1.449. Nghịch lý chủ nợ sợ con nợ

(ĐTCK) – Mở thủ tục phá sản doanh nghiệp được xem là cách thức để bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, người lao động trong doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, “vũ khí” này lại chưa được chủ nợ của nhiều doanh nghiệp sử dụng vì những lý do “tế nhị”. 

Luật Phá sản 2014 có quy định, khi một doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, những người có quyền lợi liên quan (chủ nợ, người lao động, công đoàn, người đại diện theo pháp luật…) có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp.

Cụ thể, khi một doanh nghiệp bị xem là mất khả năng thanh toán,  người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần; chủ tịch hội đồng thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, thành viên công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nếu những người này không thực hiện nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Luật cũng cho phép chủ nợ không có đảm bảo hoặc chủ nợ có bảo đảm một phần; người lao động, công đoàn; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% cổ phần phổ thông trong thời gian ít nhất 6 tháng trong trường hợp điều lệ công ty quy định nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp…

Quy định tại Luật Phá sản 2014, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, đã tạo ra cơ chế thông thoáng và khá chuyên nghiệp cho doanh nghiệp trong việc mở thủ tục phá sản khi không còn khả năng hoạt động và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Thậm chí, Luật đã đưa ra chế định mới về “quản tài viên” để quản lý tài sản của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc giải quyết tài sản của doanh nghiệp khi tiến hành thủ tục phá sản.

Vì sao hành lang pháp lý đã có, nhưng nhiều doanh nghiệp “chết” mà chẳng thể “chôn”?

Với những người đứng đầu doanh nghiệp, việc mở thủ tục phá sản giúp doanh nghiệp tránh được áp lực trả nợ vay trước mắt, có thể khai tử doanh nghiệp trong danh dự. Thậm chí, trong tình huống tích cực nhất, doanh nghiệp có thể được chính hội đồng chủ nợ ra tay cứu. Vậy nhưng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lại không muốn nộp đơn xin phá sản.

Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp được thành lập kê khai vốn điều lệ lớn, nhưng chủ yếu là vốn ảo. Các cổ đông có thể góp đủ vốn điều lệ, nhưng trong quá trình hoạt động có nhiều giao dịch chuyển tài sản không rõ ràng…, doanh nghiệp rất sợ nếu bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra lại quá trình hoạt động sẽ phát hiện ra nhiều sai phạm, người góp vốn hay người điều hành sẽ bị xử lý trước khi doanh nghiệp được phá sản.

Chính chủ nợ cũng không muốn doanh nghiệp nộp đơn phá sản. Theo Điều 81 và Điều 83 Luật Phá sản 2014, nghị quyết của hội nghị chủ nợ được thông qua khi có quá nửa số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành.

Nhiều doanh nghiệp được thành lập kê khai vốn điều lệ lớn, nhưng chủ yếu là vốn ảo.

Nghị quyết của hội nghị chủ nợ có hiệu lực ràng buộc đối với tất cả các chủ nợ. Nghị quyết của hội nghị chủ nợ quyết định nội dung đề nghị: đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản; áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản.

Đối với chủ nợ không có bảo đảm, hầu như tài sản còn lại (không bị thế chấp) sẽ được thanh lý để thu tiền phân chia theo thứ tự quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ nợ không có bảo đảm gần như không được phân chia hoặc nhận được với số tiền không đáng kể. Do đó, chủ nợ không có bảo đảm sẽ luôn lựa chọn hướng áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh (thời hạn không quá 3 năm).

Thậm chí, các chủ nợ có bảo đảm rất sợ doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu phá sản vì sẽ phát lộ những việc sai phạm trong cho vay, định giá tài sản trước đây, tài sản bảo đảm bị tẩu tán không còn… Mặt khác, nghị quyết của hội nghị chủ nợ biến việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc vào quyền quyết định của các chủ nợ không có bảo đảm. Trên thực tế, các tổ chức tín dụng thường chọn cách xử lý trực tiếp tài sản bảo đảm của doanh nghiệp hơn là việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Bản chất của mở thủ tục phá sản doanh nghiệp là việc lựa chọn phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc giải quyết tài sản của doanh nghiệp (tài sản và quyền tài sản) được phân chia cho các chủ nợ theo thứ tự quy định. Việc xử lý tài sản có thể mất một thời gian, nhưng vẫn giải quyết được theo hướng nhận tài sản hoặc đưa ra đấu giá.

