(ND) – Thực tế đã có rất nhiều tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến lãi suất thoả thuận mà bên vay cho rằng ngân hàng, công ty tài chính (CTTC) cho vay với lãi suất quá cao và yêu cầu giảm lãi. Đây là nội dung còn có hướng giải quyết chưa thống nhất giữa các toà án.
Tranh chấp từ lãi suất và điều khoản hợp đồng
Tín dụng tiêu dùng tuy đang trên đà phát triển và có mức tăng trưởng rất tốt, trung bình khoảng 20%/năm nhưng một số CTTC vẫn không dám mở rộng quy mô. Sự thận trọng này xuất phát từ nguyên nhân là do còn thiếu hành lang pháp lý xử tranh chấp hợp đồng tín dụng cũng như hướng dẫn riêng cho hoạt động cho vay tiêu dùng.
Trong thực tế, tranh chấp hợp đồng tín dụng cho vay tiêu dùng chủ yếu có nguyên nhân từ lãi suất và điều khoản hợp đồng. Cụ thể như mới đây, Công ty Luật Minh Khuê nhận được khiếu nại của một người dân như sau: “Tôi vay của CTTC 25 triệu đồng, lãi suất 4,99 % không tính theo số dư giảm dần. Thời hạn trả là 30 tháng, mỗi tháng 1,635 triệu đồng, trả chậm bị phạt 150.000 đồng cho mỗi 15 ngày. Trước khi vay, tôi được thông báo phí trả trước hạn là 4%, sau đó công ty lại nhắn tin thông báo phí trả trước hạn là 10%. Vậy, xin hỏi CTTC có vi phạm pháp luật không, có phải là cho vay nặng lãi không”?
Với trường hợp trên, Công ty Luật Minh Khuê tư vấn: Pháp luật cho phép các bên có thể thỏa thuận về mức lãi suất vay nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đối với loại cho vay tương ứng. Có thể thấy rằng, lãi suất vay của người vay đã vượt quá 150% lãi suất cơ bản của NHNN. Do vậy, hành vi của CTTC đã vi phạm Khoản 1 Điều 467 Bộ luật Dân sự 2005, người vay có thể yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp về vấn đề này. Khi đó, tòa án sẽ giải quyết theo hướng bảo vệ quyền lợi cho người vay bằng việc áp dụng lãi suất cơ bản do NHNN công bố.
Về khả năng cho vay nặng lãi phải có đủ hai yếu tố: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên (tức là gấp 10 lần của mốc 150% lãi suất cơ bản) và thực hiện hành vi cho vay nặng lãi nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Nếu hành vi của CTTC có yếu tố cấu thành tội cho vay nặng lãi, người vay có thể trình báo cơ quan công an để cơ quan nhà nước có thẩm quyền khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này.
Nhiều trường hợp khác, khách hàng đã đặt bút ký hợp đồng, thực hiện giải ngân được vài tháng bỗng “giật mình” nhận ra ngoài số tiền vay còn phải chịu thêm khoản tiền bảo hiểm, phí, lãi suất tính theo tháng chỉ có hơn 3% nhưng tính theo năm lên đến gần 40% và món vay trở thành gánh nặng tài chính kéo dài. Diễn biến tiếp theo sẽ có nhiều khả năng: Khách hàng tìm cách tất toán hợp đồng trước hạn; đâm đơn khiếu kiện; bỏ lửng không trả nợ vì không có khả năng tài chính hoặc chây ỳ không trả nợ… Đối với những trưởng hợp trở thành nợ xấu, CTTC lại là người có thể kiện khách hàng ra toà vì hành vi lừa đảo chiếm dụng tài sản.
Thiếu hành lang pháp lý xử tranh chấp vay tiêu dùng
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI cho biết, trong thực tế có nhiều tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến lãi suất thoả thuận mà bên vay cho rằng ngân hàng, CTTC cho vay với lãi suất quá cao và yêu cầu giảm lãi. Đây là nội dung còn có hướng giải quyết chưa thống nhất giữa các toà án. Nguyên nhân xuất phát từ sự mâu thuẫn giữa Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) và Bộ luật Dân sự. Khoản 2 Điều 91 Luật Các TCTD cho phép thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng theo quy định của pháp luật, nhưng Điều 476 Bộ Luật Dân sự lại quy định không được cho vay quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố.
Theo cơ quan soạn thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, đây là quy định cứng nhắc, không thực tế và không phản ánh đúng quy luật cung – cầu của thị trường. Bởi trong lĩnh vực ngân hàng, lãi suất cơ bản được NHNN ấn định phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Trong khi đó, TCTD ấn định lãi suất cho vay căn cứ vào lãi suất huy động.
Thực tế khi các TCTD phải huy động vốn với lãi suất cao thì bắt buộc cũng phải ấn định lãi suất cho vay tương ứng. Những năm vừa qua, nhiều trường hợp TCTD phải ấn định lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản cho phù hợp với lãi suất huy động. Mặc dù có sự thỏa thuận giữa khách hàng và TCTD, khả năng hợp đồng tín dụng bị Toà án tuyên vô hiệu là rất lớn. Điều này tạo căn cứ pháp lý nếu khách hàng của TCTD không thiện chí, không muốn trả lãi sau thời gian đã sử dụng vốn vay, sẽ gây rủi ro hoạt động và thiệt hại cho các TCTD.
Cũng liên quan đến vấn đề “Mặc dù Luật Các TCTD quy định mức lãi suất là do thỏa thuận giữa các bên, nhưng nhiều khách hàng của các CTTC khi không trả được nợ lại thường kêu ca lãi suất cao và viện đến Bộ luật Dân sự với quy định lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản để kiện”, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, cho rằng: Đúng là đã có những nhầm lẫn như vậy, nhưng chúng ta cần phải hiểu các sản phẩm cho vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính tín dụng đều phải xin phép và được NHNH chấp nhận. Việc thành lập và hoạt động của các CTTC được xem xét và quản lý rất nghiêm ngặt và họ hoạt động nghiệp vụ theo luật chuyên ngành.
Trước những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, một số tòa án nhân dân quận, huyện đã đề nghị các Chi nhánh NHNN xác định rõ mức lãi suất thoả thuận để làm căn cứ xét xử các vụ án liên quan đến tranh chấp hợp đồng tín dụng nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng.
Kịp thời giải đáp những vướng mắc trên, hiện Cơ quan Thanh tra giám sát của NHNN cũng đã yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ chủ trì, làm đầu mối nghiên cứu, xây dựng biện pháp quản lý lãi suất tín dụng tiêu dùng, để làm căn cứ giải quyết những vướng mắc đang phát sinh trong thực tế.
BÍCH NGÂN – VIỆT PHONG
————————————–
Nhân Dân (Kinh tế) 09-12-2016:
(134/1.304)