(PLN) – Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhận được nhiều văn bản kiến nghị của các tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp phản ánh về việc cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm khi sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông.
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao chuyện Cảnh sát Giao thông xử phạt xe ô tô không có giấy tờ đăng ký xe bản chính, mặc dù chủ xe có xuất trình giấy đăng ký xe bản sao công chứng. Nhiều chủ xe trong số đó cho biết đang thế chấp bản chính tại ngân hàng, xe là diện vay mua trả góp.
Theo số liệu của Cục đăng ký giao dịch bảo đảm quốc gia (Bộ Tư pháp), hiện tại cả nước có gần 1,3 triệu phương tiện giao thông đang thế chấp giấy tờ tại các ngân hàng và những chủ phương tiện này có nguy cơ bị công an xử phạt vì lưu thông không có đăng ký xe bản chính.
Việc không thừa nhận giấy tờ xe bản photo công chứng đang tạo ra nhiều ý kiến dư luận, và những cuộc chiến pháp lý liên quan đến quy định của Luật, ngân hàng với cơ quan công an và người tiêu dùng là đối tượng phải gánh chịu cuối cùng.
Thực tế, khi vay mua ô tô trả góp, người dân đều bị các ngân hàng giữ lại giấy tờ gốc là Giấy đăng ký xe. Theo LS Trương Thanh Đức, việc này có yếu tố lịch sử để lại. Từ năm 2007 đến năm 2011, theo Nghị định 63 của Chính phủ, các ngân hàng được phép giữ giấy tờ bản gốc của khách hàng, nên những người vay thế chấp xe tại ngân hàng lưu thông xe đều xuất trình giấy tờ bản sao công chứng có xác nhận của ngân hàng.
Tuy nhiên, năm 2012, Chính phủ ra Nghị định 11 không cho phép ngân hàng tiếp tục giữ giấy tờ gốc của người vay mua ô tô vì sai Luật.
Giới chuyên gia và luật sư khẳng định, việc xử phạt là đúng luật, song nếu không được giữ giấy tờ gốc, ngân hàng sẽ dừng cho vay, khiến tín dụng mua xe rơi vào khủng hoảng.
Giới chuyên gia và luật sư khẳng định, việc xử phạt là đúng luật, song nếu không được giữ giấy tờ gốc, ngân hàng sẽ dừng cho vay, khiến tín dụng mua xe rơi vào khủng hoảng. Ảnh: minh họa
Tác động lớn đến thị trường cho vay mua ô tô
Theo chuyên gia về tài chính ngân hàng – TS Cấn Văn Lực, khi ngân hàng cho người dân vay tiền để mua ô tô, thì tài sản thế chấp đó là chiếc ô tô, tài sản này phải đi kèm với giấy tờ về sở hữu tài sản, tức là giấy đăng ký xe. Nếu không có những giấy tờ này thì chẳng có ngân hàng nào dám cho vay. Theo ông Lực, nếu áp dụng theo quy định thì trong thời gian tới các ngân hàng sẽ phải hạn chế hoạt động cho vay mua xe, người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng trong việc tiêu dùng hay kinh doanh.
“Đối với CSGT, liên quan đến xử phạt hành chính thì chỉ cần bản sao là đủ, nhiều nước trên thế giới đã và đang chấp nhận theo cách này thì chúng ta cũng nên theo”, ông Lực nói.
Ngân hàng nhà nước “giải cứu” tạm thời cho các chủ xe trả góp
Ngày 13.7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã gửi 2 văn bản sang Bộ Tư pháp và Bộ Công an đề xuất tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc người thế chấp giấy tờ xe tại ngân hàng, khi tham gia giao thông vẫn bị xử phạt.
Theo NHNN, bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định rõ bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nếu các bên có thỏa thuận. Do đó, việc quy định bên thế chấp giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, đồng thời vẫn giữ tài sản thế chấp như quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) đã không còn phù hợp dẫn tới những khó khăn, vướng mắc như đã nảy sinh trong thời gian qua.
Đồng thời, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP, NHNN cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của tổ chức tín dụng khi lưu thông phương tiện.
Diệu An (Tổng hợp)
———————————-
Pháp luật net 17-7-2017:
http://phapluatnet.vn/print?contentid=8661
(124/851)