(ĐĐK) – Thời gian gần đây, các tập đoàn tài chính nước ngoài có sự quan tâm đặc biệt đối với với các công ty tài chính tiêu dùng trong nước. Khối ngoại đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng của thị trường này.
Tấp nập bán – mua
Shinsei Bank (Nhật Bản) đã ký kết hợp đồng mua 49% vốn tại Công ty Tài chính tiêu dùng MCredit do Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) sở hữu 100% vốn. Sau thương vụ này, MCredit được đổi tên thành Công ty TNHH Tài chính tiêu dùng MB Shinsei. Được biết một nhà đầu tư khác đến từ Nhật Bản có tên là Shinhan Bank tiếp tục nhắm tới việc thâu tóm một công ty tài chính khác nữa tại Việt Nam. Hiện một số công ty tài chính trong nước cũng ráo riết đàm phán với các đối tác ngoại để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược phù hợp.
Cũng theo thống kê, thị trường tài chính tiêu dùng nước ta khá nhộn nhịp, với sự hiện diện của 16 công ty. Chiếm thị phần lớn nhất hiện nay là FE Credit, với thị phần lên tới 48,4% với tổng dư nợ tín dụng 30.000 tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD) và và 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2016. Tiếp theo là Home Credit, HD Saison, và Prudential … với các thị phần tương ứng 15,7%, 12,2% và 8,1%
Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 20%–30%/năm liên tục kể từ 2010, tính đến cuối năm 2016, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có quy mô 646.000 tỷ đồng (tương đương 28 tỷ USD). Con số thống kê này đưa thị trường tài chính tiêu dùng lên vị trí gấp đôi so với dự đoán 15 tỷ USD một năm trước đó và chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nợ công gia tăng thì đầu tư công không còn là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng nữa, mà nhu cầu tiêu dùng mới là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Thực tế, thời gian qua, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh (tăng 27%) và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này đến năm 2020.
Ngoài ra, cũng theo tính toán, số người giàu và trung lưu ở Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 – 20 năm. Đây là những lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài để sự quan tâm nhiều hơn nữa đến thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Và chắc chắn, những thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này sẽ còn sôi động thời gian tới.
Tiếp tục hoàn thiện hơn
Tăng trưởng mạnh, nhưng có điều đáng lưu ý, lãi suất cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng vẫn đang rất cao. Dù Ngân hàng Nhà nước đã quy định các tổ chức tín dụng khi cho vay tiêu dùng phải ghi rõ mức lãi vay và phương pháp tính lãi khi ký hợp đồng vay tiêu dùng, song tình trạng lập lờ lãi suất của các công ty tài chính vẫn đang khá phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng khiếu kiện trong cho vay tiêu dùng chưa có dấu hiệu giảm, và thị trường tài chính tiêu dùng vẫn chưa có mặt ở nông thôn, một số nơi xa.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận định, thị trường này đang phát triển dưới mức tiềm năng và cần nhiều “cú huých” từ cả phía cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng và chính người tiêu dùng. Về phía Chính phủ và các cơ quan quản lý, cần xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện như là 1 trong 3 trụ cột tăng trưởng bao trùm, gồm tài chính toàn diện, kinh tế toàn diện và xã hội toàn diện. Tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh Thông tư 43 của Ngân hàng Nhà nước về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, đặc biệt cần tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục – đào tạo, nâng cao nhận thức, văn hóa vay tiêu dùng cho người dân.
Về phía các công ty tài chính, cần phải thiết kế sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn với từng nhóm đối tượng người tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục, quy trình xét duyệt hồ sơ nhằm giảm sự phiền phức cho khách hàng nhưng đồng thời phải có chính sách, công cụ quản lý rủi ro phù hợp. Về phía người tiêu dùng, đây là đối tượng được phục vụ, cũng đồng thời là động lực thúc đẩy tăng trưởng và có vai trò quyết định đến thị trường tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên thói quen và kiến thức về vay tiêu dùng ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Bởi vậy, việc nâng cao kiến thức tài chính cá nhân cho người đi vay là một việc làm rất cần thiết.
Ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ việc quản lý các dữ liệu về tiêu chuẩn, biện pháp, con số của các nước trên thế giới rất chuẩn, như: độ tuổi, sức khỏe, thu nhập và điều kiện kinh tế của khách hàng… nên rủi ro của họ thấp hơn. Trong khi tại Việt Nam, mọi dữ liệu đều là những con số ảo, không chuẩn nên áp dụng các giải pháp xử lý theo hướng rủi ro cao như lãi suất cao, tiêu chuẩn được vay cao hơn. Chính vì thế cần có sự chuyên nghiệp hóa về cập nhật dữ liệu khách hàng trên toàn hệ thống tốt hơn.
Hồ Hương
———————————————-
Đại đoàn kết (Kinh tế) 09-8-2017:
http://daidoanket.vn/tin-tuc/kinh-te/chien-luoc-moi-cua-nha-dau-tu-375955
(120/2.111)