1.460. Tiền ảo, nỗi lo thật

(CT) – Bất chấp những khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước, tiền ảo vẫn được giới thiệu là kênh đầu tư sinh lời siêu lợi nhuận và đang thu hút được khá đông người dân tham gia. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư này được đánh giá sẽ mang lại nhiều rủi ro. Vì vậy, Chính phủ vừa giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành triển khai xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Những rủi ro thật từ tiền ảo

Tiền ảo (hay còn gọi là tiền thuật toán) được tạo ra và hình thành bằng việc dùng hệ thống máy tính kết nối mạng internet ngang hàng để “đào”, thông qua xử lý các công thức và thuật toán rất phức tạp. Chính vì vậy, nguồn cung của tiền ảo rất hạn hẹp, đẩy giá trị của loại tiền này lên cao. Bitcoin (BTC) là loại tiền ảo được giới đầu tư săn lùng nhiều hơn cả bởi giá trị của đồng tiền này từ chỗ gần 1 USD khi bắt đầu xuất hiện vào năm 2010, nay đã lên hơn 4.000 USD/BTC. Nhiều quốc gia không chấp nhận đồng tiền này làm phương tiện giao dịch, thanh toán, trong đó có Việt Nam.

Tiền điện tử là một dạng tiền tệ được số hóa, giao dịch trong môi trường kỹ thuật số. Khác với BTC, tiền điện tử được nhiều quốc gia chấp nhận sự hiện diện, đã đưa ra quy định để quản lý. Tại Việt Nam, một số ngân hàng thương mại cũng đã thí điểm hình thức thanh toán này, được xem là dịch vụ ví điện tử.

Tiền ảo BTC đã xuất hiện ở Việt Nam vài năm nay, có thời điểm tưởng chừng như lắng xuống nhưng hiện lại bùng lên, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Tính đến giữa tháng 8/2017, đồng BTC trên thế giới được niêm yết ở mức 4.382 USD/BTC; chỉ riêng trong tháng 8/2017, BTC đã tăng hơn 2.000 USD/BTC. Một đồng tiền ảo khác là Ethereun (ETH) cũng đang có mức tăng lớn, hiện đạt hơn 330 USD/ETH so với giá 1 USD khi mới xuất hiện vào năm 2015.

Điều đáng nói là, hầu hết các nhà đầu tư tiền ảo của Việt Nam đều ít hiểu về sản phẩm này, phụ thuộc nhiều vào các “nhà cái” – chủ các sàn đầu tư ở nước ngoài – nên dễ nhận rủi ro thật. Theo Luật sư Lê Hồng Hiển – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, hiện chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào của cơ quan quản lý nhà nước quy định, điều chỉnh về tiền ảo. Do đó, rủi ro mà những người chơi tiền ảo có thể gặp phải trong trường hợp phát sinh các tranh chấp hoặc bị thiệt hại từ các giao dịch liên quan thì quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng và không được pháp luật bảo vệ, bởi tiền ảo chưa được công nhận tại Việt Nam.

Xem xét đưa tiền ảo vào khuôn khổ

Cuối tháng 8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Bộ Tư pháp được giao chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam; chủ trì nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; lập đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh nhằm hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo. Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tháng 8/2018 hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – cho rằng: Nếu đã không bị cấm thì nên công nhận tiền ảo; trước hết phải xác định nó là tiền, hàng hay là tài sản để từ đó có hành lang pháp lý cho phép giao dịch và thanh toán. Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, công nhận tiền ảo ở mức độ nào thì cần phải nghiên cứu kỹ.

Được biết, NHNN vẫn giữ quan điểm chỉ công nhận tiền điện tử là một phương tiện thanh toán và sẽ sớm hoàn thiện văn bản hướng dẫn; không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán do có nhiều rủi ro như dễ bị tấn công, dễ tiếp tay cho rửa tiền, trốn thuế.

Do giá trị đồng BTC biến động mạnh, phức tạp trong thời gian ngắn, nên đầu tư vào BTC ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng giá, tiềm ẩn thiệt hại cho người đầu tư. NHNN khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ hoặc thực hiện các giao dịch liên quan đến BTC và các loại tiền ảo khác.

Duy Minh

—————————————————

Công thương (Tài chính) 05-9-2017:

http://baocongthuong.com.vn/tien-ao-noi-lo-that.html

(58/916)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,887