(TTTĐ) – Những năm gần đây, nhiều dự án BOT chưa được kiểm tra, giám sắt chặt chẽ, nảy sinh nghiều tiêu cực, điển hình như vụ việc tại trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), hàng nghìn ô tô đã đi vào đường tránh huyện Cai Lậy để né trạm. Thậm chí, nhiều tài xế dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500, 1000 đồng để mua vé qua trạm thu phí, gây ùn tắc khu vực trạm BOT này. Các tài xế yêu cầu trạm thu phí này cần được đặt đúng vị trí, tức là di dời vào trong đường tránh.
Trước thực trạng này, ngày 8/9 tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Dự án BOT – Chính sách và giải pháp”. Tọa đàm do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (Viện PLD) tổ chức, với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia. Các đại biểu đã cùng đưa ra những cái nhìn về thực trạng, hạn chế tại các dự án BOT và đề xuất nhiều hướng giải quyết.
Đánh giá về thực trạng các dự án BOT, đại diện Bộ Giao thông Vận tải nhận định, việc buông lỏng quản lý và thiếu kiểm tra, giám sát đã tạo ra những nhóm lợi ích, doanh nghiệp sân sau đặc quyền đặc lợi, chiếm đoạt những dự án béo bở, chèn ép các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chỉ những nguyên nhân làm giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong đó có BOT. “Chi phí vận tải chiếm đến 60% giá thành của một số doanh nghiệp xuất khẩu ở Đồng Bằng sông Cửu Long. Chi phí BOT cao hơn chi phí xăng dầu từ Đồng bằng sông Cửu Long về TP HCM (theo VLA). Giảm chi phí đầu vào là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế, trong đó có chi phí BOT”, ông Doanh nhấn mạnh.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng: Khi muốn thực hiện các dự án BOT, nhà đầu tư chỉ lo “đặt gạch” làm sao vào được dự án là xong. Vốn chủ yếu là Nhà nước và các ngân hàng lo. Như dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, chủ đầu tư chỉ phải lo hơn 10% vốn, còn lại là vay ngân hàng. Điều này làm méo mó nền kinh tế.
Ông Đức khẳng định, hiện nay luật thoáng đến mức Bộ GTVT, tỉnh… có thể ủy quyền cho UBND các quận, huyện ký hợp đồng BOT với chủ đầu có tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Sở dĩ có chuyện đó vì dự án BOT không có rủi ro về vốn gốc, vốn lái nên chỉ cần “đặt gạch” vào dự án là xong.
TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đề nghị nên xem xét các nhà đầu tư BOT như một thương quyền. Có nghĩa là chỉ có những doanh nghiệp nào đảm bảo chất lượng tốt, giá rẻ nhất mới được cho quyền khai thác; đồng thời, cần phải đảm bảo tính công bằng, bình đẳng các thành phần tham gia.
Theo các chuyên gia, để các dự án BOT được triển khai một cách hiệu quả, cần tổ chức phản biện trên diện rộng, có đóng góp của các chuyên gia độc lập không phụ thuộc vào cơ quan của nhà nước hoặc bộ chuyên ngành để có những phản biện chính xác và vô tư nhất.
Bên cạnh đó, các chủ dự án phải có ít nhất 70 – 80% vốn tự có để thi công không được vay ngân hàng và không được tính lãi vay ngân hàng vào giá thành; phải xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm với mức phạt cao nhất tương xứng, với vi phạm kiên quyết xử lý hình sự khi nhà đầu tư vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, việc đấu thầu cần công khai, kế hoạch tài chính phải được xây dựng thực tế, chặt chẽ, biên độ vượt kế hoạch khống chế tối đa +/- 10%.
Trí Nhân
————————————————–
Tuổi trẻ Thủ đô (Kinh tế) 08-9-2017:
http://tuoitrethudo.vn/nen-xem-xet-cac-nha-dau-tu-bot-nhu-mot-thuong-quyen-n2034067.html
(151/740)