1.453. Đẩy lùi “tín dụng đen”: Khó mà dễ

(NB&CL) “Tín dụng đen vẫn đang hoạt động khủng khiếp ở mọi ngóc ngách xã hội mà chẳng cần đăng ký kinh doanh, không phải nộp thuế hay thực hiện bất kỳ trách nhiệm nào với xã hội”, TS Lê Xuân Nghĩa nêu bức xúc.

Vòng vây siết cổ người tiêu dùng

Với độ dài khoảng 4km, chỉ riêng đường Láng (Hà Nội) đã có tới hàng trăm cửa hàng cầm đồ kèm dịch vụ cho vay “nóng” với lãi suất trung bình từ 2.000 – 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương 72-108%/năm. Đối với “khách hàng thân thiết”, mức lãi suất này có thể giảm còn 1.000 đồng/1 triệu/ngày, tức là 36%/năm nhưng cũng có thể tăng lên gấp 4-5 lần tùy theo giá trị khoản vay, thời gian vay và đối tượng khách hàng cụ thể. Nếu tính cả Hà Nội, số điểm cầm đồ, cung cấp dịch vụ tín dụng “đen” có thể lên tới 2.000 – 3.000 điểm. Còn trên phạm vi cả nước, con số này có thể lên tới vài chục nghìn điểm, thậm chí là nhiều hơn vì không cơ quan nào có thể thống kê đầy đủ các “vòi bạch tuộc” ở từng hang cùng ngõ hẻm.

“Tín dụng đen vẫn đang hoạt động khủng khiếp ở mọi ngóc ngách xã hội mà chẳng cần đăng ký kinh doanh, không phải nộp thuế hay thực hiện bất kỳ trách nhiệm nào với xã hội”.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, kể từ cuối năm 2013, cơn bão đổ bể tín dụng “đen” liên tục bùng phát khi nhiều vụ vỡ nợ với số tiền hàng trăm tỷ đồng dồn dập xảy ra tại các địa bàn như Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Dương, Điện Biên… khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh cùng cực. Con số thống kê không chính thức cho rằng, nguồn tín dụng đen vào thời điểm cuối năm 2013 chiếm xấp xỉ 30% tín dụng ngân hàng, với quy mô khoảng 50 tỷ USD và có xu hướng tăng mạnh. Mỗi năm lực lượng chức năng phải thụ lý hàng nghìn vụ việc liên quan đến tín dụng đen, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng nhưng không thay đổi được gì nhiều.

Khó mà dễ 

Việc tháo gỡ những đường dây tín dụng “đen” dù lớn đến đâu cũng chỉ là các giải pháp tình thế, không mang tính chất giải quyết tận gốc vấn đề. Trong khi đó, để từng bước hạn chế tín dụng “đen”, cách đơn giản và triệt để nhất là thúc đẩy phát triển thị trường tín dụng chính thống theo hướng tăng khả năng tiếp cận cho mọi tầng lớp cư dân, đảm bảo nhu cầu vay vốn chính đáng với thủ tục đơn giản, nhanh chóng và chi phí hợp lý. Một khi có lựa chọn dễ dàng hơn về mặt thủ tục, chi phí hợp lý hơn và quan trọng nhất là hoàn toàn hợp pháp thì chắc chắn người dân sẽ quay lưng với tín dụng “đen”. Chỉ khi không còn “cầu” từ phía khách hàng thì thị trường tín dụng “đen” mới thực sự không còn chỗ đứng.

Để làm được điều này, không thể chỉ trông chờ vào hệ thống ngân hàng thương mại vốn được xây dựng dựa trên các nền tảng quy định tài chính nghiêm ngặt và chủ yếu tập trung vào các khoản vay lớn, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các công ty tài chính (CTTC) với hệ thống rộng khắp, điều kiện hoạt động linh hoạt và hướng đến nhóm khách hàng cá nhân có nhu cầu vay nhỏ lẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các CTTC, dù có nhiều đóng góp không thể phủ nhận đối với nền kinh tế nhưng vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản chính sách như quy định khắt khe về huy động vốn, trích lập dự phòng rủi ro ở mức cao, yêu cầu chặt chẽ về các quy định thanh toán, lãi suất, thành lập thêm chi nhánh,… nên mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu thị trường.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho các CTTC, tạo đà cho sự bùng nổ của thị trường tín dụng tiêu dùng chính thống nhằm đẩy lùi tín dụng “đen” thì việc hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng sửa đổi các quy định theo hướng phù hợp hơn với thực tế hoạt động của các CTTC là điều cần thiết và cần làm ngay. “Về lâu dài, cần xem xét đưa CTTC ra khỏi Luật Các tổ chức tín dụng để không phải áp dụng các điều kiện, chế tài ngặt nghèo như đối với các tổ chức tín dụng”, Luật sư Trương Thanh Đức, Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) chia sẻ.

Tính đến cuối năm 2016, các CTTC đã giúp giải quyết nhu cầu vay tiêu dùng cho khoảng hơn 10 triệu khách hàng, phần lớn là những người có thu nhập bấp bênh và không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, hỗ trợ kinh tế hộ gia đình và gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc gia thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận các sản phẩm – dịch vụ tiêu dùng cho người dân.

P.V

———————————————————–

Nhà báo & Công luận (Kinh tế) 24-8-2017:

http://congluan.vn/day-lui-tin-dung-den-kho-ma-de/

(123/926)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,885