(DT) – Hiện cả nước có hàng ngàn cơ sở hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô, việc quy định điều kiện đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cần phải cân nhắc kỹ lưỡng…
(Ảnh minh hoạ).
Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014 với việc đưa Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô vào danh mục 226 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đang được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến của Thường vụ Quốc hội, trước khi trình Quốc hội thông qua.
Việc đưa ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô và doanh mục kinh doanh có điều kiện đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận trong thời gian qua.
Vì lo an toàn của chủ xe?
Lý giải về việc bổ sung ngành nghề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Xe ô tô là sản phẩm công nghệ cao, cấu tạo phức tạp và có giá trị lớn. Chất lượng xe ô tô có ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm tính mạng, sức khỏe con người, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Do vậy, cần áp dụng điều kiện kinh doanh ô tô từ khâu sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu đến bảo hành”.
Trả lời báo chí, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho rằng, ô tô là sản phẩm có vòng đời dài tới vài chục năm và nhà cung cấp sản phẩm phải đảm bảo xe được bảo hành, bảo dưỡng, thậm chí triệu hồi theo đúng yêu cầu kỹ thuật của chính hãng. Trong khi đó, các nhà phân phối, nếu mua, nhập khẩu xe từ nhiều nguồn khác nhau thì thường bỏ qua khâu bảo hành và dịch vụ sau bán hàng do không có sự hỗ trợ từ nhà sản xuất cả ở khía cạnh tài chính lẫn công nghệ, kỹ thuật.
Ông Tuấn cũng cho rằng, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng hiện nay chỉ có thể kiểm soát chất lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu tại các thời điểm nhất định (khi xuất xưởng, kiểm định, đăng kiểm định kỳ). Trong khi ôtô cần phải được vận hành an toàn, đúng hướng dẫn cho toàn bộ thời gian sử dụng.
Cũng cần nói thêm rằng, trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20/2011/TT-BCT, ngày 18/8/2016, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề này khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.
Cùng đó, giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.
Theo ông Lâm Chí Quang, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam: “Chủ xe nên cẩn trọng, bảo hành, bảo dưỡng ở ngoài rẻ hơn nhưng phải hiểu phụ tùng đó mua trôi nổi trên thị trường. Những phụ kiện không chính hãng, thậm chí do một số nước làm giả, làm nhái, đến đăng kiểm vẫn qua nhưng khi sử dụng không đảm bảo an toàn, hệ luỵ rất lớn. Do đó cần phải cẩn trọng”.
Hàng ngàn gara ô tô lo “chết yểu”
Ở góc nhìn khác, tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ băn khoăn về nội dung này: “Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hiện cả nước có hàng ngàn cơ sở hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô, việc quy định điều kiện đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cần phải cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính phổ quát chung đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt, vừa bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh”.
Theo báo cáo thẩm tra, có ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, không cần thiết quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề này vì dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô thực chất là vấn đề chăm sóc khách hàng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự (từ Điều 446 đến Điều 449) và được điều tiết bởi nhu cầu, xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng và yêu cầu cạnh tranh trên thị trường. Định kỳ các loại xe ô tô đều phải được kiểm tra tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật mới đủ điều kiện tham gia giao thông.
Trong một văn bản gửi đi sau đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng phản bác lại lý do của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với lập luận: “Bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô là dịch vụ thường đi kèm với dịch vụ bán hàng hoặc sản xuất ô tô và trong quan hệ này trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm thuộc về nhà sản xuất là chủ yếu chứ không phải là người bảo hành, bảo dưỡng. Vì vậy, việc xem hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất bất hợp lý”.
Ngay cả khi việc kiểm soát các dịch vụ này là hợp lý đi nữa thì các điều kiện kinh doanh với ngành này như quy định hiện tại cũng không thể hiện được các mục tiêu quản lý nào trong khi lại cản trở đáng kể đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào thị trường này. Chính vì lý do trên, VCCI đề nghị bỏ “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” ra khỏi Danh mục Luật Đầu tư sửa đổi.
Dưới góc độ người tiêu dùng, anh Nguyễn Quang Lê (Linh Đàm, Hoàng Mai) cho hay: “Thời điểm mới mua xe cách đây 4, 5 năm tôi vẫn thường mang xe tới các gara chính hãng nhưng việc này tốn nhiều thời gian và giá thành rất đắt. Do đó, hiện giờ tôi lựa chọn gara bên ngoài, rất thuận tiện, giá thành rẻ, chất lượng vẫn đảm bảo”.
Thậm chí, có người tiêu dùng thẳng thắn: “Trên thực tế, giá xe không chính hãng thấp hơn đáng kể so với xe nhập khẩu chính hãng. Trong trường hợp, xe mắc lỗi và không được hãng triệu hồi thì tôi sẵn sàng chấp nhận bỏ tiền túi của mình ra để sửa lỗi đó. Còn về việc xe bảo hành, bảo dưỡng có an toàn hay không thì đã có Cục Đăng kiểm cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật mới đủ điều kiện tham gia giao thông”.
Trao đổi về việc yêu cầu bảo hành, bảo dưỡng chính hãng, LS Trương Thanh Đức cho rằng: “Nếu bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải chính hãng thì sửa chữa quạt điện, nồi cơm điện cũng phải bảo hành chính hãng? Điểm đó phải bỏ. Vì ở đây, người mở gara ô tô sữa chữa có “sống” được hay không thì phải do khách hàng, thị trường quyết định chứ không phải là do quy định, cơ quan quản lý quyết định. Người tiêu dùng khi bỏ tiền ra mua 1 cái ô tô, họ sẽ biết phải tìm hiểu chế độ bảo hành của hãng ra sao, khi xe hỏng thì mang đi sửa ở đâu tốt và thuận tiện nhất”.
Trao đổi với báo chí, giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu xe thì cho rằng, nên tách bạch 2 vấn đề về bảo hành và bảo dưỡng. Cụ thể, bảo hành là trách nhiệm của nhà nhập khẩu, được công khai và do cơ quan điều hành quản lý. Còn bảo dưỡng thì hãy để người tiêu dùng quyết định nên chọn nơi nào.
Phương Dung
——————–
Dân trí (Kinh doanh) 19-11-2016:
(129/1.498)