(PL&XH) – Sáng ngày 8/9, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (Viện PLD) tổ chức buổi Tọa đàm “Dự án BOT – Chính sách và giải pháp”.
Phát biểu buổi tọa đàm, luật sư Hoàng Ngọc Giao, Cty Luật Hoàng Giao và cộng sự, cho biết: BOT hay BT là một hình thức PPP (hợp tác đối tác công tư), nếu được áp dụng đúng cách sẽ giúp huy động được nguồn vốn tư nhân để phát triển hạ tầng.
Ông Nguyễn Chiến, Trưởng Đoàn Luật sư TP Hà Nội, ĐBQH khóa XIV, cho hay: BOT là một chủ trương đúng, là xu hướng tích cực trên thế giới bởi nó mang lại lợi ích kinh tế lớn. Tuy nhiên khi thực hiện ở Việt Nam, những biến tướng của BOT đã dẫn đến sai lệch, méo mó chủ trương này. Chính điều đó đã gây phản ứng của người dân khi nó trực tiếp tác động đến túi tiền của người dân.
Buổi tọa đàm khoa học “BOT – Chính sách và giải pháp” có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế và luật sư
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, trọng tài viên VIAC, đánh giá: Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp BOT tại Việt Nam rất thấp, phần lớn là vay thương mại từ ngân hàng là chủ yếu chứ không phải mô hình tài chính tư nhân hỗn hợp và đặc thù. Ông Lập đặt câu hỏi: Vậy đây là vốn tư nhân hay vốn xã hội ?
Nói thêm về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết: Nghị định 15/2015 cho phép doanh nghiệp có dự án BOT vay vốn đến 85-90%, nhà đầu tư chỉ góp 10-15% vốn.
Trong khi theo định nghĩa quốc tế, PPP là cơ chế hợp tác trong đó 1 tổ chức tư nhân chịu trách nhiệm cung cấp vốn, xây dựng và quản lý, vận hành một dự án để đổi lại sự cam kết về dòng thanh toán trực tiếp từ Chính phủ hoặc gián tiếp từ người sử dụng cho toàn bộ đời dự án hoặc một thời hạn nhất định được xác định trước.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Lập nhận định: Định nghĩa về PPP của Việt Nam còn khá đơn giản và chưa phản ánh đúng bản chất của mô hình này.
Nguyễn Tuấn / PL&XH
—————————————————–
Pháp luật & Xã hội (Xã hội) 08-9-2017:
(41/442)