(GĐ) – Chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi cho khách hàng dường như là cách mà Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đang áp dụng trong “chính sách” chăm sóc khách hàng của mình.
Thói quen chối bỏ trách nhiệm?
Những ngày qua thông tin một người dân sống tại Phú Thọ bỗng dưng mất gần 800 triệu đồng trong sổ tiết kiệm mở tại Phòng giao dịch Vietinbank Thanh Ba chi nhánh Đền Hùng, Phú Thọ thu hút sự quan tâm của dư luận.
Dư luận quan tâm vụ việc không chỉ bởi số tiền khách hàng bị mất quá lớn mà còn bởi những vấn đề khó hiểu trong vụ việc. Cụ thể, phản ánh với báo chí bà Nguyễn Thị H cho biết, do bà gần 60 tuổi, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn nên bà đã gọi nhân viên Ngân hàng VietinBank đến nhà để thu tiền và làm sổ tiết kiệm.
Ngay sau đó, bà H có sổ tiết kiệm số PK 550 1228, kỳ hạn 6 tháng với số tiền gốc là 800 triệu đồng, được mở tại Phòng giao dịch Vietinbank Thanh Ba chi nhánh Đền Hùng, Phú Thọ.
Sổ tiết kiệm của bà có xác nhận số tài khoản tiết kiệm trên hệ thống, dấu đỏ, chữ kí của trưởng phòng giao dịch là bà Mai Thị Tân Dân.
1.1.1 Khi bà H bị mất tiền phía Ngân hàng Vietinbank đổ trách nhiệm cho khách hàng và cho rằng khách hàng không làm đúng quy trình?
Đến khi hết kỳ hạn 6 tháng, khách hàng đến phòng giao dịch thì được ngân hàng thông báo chỉ còn 10 triệu đồng trong tài khoản. Số tiền 790 triệu đồng đã được rút 2 lần từ năm ngoái. Lần thứ nhất vào ngày 2/12/2016 với số tiền là 400 triệu đồng. Lần thứ 2 vào ngày 5/12/2016 với số tiền 390 triệu đồng.
Đáng nói, sổ tiết kiệm gốc bà H đang giữ không hề có bất cứ xác nhận nào từ phía ngân hàng về 2 lần rút tiền trên.
Được biết khi nhận được thông báo 790 triệu đồng đã “không cánh mà bay”, gia đình bà H. đã yêu cầu ngân hàng cho xem lại camera trong hai ngày phát sinh giao dịch trên để xem ai đã rút tiền nhưng phía ngân hàng từ chối.
Không những không hợp tác với khách hàng nhằm làm rõ vụ việc, phía Ngân hàng Vietinbank còn đổ trách nhiệm cho khách hàng và cho rằng khách hàng không làm đúng quy trình?
Thực tế cách hành xử của Vietinbank đối với “thượng đế” của mình theo cách chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi cho khách hàng không phải là mới.
Ngay tại vụ án Huyền Như – nguyên là Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP.HCM. Theo cáo trạng khi còn tại vị ở Vietinbank Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 9 công ty, 4 ngân hàng, 3 cá nhân.
Hành vi vi phạm pháp luật của Huyền Như đã rõ tuy nhiên điều khiến dư luận bức xúc ngay tại phiên tòa sơ thẩm đại diện của Vietinbank đưa ra quan điểm cho rằng: “tiền gửi của khách hàng chưa đưa vào tài khoản”.
Vụ án Huyền Như – nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP.HCM lừa đảo đã từng khiến cho dư luận xôn xao. Ảnh internet
Theo đó đại diện Vietinbank tại phiên tòa phủi trách nhiệm của ngân hàng này với số tiền 1.085 tỷ đồng của 5 doanh nghiệp gồm Công ty Hưng Yên, An Lộc, SBBS, Hoàn Cầu.
Ngay sau đó trả lời trên Vnexpress, lãnh đạo cấp cao Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cũng khẳng định: Vietinbank không liên quan tới vụ việc và cũng không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo ông, đây là việc lừa đảo của cá nhân Huyền Như.
Tuy nhiên trái với khẳng định của Vietinbank, theo bản cáo trạng của tòa án cùng với lời khai của bị cáo, người liên quan, bị hại ở tòa, có thể thấy trong các thủ đoạn chiếm đoạt tiền của Huyền Như, có rất nhiều trường hợp hồ sơ vay giả bị Như chiếm đoạt tiền trên chính tài khoản của khách tại Vietinbank. Như vậy cách trả lời và việc Vietinbank phủi trách nhiệm không thỏa đáng.
