(TT) – Nếu như thu từ thuế thu nhập cá nhân năm 2010 mới là 26.000 tỉ đồng thì đến nay đã tăng hơn gấp đôi.
Tốc độ tăng trên, theo các chuyên gia, vượt qua mức tăng thu nhập của dân và tốc độ tăng GDP…
Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Số thu tăng nhanh
Anh Đoàn Hồng Minh (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) sau quá trình học hành phải vay mượn, ra trường, anh nhận được mức thu nhập lý tưởng, hơn 40 triệu đồng/tháng.
Phải lo đủ thứ để trả nợ, lo nhà cửa và bản thân phải chữa bệnh, nhưng mỗi năm anh bị trừ thuế khoảng 60 triệu đồng.
Theo anh Minh, mức thuế anh phải chịu 25% là quá cao. “Tôi không hiểu tại sao ngành thuế ấn định mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế ở Hà Nội cũng 9 triệu, ở quê cũng 9 triệu trong khi chi phí là khác xa nhau. Phải chăng ngành thuế khó quản lý nên đặt ra quy định thế thu cho dễ?”…
Mặc dù có nhiều lý do giúp tăng thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tuy nhiên trả lời Tuổi Trẻ, một chuyên gia tài chính cho rằng có nguyên nhân từ kỹ thuật đánh thuế.
Cụ thể, từ năm 2013, dù thu nhập trên 9 triệu mới phải nộp thuế nhưng sau khi giảm trừ gia cảnh, trên 5 triệu đã phải chịu mức thuế 10%, thu nhập trên 18 triệu đã phải chịu mức thuế tới 20% là cao.
Bậc thuế dày nên chỉ cần người nộp thuế được tăng thu nhập một chút là họ sẽ phải nộp thuế nhiều hơn, trong khi thu nhập tăng không đáng kể.
Và thực tế thu từ thuế TNCN gần đây tăng rất nhanh. Như số thu đến giữa tháng 11-2016 đã vượt cả năm 2015 tới hơn 2.000 tỉ đồng.
Trong khi đó năm 2015, số thu từ thuế TNCN đạt khoảng 55.000 tỉ đồng, xấp xỉ so với nguồn thu từ dầu.
Trước đó, nguồn thu từ loại thuế này từng bị lo ngại giảm mạnh khi từ ngày 1-7-2013, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế tăng từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng.
Khi đó, Bộ Tài chính tính toán số thu từ thuế TNCN sẽ làm giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo số liệu quyết toán thuế, số thu năm 2014 từ thuế TNCN không những không giảm mà còn tăng hơn 1.000 tỉ đồng so với năm 2013.
Mới chỉ nắm được người có tóc
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho biết thi thoảng ông có viết bài cho một tờ báo và được trả thù lao.
Trước khi trả nhuận bút, một số cơ quan báo chí đã tạm khấu trừ 10% tiền thuế TNCN với thù lao trên 2 triệu đồng.
“Sau khi giảm trừ gia cảnh cho bản thân và hai đứa con thì thu nhập của tôi chưa đến mức nộp thuế. Nếu quản lý được thu nhập của tôi thì đến thời điểm quyết toán thuế, cơ quan thuế sẽ chủ động hoàn lại tiền thuế cho tôi.
Thế nhưng hiện nay vì chưa quản lý được thu nhập nên cơ quan thuế cứ nắm những “người có tóc”, tức có thu nhập minh bạch từ tiền lương, tiền công. Họ cứ phát sinh thu nhập là khấu trừ thuế ngay” – ông Ánh nhận định.
Chia sẻ dưới góc độ là người nộp thuế, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết rất mệt mỏi khi đi quyết toán thuế.
Ông kể như năm ngoái, ông có khoảng 10 khoản thu nhập vãng lai. Để quyết toán thuế ông phải đến tận những nơi đó để xin lại biên lai khấu trừ thuế. Đi lại rất mất thời gian và công sức. Do đó, muốn nộp thuế đúng và đủ đâu có dễ dàng.
