1.469. Không vốn cũng làm được… BOT

(HNTV) – Chủ đầu tư BOT hiện nay “tay không bắt giặc”, không vốn, không cần kinh nghiệm, chỉ cần vay ngân hàng rồi đầu tư cũng có thể có lãi. Và những bất cập trong việc thẩm định dự án, chỉ định nhà thầu… đã làm phát sinh nhiều hệ lụy của những dự án BOT.

Tại Tọa đàm khoa học “BOT –Chính sách và giải pháp” được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức sáng 8/9, nhiều chuyên gia đã nhận định, những bất cập trong việc không minh bạch của các dự án BOT đã nảy sinh nhiều hệ lụy, đó là làm méo mó đi một chủ trương vốn bản chất là đúng đắn của Nhà nước, đó là tận dụng nguồn tài chính của tư nhân để xây dựng, phát triển hạ tầng.

Nhà đầu tư chỉ lo “đặt gạch”

Nhiều năm nghiên cứu về BOT, luật sư Nguyễn Tiến Lộc, trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, trên thế giới hiện nay, BOT hoặc PPP như một giải pháp phát triển. Tuy nhiên, quy trình duyệt dự án rất chặt chẽ, thậm chí như ở Bruney còn có cả một cơ quan chuyên trách BOT. “Ở nhiều quốc gia phát triển, khi Chính phủ quyết định làm PPP thì luôn có sự so sánh và giải trình rõ ràng. Tức là nếu đầu tư công không hiệu quả thì mới làm BOT, sau đó có đánh giá tác động của dự án. Nhưng ở Việt Nam thì không được như vậy” – ông Lộc nói.

Luật sư Trương Thanh Đức nhận định, không ở đâu như ở Việt Nam, nhà đầu tư chỉ lo “đặt gạch” là có thể làm BOT. “Chủ đầu tư không cần vốn, không cần kinh nghiệm, nếu được chọn thì vay ngân hàng là xong, mà còn vay Ngân hàng Chính sách một cách dễ dàng. Quy trình thẩm định dự án thì rất nhiều vấn đề không minh bạch như chỉ định nhà đầu tư, nhà thầu. Mở đấu thầu mà chỉ có 1 nhà thầu tham gia. Rồi việc thẩm định dự toán, vai trò giám sát ở đâu, thời gian bao lâu, mức thu bao nhiêu, hoàn toàn do chủ đầu tư. Như vậy, cuối cùng, chỉ nhà xe, người dân bị “bóp nghẹt – ông Đức cho biết.

Toàn cảnh buổi tọa đàm khoa học “BOT – Chính sách và Giải pháp” được tổ chức sáng 8/9 tại Hà Nội

BOT, PPP đang chững lại ở các nước phát triển

Các chuyên gia cho rằng, khuynh hướng PPP đã chững lại ở các nước phát triển bởi lẽ, 43% các dự án không đạt được hiệu quả như cam kết với chính phủ. Tuy nhiên, ngược lại, ở VN, trong 100 dự án phát triển hạ tầng giao thông, thì có 62 dự án PPP, như vậy là tỷ trọng rất cao, đứng đầu thế giới.

Ông Nguyễn Nam Cường, nguyên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào chia sẻ: “Đáng nói là, nếu coi BOT, PPP như một chính sách phát triển thì có vẻ như chúng ta đang có vấn đề. Lâu nay BOT đang trở thành một mảnh đất màu mỡ của nhóm quan hệ thân hữu. Tại quốc lộ 5, có người nói rằng đưa con đi học xong đi ăn phở cũng 4 lần qua trạm cũng phải trả tiền BOT. Đây là điều vô lý mà chỉ có ở Việt Nam” – ông nói. Vì vậy, việc người dân phản ứng tại các trạm BOT Cai Lậy, quốc lộ 5 là đúng. Bởi họ đã nộp phí bảo trì đường bộ và cũng không biết sẽ bị thu phí đến bao giờ.

Luật sư Trương Thanh Đức nhận định, không ở đâu như ở Việt Nam, nhà đầu tư chỉ lo “đặt gạch” là có thể làm BOT Ông Cường cũng dẫn chứng, tại Lào, không có một trạm thu phí BOT giao thông nào mà dự án BOT chủ yếu là lưới điện. Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư làm lưới điện. Họ quy hoạch điện trong các thành phố đâu ra đấy, rất văn minh không giống ở Việt Nam.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội bức xúc: “Chúng tôi đã nói quá nhiều nhưng đến bây giờ vẫn phải kiến nghị với Chính phủ. Trong tay tôi có 1 hợp đồng BOT giữa một bên là Thứ trưởng Bộ GTVT và một bên các nhà đầu tư. Bất cập ở đây là, Điều 76 về bảo mật: Không được tiết lộ thông tin, không sử dụng thông tin cho mục đích khác ngoài thực hiện hợp đồng…. Cái này trái với quy định NN. Đã là hợp đồng kinh tế mà lại bí mật thì không đúng. Đó là bất cập, là không minh bạch. Các dự án đầu tư cần phải được công bố rộng rãi và toàn diện đến các nhà đầu tư, để họ nghiên cứu dự án. Nhưng hiện  nay, 100% dự án BT, BOT là chỉ định thầu”. Ông cũng “đau đớn” chia sẻ: “Chúng tôi đi từ bến xe nước Ngầm vào Nam Định, 1 tháng mất 18 triệu đồng tiền phí. Thế nên, nói BOT không tác động đến người nghèo là không thỏa đáng”.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) từng là “điểm nóng” vì các nhà xe bức xúc chuyện thu phí BOT

Đa số các chuyên gia tại hội thảo đều khẳng định, hiện nay PPP của chúng ta khá đơn giản, phiến diện, thiếu bài bản và không đúng bản chất. Điều này dẫn đến việc người dân phản đối.  Các chuyên gia cũng khuyến nghị: Cần phải xử lý nghiêm những cán bộ có trách nhiệm xây dựng chính sách, tạo kẽ hở để nhóm lợi ích dựa vào đó để trục lợi; áp dụng công nghệ cao trong thu phí để minh bạch lượng phí một cách chính xác nhất và hơn cả là phải lắng nghe người dân và người dân được quyền tham gia đóng góp vào dự án vì họ chính là chủ thể bị tác động của dự án.

N.Thủy

—————————————–

Hanoi TV (Kinh tế) 08-9-2017:

http://hanoitv.vn/khong-von-cung-lam-duoc-bot-d72712.html

(212/1.063)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,894