(GDVN) – Dự thảo tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng đang vấp phải sự phản đối từ dư luận, người dân và giới chuyên gia kinh tế.
Theo dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính thuế bảo vệ môi trường đối với xăng có thể được nâng từ mức trần hiện hành 4.000 đồng/lít lên 8.000 đồng/lít.
Dự định Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường sẽ được trình Chính phủ vào tháng 6/2017 và nếu được chấp thuận sẽ tiếp tục đưa ra Quốc hội xin ý kiến tháng 10/2017.
Nếu đúng theo lộ trình trên thì giá xăng trong năm 2017 và các năm tiếp theo có nguy cơ tăng cao hơn vì phải gánh thêm thuế môi trường.
Nếu áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường như dự thảo Luật bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính, giá xăng chắc chắn sẽ phải tăng – ảnh minh họa nguồn Petrolimex |
Đáng nói lý giải về việc tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng, ông Vũ Khắc Liêm – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, động thái này là để ứng phó với việc thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã cam kết với các nước.
Đề xuất tăng khung thuế môi trường xăng dầu là để bù đắp giảm thuế nhập khẩu. Cụ thể: Trong biểu thuế Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), mức thuế nhập khẩu đối với các loại dầu là 0%, các loại xăng về 8% vào năm 2021, về 5% vào năm 2023 và 0% vào năm 2024.
Nói cách khác động thái đưa ra khung thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính nhằm bù đắp ngân sách do thuế nhập khẩu sẽ giảm theo Hiệp định ATIGA.
Trước lý giải của Vụ Chính sách thuế, Luật sư Trương Thanh Đức – Chuyên gia pháp lý kinh tế cho biết, lý giải Bộ Tài chính sáng tỏ vấn đề tăng thuế bảo vệ môi trường nhưng không phải chỉ dùng để bảo vệ môi trường mà tăng thuế để bù ngân sách chi tiêu chung.
Luật sư Trương Thanh Đức – ảnh do nhân vật cung cấp |
“Khi giá xăng thấp thì tăng thuế môi trường để bù vào thuế nhập khẩu giảm. Vậy, nếu giá xăng tăng vài lần, thì có giảm thuế môi trường không? Nếu không giảm thuế thì giá quá cao. Nếu giảm thuế thì hoá ra không phải vì môi trường, mà vì nguồn thu?”, Luật sư Đức nêu bất cập.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, dùng từ “thuế bảo vệ môi trường” là không đúng, bởi nguyên tắc thu gì chi đó, còn đã nói thuế bảo vệ môi trường chỉ dùng nhằm khắc phục môi trường ô nhiễm do sử dụng xăng dầu gây ra.
Theo Luật sư Đức, khi Việt Nam hội nhập và ký các thỏa thuận như ATIGA thì nguồn thu thuế nhập khẩu sẽ giảm, ảnh hưởng tới thu ngân sách.
Để cân đối giữa thu và chi đáng nhẽ cần áp dụng đồng loạt giải pháp như cơ cấu lại chi ngân sách, giảm bộ máy cồng kềnh, xiết chặt đầu tư công… chứ không phải ngay lập tức bằng cách thu thêm tiền của dân qua xăng dầu.
“Nếu bộ máy cứ phình ra, đầu tư công lãng phí, dự án, nhà máy của doanh nghiệp nhà nước đầu tư cứ thua lỗ như vừa qua thì dù tăng thu thuế bao nhiêu cũng không đủ bù đắp”, Luật sư Đức đánh giá.
Trở lại vấn đề tăng thuế bảo vệ môi trường theo Luật sư Trương Thanh Đức cần phải làm rõ việc sử dụng nguồn thuế thu được và những tác động đối với nền kinh tế.
Ông Đức khẳng định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên nếu thuế tăng như đề xuất, giá có cao thì người dân vẫn buộc phải sử dụng.
Tuy nhiên, sự tác động đến đời sống nhân dân, doanh nghiệp, chỉ số lạm phát… là rất lớn.
Đây là lý do cần có một báo cáo tác động nghiêm túc, đầy đủ.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện rất nghiêm trọng, nhất là các đô thị lớn và cần có nguồn lực tài chính lớn để cải thiện môi trường.
Nếu tăng thuế và dùng toàn bộ nguồn thu này cho môi trường thì người dân có thể chấp nhận.
“Nhưng kể từ khi tăng thuế bảo vệ môi trường đến nay vẫn chưa có một đánh giá nào về việc môi trường có giảm ô nhiễm hay không và việc sử dụng nguồn thuế tăng đó vào môi trường như thế nào. Mọi thứ vẫn mù mờ không rõ ràng”, ông Đức nói.
Mặt khác nhiều ngành công nghiệp hiện đang “đóng góp” lớn vào mức độ ô nhiễm môi trường, như công nghiệp sản xuất thép, hóa chất, thực phẩm… Vì thế tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu thì cũng cần có đánh giá tính phù hợp và sự cân bằng với mức thuế môi trường ở các lĩnh vực khác.
Nhìn ở góc độ xã hội, theo Luật sư Đức khi đưa ra dự thảo tăng thuế bảo vệ môi trường Bộ Tài chính mới chỉ nhìn từ phía thu ngân sách nhà nước mà quên đi hệ lụy của nó đối với chính người dân và cả nền kinh tế.
Với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.200USD/người/năm (chỉ khoảng 40 – 50 triệu đồng), người dân vừa phải trang trải chi phí ăn ở, sinh hoạt, học hành cho con cái, khám chữa bệnh…
Thuế tăng sẽ kéo theo tăng giá xăng như vậy giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng cuối cùng sẽ làm đời sống người dân cơ cực, nền kinh tế bị tổn thương nặng hơn.
Mai Anh
——————————————
Giáo dục (Kinh tế) 20-01-2017
(626/1.047)