không chỉ một loại thuốc và rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị ví dụ như: cơ địa của người bệnh, sự tuân thủ đơn thuốc… Chính vì thế trong quá trình điều trị rất khó để bác sĩ có thể kết luận nguyên nhân điều trị không hiệu quả là do thuốc kém chất lượng hay các nguyên nhân khác.
TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng. |
TS Trần Tuấn cho rằng: “Đánh giá chất lượng thuốc, thứ nhất là chính các công ty dược, nơi nhập khẩu hoặc sản xuất thuốc. Thứ hai là các cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý phải tổ chức bộ phận chuyên môn hoặc hợp đồng với các cơ quan chuyên môn để đánh giá về chất lượng thuốc trên thị trường. Ở các nước phát triển, còn có thêm cơ quan đánh giá giám sát chất lượng thuốc của các tổ chức độc lập”.
Vậy là chất lượng thuốc một phần đang nằm trong tay doanh nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp đã vì lợi nhuận mà đánh đổi uy tín cũng như đạo đức kinh doanh. Chất lượng thuốc còn được giám sát bởi các cơ quan chức năng, nhưng liệu có sự buông lỏng quản lý để dẫn đến những sai phạm liên tiếp trên cùng một lỗi hay không?
Nhiều doanh nghiệp đã “nhờn luật”
Trong thời gian vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã nhiều lần đình chỉ lưu hành và thu hồi một số loại kháng sinh kém chất lượng do Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm và Thương mại Sohaco nhập khẩu.
Tháng 7/2016, trả lời Báo điện tử Infonet, Sohaco khẳng định chất lượng sản phẩm là mục tiêu phấn đấu của mình nhưng đến tháng 11/2016, Sohaco lại tiếp tục bị Cục QL Dược ra quyết định thu hồi thuốc kháng sinh do công ty nhập khẩu. |
Từ vụ việc này, câu hỏi đặt ra là liệu quy trình nhập khẩu ủy thác hay công tác quản lý, cấp phép có lỗ hổng nào để các doanh nghiệp “khai thác và tận dụng” nhập khẩu thuốc, dược phẩm kém chất lượng về Việt Nam? Để khi “sự đã rồi” thì các cơ quan chức năng lại phải tự đi tìm cách gỡ rối, giải quyết và hậu quả thì hoàn toàn do người tiêu dùng gánh chịu.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết: Trách nhiệm của các doanh nghiệp khi nhập khẩu, ủy quyền nhập khẩu thuốc, dược phẩm kém chất lượng được quy định tại Thông tư 47/2010, nhưng rất chung chung. Cụ thể là theo Khoản 1 Điều 4 Thông tư 47/2010 của Bộ Y tế quy định: “Thương nhân sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, ủy thác, nhận ủy thác nhập khẩu, xuất khẩu thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của thuốc nhập khẩu theo quy định của Luật Dược, Luật Thương mại và các quy định khác về quản lý chất lượng thuốc hiện hành”. Chính vì vậy, chưa có một cơ chế và một chế tài đủ sức răn đe, khiến cho các doanh nghiệp “nhờn luật” vẫn ngang nhiên làm trái, coi thường tính mạng, sức khỏe của người dân”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI; Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng: “Lợi nhuận khủng từ việc buôn bán thuốc đã thôi thúc các doanh nghiệp dùng mọi chiêu trò để hòng qua mắt các cơ quan chức năng, nhập khẩu và phân phối các sản phẩm, trong đó có thuốc kháng sinh kém chất lượng”.
Người bệnh ốm thì cần thuốc chữa trị và sẵn sàng bỏ tiền ra mua các loại thuốc tốt, nhưng họ không thể trông chờ vào các doanh nghiệp, khi mà vì lợi nhuận nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ qua yếu tố chất lượng cũng như quyền lợi của người bệnh để nhập khẩu các loại thuốc không đạt chất lượng.
Mộc Miên
————-
Infonet (Sức khỏe) 17-11-2016:
http://infonet.vn/danh-gia-chat-luong-thuoc-la-viec-cua-ai-post214036.info
(77/1.050)