1.442. Tìm hiểu kỹ trước khi vay tín dụng tiêu dùng

(SGTT) – Tín dụng tiêu dùng đang góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen và bất ổn xã hội. Chỉ có điều, hiện nay số lượng công ty tài chính tiêu dùng ít, mặt bằng lãi suất cao, người tiêu dùng nếu không tỉnh táo và cân nhắc khả năng trả nợ sẽ dễ vướng vào vòng nợ nần.

Nhu cầu lớn

Một bà bán rau cần vay số tiền một triệu đồng, nhưng lại không có tài sản đảm bảo và cũng không chứng minh được thu nhập. Mặc dù số tiền vay ít, bà không thể vay được của các ngân hàng thương mại, và nếu không có các công ty tài chính thì bà chỉ có thể vay ở thị trường tín dụng đen.

Mỗi ngày bà kiếm được 300.000 đồng nhưng phải trả lãi tới 100.000 đồng. Đây là mức lãi được cho là rất cao. Nhưng dù sao, nếu không có một triệu đồng đó thì bà cũng không thể kiếm 200.000 đồng/tháng để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con.

Đây là ví dụ mà ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, đưa ra trong một buổi tọa đàm gần đây về tín dụng tiêu dùng. Ví dụ của ông Hòe đưa ra để thấy rằng, tiềm năng của tài chính bán lẻ còn rất lớn và đang dần đẩy lùi vấn nạn xã hội là tín dụng đen.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Đặng Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm tiếp thị FE Credit, cho biết FE Credit tập trung vào 60% khách hàng trong độ tuổi lao động mà không có tài sản thế chấp, không chứng minh được thu nhập, đa phần là công nhân. Đây không phải là nhóm khách hàng mà các ngân hàng thương mại hướng tới.

Ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HD Saison, cho hay nhóm khách hàng “bị bỏ quên” này ước tính khoảng 30-40 triệu người, trong khi 10 năm qua, ngành tài chính tiêu dùng mới chỉ phục vụ khoảng 10 triệu người, tức chỉ khoảng 1/4 dung lượng thị trường. “Thị trường còn lớn đối với các công ty tài chính”, ông Thái nói.

Những năm gần đây, tín dụng tiêu dùng tăng nhanh đang trở thành một trong những động lực lớn của tăng trưởng, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, kênh tín dụng này, dù không nguy hiểm và gây ra vấn nạn xã hội nhiều như tín dụng đen, không phải không có những rủi ro đối với người tiêu dùng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng các công ty tài chính khi tham gia vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng đáp ứng được yêu cầu cho vay nhanh, dịch vụ cung cấp phù hợp với thị trường nhưng lãi suất thường cao gấp đôi, gấp ba so với ngân hàng.

Theo ông Đức, lãi vay tiêu dùng của công ty tài chính so với tín dụng đen thấp hơn và ít rủi ro hơn. Việc cho vay hợp pháp này nếu phát triển được sẽ đáp ứng nhu cầu xã hội, hạn chế được tín dụng đen.

Thực tế cho thấy, hiện nay chưa có nhiều sự cạnh tranh giữa các công ty tài chính vì mới chỉ có khoảng chục công ty tài chính cho vay tiêu dùng. Trong số đó, chỉ một vài công ty cho vay chuyên biệt trong lĩnh vực ô tô, xe máy hoặc chỉ hoạt động trong một tỉnh, nghĩa là chỉ có 2-3 công ty tài chính hoạt động trên phạm vi rộng nên ít có sự cạnh tranh.

Hơn nữa, lãi suất của các công ty tài chính theo quy luật thị trường, dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa bên đi vay và bên cho vay. Nhưng với thị trường lớn nhưng chỉ có sáu công ty tài chính tiêu dùng cung cấp dịch vụ sẽ dẫn tới mức lãi suất cho vay bị mất tính cạnh tranh. Do đó, theo ông Đức, cần phát triển thêm nhiều công ty tài chính để giảm lãi vay về mức hợp lý hơn.

Đối với nền kinh tế, ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho rằng dù công ty tài chính ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào tín dụng tiêu dùng nhưng cũng nên cẩn trọng. Trường hợp của Thái Lan và Trung Quốc là những bài học. Ở thời kỳ đỉnh điểm, mỗi nước đều có công ty tài chính đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bất động sản, chứng khoán… Và khi bong bóng vỡ đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 với sự phá sản của hàng loạt công ty tài chính.

Đọc kỹ trước khi vay

Theo các chuyên gia, tự nguyện ký vào hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đồng ý với tất cả các điều khoản trong hợp đồng, nhất là về thời hạn trả nợ, lãi suất trong hạn cũng như quá hạn.

Khách hàng không đọc kỹ, không tìm hiểu vấn đề sẽ nghĩ mình bị lừa khi phải trả số nợ quá cao. Lãi suất, thời hạn vay, điều kiện vay, công thức tính toán tương đối cụ thể, rõ ràng nhưng người vay ít quan tâm và không đọc kỹ thì sẽ không hiểu. Đến lúc phải trả nợ gốc và lãi, nhất là phải áp dụng chế tài phạt trả chậm, tức áp mức lãi suất quá hạn, thì khách hàng mới giật mình tưởng rằng bị lừa.

Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp câu chữ trong hợp đồng không thật sự rõ ràng, việc tư vấn, giải thích không đầy đủ nên khách hàng không hiểu được hoặc hiểu nhầm. Điều này thường xảy ra đối với phương thức cho vay tính lãi cố định trên dư nợ ban đầu.

Ví dụ, một người vay 10 triệu đồng trong một năm, lãi 5% một tháng. Khi số nợ gốc chỉ còn một triệu đồng nhưng vẫn phải trả lãi 500.000 đồng/tháng, tức lên tới 50%/tháng. Điều này khác xa so với trả lãi theo số dư thực tế, khi dư nợ chỉ còn một triệu thì chỉ phải trả lãi 50.000 đồng, tức vẫn 5%/tháng.

Do đó, trước khi đặt bút ký hợp đồng, người vay cần cân nhắc kỹ khả năng trả nợ của mình. Nếu vi phạm hợp đồng, các công ty tài chính sẽ xử lý theo đúng pháp luật và thoả thuận trong hợp đồng. Công ty tài chính có thể được cho vay với lãi suất 30-40%/năm hoặc có thể cao hơn. Những chế tài khác như đôn đốc, thúc giục, kiện ra tòa, xử lý tài sản đều được pháp luật cho phép.

Các công ty tài chính phải ráo riết thu hồi vốn để bảo đảm an toàn vốn và hiệu quả kinh doanh, nên thường không châm chước, ưu ái cho khách hàng. Cho vay sản xuất kinh doanh thì lãi suất thấp, còn được xem xét nhiều yếu tố để gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất. Còn cho vay tiêu dùng thì gần như không có khái niệm đó, nên khi không trả nợ người vay thường bị áp chế tài rất nặng, ít có độ trễ như cho vay sản xuất kinh doanh.

Chậm trả nợ trong cho vay tiêu dùng, lãi tăng thêm rất nhanh, chẳng mấy chốc tiền lãi nhiều hơn số tiền gốc. Do đó, người tiêu dùng phải thực sự hiểu cặn kẽ các ngóc ngách của hợp đồng tín dụng tiêu dùng hãy đặt bút ký, tránh những rắc rối về sau.

Thuỳ Dung

————————————–

Sài Gòn Tiếp thị 30-7-2017:

http://www.sgtiepthi.vn/tim-hieu-ky-truoc-khi-vay-tin-dung-tieu-dung/

(281/1.344)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,877