1.461. DỰ ÁN LUẬT HÀNH CHÍNH CÔNG (KỲ II): TIỀN LỆ TỐT CHO QUY TRÌNH LÀM LUẬT MỚI

(DĐDN) – Dự án Luật Hành chính công được triển khai xây dựng khơi nguồn cho một không khí cạnh tranh về ý tưởng, sáng kiến xây dựng luật. Đây là quan điểm của LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.

Theo LS Trương Thanh Đức dù đây là lần đầu tiên một dự án luật được xây dựng dựa trên sáng kiến của một đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhưng cơ sở pháp lý để xây dựng một đạo luật mới dựa trên sáng kiến của một ĐBQH, một cơ quan, tổ chức đã được quy định tại Điều 23 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL).

– Quy định đã có từ lâu, nhưng vấn đề chính của các ý tưởng, sáng kiến xây dựng một đạo luật mới phải đạt tiêu chí quan trọng gì, thưa ông?

Theo tôi, quan trọng hơn quy trình làm luật chính là là vấn đề chất lượng luật ra sao. Quy trình bình thường có thể giao cho Tòa án, mặt trận, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chủ trì. Tuy nhiên, 90% các đạo luật hiện nay là giao cho các cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì xây dựng luật.

Nói về quy trình làm luật của chúng ta thì luật nào cũng được xây dựng theo đúng quy trình. Tuy nhiên, có một số luật hay điều luật không mang tính khả thi, thiếu thực tiễn. Trong khi đó, nhiều quốc gia không có Luật BHVBQPPL chặt chẽ như chúng ta. Thậm chí có nhiều nước còn không đặt nặng vấn đề xây dựng luật dựa trên sáng kiến của một cá nhân, tổ chức xã hội có “vai vế” mà điều quan trọng nhất là Luật phải đi vào cuộc sống.

– Vậy ông bình luận gì về sự kiện UBTVQH ra Nghị quyết thành lập Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công?

Việc giao cho một ủy ban của Quốc hội chủ trì soạn thảo thể hiện đúng chức năng của một cơ quan chuyên về lập pháp đi soạn thảo luật. Một Ủy ban của Quốc hội chủ trì thì cũng tương đương với một bộ của Chính phủ. Tuy nhiên, điểm mới ở đây thể hiện ở chỗ, sáng kiến xây dựng luật từ ĐBQH thì giao cho ĐB chủ trì. Với quy trình mới này, ĐB có cơ hội để thể hiện, làm mẫu, cạnh tranh với các cơ quan thuộc Chính phủ.

Đây là một tiền lệ tốt cho một quy trình làm luật mới. Có thể sau dự án Luật Hành chính công, những chuyên gia, hiệp hội DN… cũng đưa ra sáng kiến xây dựng luật và được chấp nhận. Quy trình này ở nhiều quốc gia phát triển là chuyện bình thường. Luật được xuất phát điểm từ những sáng kiến, từ thực tế đòi hỏi của cuộc sống, miễn là đưa ra Quốc hội thấy tốt và thông qua.

Việc giao cho một ủy ban của Quốc hội chủ trì soạn thảo thể hiện đúng chức năng của một cơ quan chuyên về lập pháp đi soạn thảo luật. Tuy nhiên, với quy trình mới này, ĐB có cơ hội để thể hiện, làm mẫu, cạnh tranh với các cơ quan thuộc Chính phủ.

Quan trọng hơn, chúng ta có thể loại bỏ dần dần quy trình xây dựng luật theo kiểm “sắp mâm, sắp bát” cứng nhắc như một lập trình. Khi một chương trình xây dựng luật đã nặng tính hình thức thì mọi vấn đề đi theo như thủ tục, trình tự xây dựng luật cũng rất dễ rơi vào bệnh hình thức.

Ngoài ra, không ít dự án luật không thể xây dựng được mặc dù nhu cầu cuộc sống rất cần. Có những dự luật được thai nghén bởi rất nhiều cuộc họp, hội thảo từ tỉnh nọ, khu nghỉ dưỡng kia nhưng cuối cùng sau nhiều năm luật vẫn không ra đời, không thông qua được.

– Hiến pháp 2013 đã khẳng định vai trò hành pháp của Chính phủ, nhưng nếu để tới 90% các dự án luật được xây dựng dựa trên sáng kiến, ý tưởng của các cơ quan hành pháp cùng với đó là giao cho cơ quan hành pháp chủ trì xây dựng luật như hiện nay liệu đã hợp lý chưa, thưa ông?

Luật là từ thực tế đòi hỏi của cuộc sống. Do đó, việc xây dựng luật do các tổ chức, chuyên gia, kể cả cơ quan hành pháp xây dựng là cần thiết. Tuy nhiên, điều cần thiết hiện nay là ban soạn thảo, ban biên tập các dự án luật cần có sự tham gia nhiều hơn nữa của các chuyên gia, các đơn vị hiểu và trực tiếp chịu sự tác động của dự luật đó.

Thực tế, các đạo luật của chúng ta hiện nay hầu hết được xây dựng bởi ý tưởng, sáng kiến của một cơ quan hành pháp. Các dự án luật đó do các bộ quản lý chủ trì xây dựng. Ban soạn thảo thường do một thứ trưởng hoặc bộ trưởng làm trưởng ban. Kéo theo đó là các vụ, cục trong bộ làm thành viên ban soạn thảo.

Điều bất cập hiện nay, cả ban soạn thảo luật và biên tập đều phụ thuộc vào một vài chuyên viên thuộc một bộ, ngành. Những người chịu trách nhiệm chính soạn thảo, biên tập luật chỉ mang tính kiêm nhiệm. Còn nhiều người trong ban soạn thảo gọi là có mặt chứ cũng chẳng có ý tưởng, ý kiến gì vì chỉ mang tính kiêm nhiệm.

Đặc biệt, hạn chế lớn nhất của các đạo luật là vấn đề kiểm soát sự áp đặt tư duy quản lý. Khi các dự án luật chủ yếu được xây dựng từ những cán bộ quản lý thì tư duy quản lý sẽ chi phối sâu vào dự luật. Điều này đồng nghĩa với sự mất cân bằng từ quan điểm của đối tượng bị điều chỉnh là DN và người dân. Do đó, việc xây dựng luật cần đổi mới, gắn trách nhiệm với từng cá nhân, tổ chức hiểu sâu vấn đề và độc lập về quyền lợi.

– Nhưng việc một cơ quan thuộc Quốc hội sẽ chủ trì xây dựng một đạo luật mà đối tượng điều chỉnh là các cơ quan hành pháp liệu có đảm bảo tính khách quan?

Đây là một tiền lệ tốt nhưng vấn đề chính phải là chất lượng của dự thảo khi trình ra UBTVQH, trình ra Quốc hội. Hành chính công là một vấn đề khó liên quan đến rất nhiều dự luật Quốc hội đã thông qua như: Luật về Tổ chức bộ máy nhà nước, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng chống tham nhũng…

Nếu dự thảo luật có chất lượng thì tiền lệ này có thể phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, nếu dự thảo có chất lượng không tốt thì rất dễ có lời ra, tiếng vào và khó phát huy hình thức đó sau này.

– Xin cảm ơn ông!

Bá Tú thực hiện

———————–

Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 25-12-2016:

http://enternews.vn/sang-kien-trong-lap-phap-ky-ii-tien-le-tot-cho-quy-trinh-lam-luat-moi.html

(1.240/1.240)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,919