“Tự tay đánh mất đi uy tín của mình”
Bình luận về cách trả lời của Vietinbank tại phiên xử sơ thẩm vụ án Huyền Như (tháng 1/2014) chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho hay, khi gửi tiền vào ngân hàng Vietinbank, khách hàng chỉ biết Huyền Như là người đại diện của Vietinbank xác nhận thực hiện giao dịch với họ, chứ không biết về cá nhân Huyền Như, nói cách khác, họ đưa tiền cho Vietinbank giữ hộ và tin tưởng ở uy tín của một ngân hàng lớn, chứ không đưa tiền cho Huyền Như.
Quy trình kiểm soát nội bộ nhà băng thường rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Vì vậy, việc một cá nhân có thể làm giả hàng loạt giấy tờ, chiếm đoạt tiền gửi của các cá nhân tại ngân hàng như trong vụ Huyền Như không thể chấp nhận được.
“Nếu Vietinbank nói không liên quan và không có trách nhiệm phải bồi thường thì sẽ là tiền lệ xấu cho ngành ngân hàng”, ông Doanh nói.
Chung quan điểm Luật sư Trương Thanh Đức (Hà Nội) cho rằng, sơ hở của hệ thống quản trị rủi ro tại Vietinbank chính là môi trường tạo ra các hành vi phạm tội của Huyền Như.
“Nhiều chứng từ và chữ ký giả vẫn lọt qua mọi cửa kiểm soát. Nhiều nghìn tỷ đồng đã được chuyển đi và rút ra bất hợp pháp dễ dàng”, ông Đức cho biết.
Vì vậy, việc Vietinbank “phủi tay” trách nhiệm theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là tự tay đánh mất đi uy tín của mình.
“Một ngân hàng lớn như Vietinbank, mà để cho nhân viên lấy đi gần 4.000 tỷ đồng trong thời gian dài mà không hay biết, chỉ điều này theo tôi đã không thể chấp nhận được”, bà Lan cho hay.
Rất may trước sức ép của dư luận và công tâm của Toàn tại Tòa phúc thẩm đã xử VietinBank phải trả lại số tiền 1.085 tỷ đồng cho 5 doanh nghiệp. Đồng thời Tòa cũng kiến nghị khởi tố vụ án đối với Trương Minh Hoàng, Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) liên quan đến việc ký kết các hợp đồng tiền gửi của Ngân hàng ACB và một số công ty khác, tạo điều kiện để Như làm giả chữ ký chiếm đoạt tiền.
Kiến nghị xem xét trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Sẻ (nguyên giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM), điều tra làm rõ trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng sai phạm kéo dài ở Vietinbank.
Tiếp tay lừa đảo
Nhìn vào những vụ việc nổi cộm của Vietinbank có thể thấy điểm chung hầu hết xuất phát từ quản trị nội bộ trong đó công tác quản lý cán bộ có vấn đề.
Tháng 6/2016 Toàn án nhân dân TP Hà Nội vừa kết thúc phiên tòa xét xử với 16 bị cáo trong đó có 4 bị cáo nguyên là cán bộ Vietinbank gồm Trần Kim Hoà, Đinh Công Khánh, Nguyễn Xuân Thuỷ và Hồ Thị Kim Ngân vì nhiều tội danh khác nhau.
Theo cáo trạng, năm 2008 Nguyễn Thành Hưng (46 tuổi) thành lập Cty TNHH MTV Thủy Tiên với ngành nghề kinh là vật liệu xây dựng, cầm đồ, cho thuê xe tự lái…
Những vụ việc nổi cộm của Vietinbank cho thấy, điểm chung hầu hết xuất phát từ quản trị nội bộ trong đó công tác quản lý cán bộ có vấn đề. (Ảnh minh hoạ)
Từ năm 2009, Nguyễn Thành Hưng chuyển sang kinh doanh bất động sản và cho vay nên nhu cầu về vốn rất lớn. Hưng đã nhờ Trần Kim Hòa (55 tuổi, nguyên Phó giám đốc VietinBank Đông Anh) giúp đỡ vay vốn và được Hoà đồng ý.
