(Biz) – Đó là quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đưa ra tại toạ đàm “Dự án BOT – Chính sách và giải pháp” ngày 8/9.
Luật sư Trương Thanh Đức.
Nhà đầu tư chỉ cần lo “đặt gạch”
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng bản chất của việc kêu gọi đầu tư các dự án PPP, trong đó có BOT là do vốn ngân sách hạn hẹp.
Tuy nhiên, ông Đức cho biết lại tồn tại một nghịch lý khi vốn, quản trị dự án, thị trường… nhà đầu tư lại không phải lo. “Khi muốn thực hiện các dự án BOT, nhà đầu tư chỉ lo ‘đặt gạch’ làm sao vào được dự án là xong” , ông Đức nói.
Lý giải rõ hơn về nhận định này, luật sư Trương Thanh Đức phân tích: Vốn các dự án BOT hiện nay chủ yếu là nhà nước và các ngân hàng lo. Luật quy định vốn trên 15% đối với dự án có vốn hơn 1.000 tỷ. Nhưng nhiều dự án lớn như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, chủ đầu tư chỉ phải lo hơn 10% vốn, còn lại là vay ngân hàng.
“Vốn huy động từ ngân hàng thương mại thì tất nhiên sẽ phải chịu lãi suất cao ngất ngưởng. Mà bản chất của ngân hàng cũng không phải cấp vốn dài hạn. Rõ ràng, những điều này làm méo mó nền kinh tế”, ông Đức nhận xét.
Không những thế, theo ông Đức, nhiều dự án phần vốn Nhà nước phải lo rất nhiều để giải phóng mặt bằng. Như vậy có thể thấy, dự án BOT cần nhất là vốn tư nhân thì nhà đầu tư lại không “đáng mấy”.
Thậm chí ông Đức cho biết, đối với nhiều dự án nếu để xảy ra tình trạng đội vốn thì thậm chí vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư còn âm chứ không được 15%.
Những bất cập trong đầu tư BOT được luật sư Trương Thanh Đức trình bày tại toạ đàm.
“Ở Việt Nam, đầu tư BOT kiểu gì cũng lãi. Cuối cùng người dân nghèo bao giờ cũng phải thua thiệt nhiều nhất. Bởi BOT sẽ tác động đến vận tải, từ đó tác động tới hàng hóa, dịch vụ”, ông Đức nhận định.
Đấu thầu còn nguy hiểm hơn chỉ định thầu
Ngoài ra, vị này cũng cho rằng luật quy định còn quá thông thoáng. “Đến mức Bộ Giao thông vận tải, tỉnh có thể ủy quyền cho UBND các quận, huyện ký hợp đồng BOT với chủ đầu có tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng lên tới cả nghìn tỷ đồng”, ông Đức nói.
Cũng theo luật sư Đức, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy Nhà nước chủ yếu chỉ định thầu. Chỉ định thì giá cả thế nào cũng được, làm bao nhiêu chẳng xong. Vì vậy, nhiều người cho rằng phải đấu thầu mới khách quan. .
“Nhưng tôi cho rằng ở các dự án BOT, nếu đấu thầu không cẩn thận còn nguy hiểm hơn. Bởi hiện nay ở nước ta khi đấu thầu xuất hiện toàn ‘quân xanh quân đỏ’. Lúc đó đấu thầu lại là biện pháp để người ta hợp thức hóa chỉ định thầu một cách êm xuôi”, ông Đức nói.
Sau khi đã vào được dự án, ông Đức cho biết nhà đầu tư lại tiếp tục chọn nhà thầu bằng phương pháp chỉ định. Họ đưa ra chi phí càng cao càng tốt để kéo dài thời gian thu phí. Thế nên mới có chuyện sau khi kiểm tra, các cơ quan chức năng đã giảm được hơn 100 năm thu phí ở các dự án PPP trên cả nước.
Ngoài ra ông Đức cho biết, trong cả quá trình thực hiện các dự án BOT, các nhà đầu tư hầu như đều tuân theo quy tắc “tam tự”, tức là tự bỏ vốn, tự xây dựng và tự thu phí.
“Không những thế, việc đàm phán và ký kết hợp đồng dự án lại được bảo mật. Những điều này khiến việc thực hiện các dự án BOT trở nên thiếu minh bạch”, ông Đức nói.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cũng cho biết bản thân ông đã quan sát BOT từ năm 1998. Thời điểm đó, Việt Nam có nghị định đầu tiên về BOT.
“Khi đó, tôi và nhiều chuyên gia đã đoán được hệ lụy xảy ra từ các dự án BOT xảy ra như ngày hôm nay”, luật sư Lập nói.
Theo ông Lập, hiện nay báo chí, các cơ quan chức năng đang quan tâm đến một số dự án BOT. Tuy nhiên, dự án BT cũng tồn tại nhiều khuất tất chưa được công bố. “Hiện nay PPP của chúng ta khá đơn giản, phiến diện, thiếu bài bản và không đúng bản chất. Điều này dẫn đến việc người dân phản đối”, ông Lập nói.
Theo vị này, quốc tế coi các dự PPP (có bao gồm BOT) là cơ chế hợp tác trong đó một tổ chức tư nhân chịu trách nhiệm tài trợ, xây dựng và quản lý, vận hành một dự án để đổi lại sự cam kết về dòng thanh toán trực tiếp từ Chính phủ hoặc gián tiếp từ người sử dụng cho toàn bộ đời dự án hoặc một thời gian nhất định được xác định trước.
Trong khi, tại Việt Nam, các dự án PPP lại là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, dịch vụ công.
“Ưu điểm của hình thức PPP/BOT là sẽ có nguồn tài chính bổ sung để phát triển hạ tầng nhưng nhiều vấn đề sẽ được đặt ra như chi phí vốn cao hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ. Các dự án tại Việt Nam có vốn chủ sở hữu thấp, vay thương mại từ ngân hàng là chủ yếu, như vậy các dự án này thực chất được xây dựng bằng nguồn vốn tư nhân hay vốn xã hội? Trong các dự án, lợi ích của nhà đầu tư sẽ được đảm bảo, nhưng lợi ích của nhà nước và người dân lại khó được bảo đảm”, luật sư Lập cho hay.
N.MẠNH
————————————————-
BizLive (Kinh tế đầu tư) 08-9-2017:
(730/1.129)