Nên giảm bậc thuế
Theo TS Nguyễn Đức Độ – viện phó Viện Kinh tế tài chính, đã đến lúc Bộ Tài chính nên tính toán tới việc báo cáo Chính phủ xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc.
Vì theo quy định của Luật thuế TNCN sửa đổi, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng tăng 20% thì Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả.
Tính từ năm 2013, khi áp dụng luật sửa đổi, nếu tính cả mức tăng chỉ số giá của năm nay thì tổng số chỉ số này tăng gần 16% rồi. Rất có thể năm 2017, chỉ số giá tăng bằng mức Quốc hội phê duyệt là 4%.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, cơ quan chức năng cần xem xét tính đến việc nghiên cứu để đề xuất mức tăng giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp. Mức bao nhiêu thì cơ quan thuế cần phải tính toán đề xuất.
Luật sư Trương Thanh Đức lại cho rằng cần phải giảm mức thuế suất phải nộp ở bậc 1 xuống 1-2% thay vì 5% như hiện hành.
Bởi sau giảm trừ gia cảnh, 5 triệu đồng không phải số tiền lớn, mức thuế suất bậc đầu nên thấp. Giảm thuế suất sẽ khuyến khích người nộp thuế tự nguyện thực hiện nghĩa vụ.
Đặc biệt, theo ông Đức, biểu thuế lũy tiến cần phải giảm bậc thuế, chỉ tối đa là 3 bậc thay vì 7 bậc. Chính sách thuế càng đơn giản, người nộp thuế dễ thực hiện và cơ quan thuế cũng dễ quản lý.
Còn như hiện nay, bậc thuế quá dày, mức thuế cao nhất tới 35% khiến người nộp thuế cảm nhận chính sách đang tận thu.
Một chuyên gia ngành tài chính nêu thực tế, rất nhiều người chỉ cần vừa tăng thu nhập chịu thuế từ 17 triệu lên trên 18 triệu đồng/tháng là đã phải chịu thêm mức thuế 20% thay vì 15%.
Thu nhập và nhu cầu cuộc sống của người dân đã khác so với năm 2013 nên vị chuyên gia này đề nghị chỉ nên chia 4 bậc để đánh thuế TNCN, như: thu nhập từ 9 – 20 triệu/tháng chỉ nên chịu thuế 10%, 20 – 30 triệu/tháng chịu mức 15%, 30 – 50 triệu/tháng nộp 20%, 50 – 70 triệu/tháng chịu thuế 25% và mức thuế 30% dành cho người thu nhập trên 70 triệu đồng/tháng.
Thuế TNCN có nước tối đa chỉ 20%
Mặc dù có mức thu nhập và GDP đầu người khác nhau, nhưng nhiều nước trong khu vực đều có mức khởi điểm chịu thuế cao hơn rất nhiều của VN. Để phải chịu mức thuế 20% thu nhập thường phải rất cao.
Như Thái Lan, nước có GDP bình quân đầu người 5.778 USD (năm 2013), người dân chỉ đóng thuế nếu có thu nhập từ 150.000 baht trở lên (khoảng 90 triệu đồng).
Theo đó, người có thu nhập từ 150.000 – 300.000 baht sẽ chịu mức thuế 5%. Chỉ khi có thu nhập đến khoảng trên 300 triệu đồng VN mới phải đóng thuế 15%.
Trong khi đó Singapore, GDP bình quân đầu người 55.182 USD (năm 2013), nước này có mức thuế TNCN 2% và 3,5% cho thu nhập từ 30.000 – 40.000 SGD.
Theo số liệu năm 2016 do Cơ quan thuế Singapore công bố, người có thu nhập trên 40.000 SGD, thuế TNCN là 7% và sau 80.000 SGD là 11%… Mức thuế TNCN cao nhất chỉ là 20%…
TRẦN PHƯƠNG
———————–
Tuổi trẻ (Kinh tế) 14-12-2016:
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20161214/bieu-thue-thu-nhap-ca-nhan-nang-tinh-tan-thu/1235599.html
Theo Lê Thanh – Việt Hà (Tuổi Trẻ)
(216/1.343)