Sau đó, Hưng và những người khác thành lập nhiều công ty khác nhau rồi dùng toàn bộ hồ sơ tín dụng giả, Hợp đồng tín dụng thế chấp tài sản là hàng hóa không có thật để vay tiền.
Dù biết những công ty do Nguyễn Thành Hưng lập ra không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng Hòa vẫn chỉ đạo nhân viên dưới quyền tiếp nhận và hợp thức hóa hồ sơ vay vốn, duyệt cho vay trái quy định pháp luật.
Khi đã giải ngân, Trần Kim Hoà cùng đồng phạm cũng không thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc vay vốn và sử dụng vốn theo quy định đồng thời ký duyệt các giấy tờ thể hiện việc vay và sử dụng vốn của Hưng đúng quy định.
Kết quả, tính tới thời điểm khởi tố vụ án, 13 công ty của Hưng và 3 công ty khác liên quan còn nợ Vietinbank Đông Anh hơn 382 tỷ đồng.
Kết thúc phiên toà, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thành Hưng 23 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Bốn bị cáo nguyên cán bộ ngân hàng Vietinbank chi nhánh Đông Anh cũng nhận án tù vì tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cụ thể Trần Kim Hoà lĩnh 12 năm tù, Đinh Công Khánh và Nguyễn Xuân Thuỷ mỗi người 10 năm tù, Hồ Thị Kim Ngân nhận mức án 6 năm tù.
Trong khi đó mới đây, ngày 9/2017, Viện KSND TP.HCM vừa truy tố bị can Huỳnh Tấn Luật, 43 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM, nguyên cán bộ Ngân hàng TMCP Công thương VN (Vietinbank) chi nhánh 1, TP.HCM ra trước TAND TP.HCM, về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, với khung hình phạt từ 12 – 20 năm hoặc tù chung thân.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, mẹ của bị can Luật có mối quan hệ thân thiết với bà Võ Thị Kiên (ngụ Q.11).
Biết bà Kiên có nhiều khoản tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng nên mẹ Luật nhờ bà Kiên gửi tiền vào các phòng giao dịch Vietinbank do Luật phụ trách giúp bị can tăng doanh số huy động vốn. Bà Kiên đồng ý và bắt đầu gửi tiền từ tháng 7/2010.
Vì lượng tiền gửi của bà Kiên lớn nên từ tháng 10/2011, Vietinbank chi nhánh 1 đồng ý cho Luật được thực hiện các giao dịch tại nhà bà Kiên…
Cũng trong thời gian từ tháng 10/2010 đến 11/2012, khi tạo được sự tin tưởng, Luật vay hơn 239 tỉ đồng và gần 8.700 USD của bà Kiên để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay vốn trả các khoản tín dụng đến hạn để họ được vay lại. Theo đó, lãi suất Luật trả cho bà Kiên cao hơn lãi suất ngân hàng.
Năm 2014, khi bị bà Kiên liên tục đòi nợ, Luật không còn khả năng trả nợ nên đã chiếm đoạt số tiền đã vay của bà Kiên bằng thủ đoạn soạn thảo, in ghép thêm nội dung vào 9 tờ giấy thể hiện đã trả hết nợ cho bà Kiên; đồng thời, Luật còn làm giả biên nhận chính bản thân cho bà Kiên vay 82 tỉ đồng, gần 3.900 lượng vàng SJC.
Sau khi hoàn thành các giấy tờ trên, Luật gọi điện, nhắn tin cho bà Kiên đòi nợ.
Tháng 8.2014, Luật làm đơn tố cáo bà Kiên chiếm đoạt của mình 82 tỉ đồng và gần 3.900 lượng vàng SJC. Tháng 9/2014, Luật khởi kiện ra tòa án để đòi nợ nhưng ngay sau khi bà Kiên có đơn tố cáo lại Luật có hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản thì Luật rút đơn khởi kiện.
Tiến hành điều tra, Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định, kết luận chữ ký trên 9 tờ giấy liên quan Luật dùng để chiếm đoạt tiền của bà Kiên là do Luật và một người khác ký. Tuy nhiên, quá trình điều tra xác định Luật thực hiện hành vi phạm tội một mình, không bàn bạc với ai nên không đủ cơ sở xử lý những đối tượng khác.
Còn tiếp…
Minh Hoàng
——————————————
Gia đình (Bạn đọc) 21-8-2017:
(71/2.163)