Tuy nhiên, trong số tài sản của doanh nghiệp phá sản còn bao gồm các quyền tài sản (như khoản phải thu đối với bên thứ ba), pháp luật Việt Nam hiện nay lại chỉ mới có chế định về mua bán nợ dành riêng cho xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, Việt Nam chưa có một thị trường mua bán nợ tự do.

Một trong những vấn đề mấu chốt để cơ chế cho phá sản doanh nghiệp, một cơ chế của nền kinh tế thị trường được thực thi, đó là phải xây dựng được một thị trường mua bán nợ tự do, khi đó các quyền tài sản của doanh nghiệp có thể đưa ra giao dịch.

Luật sư Trương Thanh Đức đã nhận xét về Luật Phá sản và cách thức thi hành luật một cách rất dí dỏm: Luật Phá sản là một phát súng ân huệ để tạm thời giúp đời doanh nghiệp đang vướng phải kiếp bệnh trọng, lay lắt, ngắc ngoải được giải thoát khỏi những bàn tay xiết nợ ghê sợ và chở che, đưa tiễn nhẹ nhàng nó, chấp nhận chôn cất tử tế.

Đây cũng là văn minh của kinh doanh nhân loại. Nhưng Luật Phá sản năm 1993, rồi nhảy qua phiên bản 2004 đều không làm được điều đó. Vì rằng quy định chặt chẽ, vẽ vời thủ tục rườm rà và rất là rắc rối. Kết cục doanh nghiệp đã chết la liệt mà vẫn không được chôn cất, tất cả vật vờ. Rủi ro hơn ở chỗ quy định đơn giản, dễ dàng, thông thoáng, không khéo lại bị chuyển ngay sang trò lạm dụng, lừa đảo, chiếm đoạt, gian lận, ăn chặn hợp pháp bằng con đường phá sản doanh nghiệp. Doanh nghiệp dễ gặp hạn khi phải đứng giữa hai làn đạn.  Luật Phá sản năm 2014 vẫn bề bộn vấn đề vì vẫn vướng từ gốc rễ nền kinh tế, xã hội.

Ông Đức đưa ra một số kiến nghị như thay đổi quy định có quyết định phá sản rồi mới tiến hành thanh lý tài sản; thay tổ thanh lý tài sản bằng cơ chế quản tài viên vừa hiệu quả vừa chuyên nghiệp

Cơ chế phá sản có hiệu lực là điều kiện để Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường

Đây là một trong những vấn đề các doanh nghiệp Eurocham nhấn mạnh tại các diễn đàn kinh tế như Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, Diễn đàn kinh tế Mùa Xuân.

Cụ thể, điều kiện để Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường có thể được xác định  bao gồm: tầm ảnh hưởng của Chính phủ đối với phân bố nguồn lực và quyết định của doanh nghiệp ở mức thấp; không có những sự méo mó trong hoạt động của doanh nghiệp xuất phát từ phía Nhà nước liên quan tới quá trình tư nhân hóa và sử dụng thương mại phi thị trường và hệ thống trợ cấp; sự tồn tại và triển khai một đạo luật công ty minh bạch và không phân biệt đối xử, bảo đảm quản trị doanh nghiệp thích hợp; sự tồn tại và triển khai một nhóm các luật thống nhất, hiệu quả và minh bạch bảo đảm tôn trọng quyền tài sản và một cơ chế phá sản có hiệu lực; sự tồn tại của một ngành tài chính thực chất, hoạt động độc lập với Nhà nước và đặt dưới những điều khoản đảm bảo đầy đủ và giám sát thích hợp.

Luật sư Trần Đức Phượng Đoàn Luật sư TPHCM

————————————————————–

Đầu tư Chứng khoán (Pháp luật) 04-12-2016

http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/nghich-ly-chu-no-so-con-no-171570.html

(254/1.615)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,897