(HQ) – DN kinh doanh gas không còn phải lo về vấn đề vỏ bình, diện tích bồn chứa, dung tích tối thiểu… Đây là những nội dung được đưa ra trong bản dự thảo sửa đổi Nghị định 19/2015/NĐ-CP về kinh doanh khí. Nếu được thông qua, đây sẽ là hành động “cởi trói” tiếp theo của Bộ Công Thương cho DN.
Theo quy định của Nghị định 19, DN phân phối gas phải có 100.00 vỏ bình và bồn chứa 300 m3. Ảnh: ST.
Cuộc “nội chiến” trong ngành gas
Việc sửa Nghị định 19 cần tập trung vào vấn đề đảm bảo an toàn, chất lượng bởi gas liên quan đến cháy nổ. Không cần biết DN có bao nhiêu bình nhưng phải đáp ứng đủ điều kiện về an ninh, an toàn từ nhân sự, phòng cháy chữa cháy, giấy phép kinh doanh. | |
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI |
Nghị định 19/2015/NĐ-CP về kinh doanh khí ra đời như là việc “sửa sai” cho Nghị định 107/2009/NĐ-CP khi giảm điều kiện của thương nhân phân phối LPG cấp 1 phải có bồn chứa 800 m3 và 300.000 vỏ bình xuống còn 300 m3 và 100.00 vỏ bình.
Tuy nhiên, kể từ khi đi vào thực thi (tháng 5-2016), Nghị định 19 đã vấp phải sự “phản ứng” gay gắt của cộng đồng DN. Không chỉ dừng ở đó, đã xảy ra cuộc “nội chiến” giữa các DN kinh doanh trong ngành gas. Cuộc chiến này là sự xung đột về lợi ích giữa một bên là các DN nhỏ và một bên là các “ông lớn” trong ngành gas. Theo đó, có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Lý lẽ của nhiều DN nhỏ đưa ra là, việc yêu cầu bồn chứa lớn là không cần thiết, tồn trữ lớn khiến việc đầu tư trở thành gánh nặng về tài chính, lãng phí, không đúng với quy luật cung cầu của thị trường, đồng thời quy định này sẽ “ép chết” DN nhỏ. Bên còn lại là các DN lớn yêu cầu tuân thủ nghiêm túc theo Nghị định 19 khi họ đã từng đầu tư rất lớn từ trước để đáp ứng theo Nghị định 107.
Trong một cuộc họp với Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng hồi giữa tháng 11-2016, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng thừa nhận, có rất nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến điều kiện kinh doanh khí hóa lỏng. Một bên cho rằng cần “siết” chặt lại quản lý kinh doanh gas, nhưng mặt khác nhiều ý kiến cho rằng theo Luật DN, Luật Đầu tư, thì điều kiện kinh doanh gas hiện nay đang đặt ra quá nhiều giấy phép con. “Chúng tôi đánh giá lại thì điều kiện kinh doanh gas có vấn đề thật, ngay cả nội bộ của Bộ cũng tranh luận rất gay gắt, nên chúng tôi đã xin thêm thời gian, làm rõ thêm”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Có lẽ những ý kiến của DN đã được Bộ Công Thương tiếp thu bằng việc xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19 vào tháng 12-2016. Theo đó, nhiều điều kiện kinh doanh gas đã được dỡ bỏ. Điều 14, dự thảo Nghị định mà Bộ Công Thương xây dựng chỉ quy định 3 điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh khí gồm: DN được thành lập theo quy định của pháp luật có đăng ký ngành nghề kinh doanh khí; có hợp đồng mua bán khí với thương nhân sản xuất, chế biến khí hoặc thương nhân XK, NK; đáp ứng các điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định. So với Nghị định 19, bản dự thảo mới này không đề cập đến những điều kiện như bồn chứa 300 m3, 100.000 vỏ bình hay dung tích tối thiểu 2,6 triệu lít.
DN nhỏ được cứu?
Như vậy, nếu những điều kiện này được dỡ bỏ thì đây sẽ là cơ hội cho các DN nhỏ “hồi sinh” và cạnh tranh công bằng với các DN lớn. Nhiều DN cũng như giới chuyên gia rất tán thành với sự sửa đổi của Bộ Công Thương.
Bình luận về bản dự thảo mới, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI tỏ ra vui mừng khi Bộ Công Thương dự kiến bỏ hết các điều kiện về kinh doanh gas. Theo ông Đức, đây là ý tưởng đúng, đáp ứng mong muốn của DN. Những quy định trong Nghị định 19 là phải bỏ vì làm sai lệch, trái Luật Đầu tư 2014, không có lợi cho dân, ngoài việc đem lợi cho mấy ông độc quyền, cơ quan cấp phép.
“Lúc đầu các DN nhỏ kiến nghị rằng, đề nghị giảm xuống 1/3 hoặc 1/2 nhưng tôi cho rằng, không có cơ sở pháp lý nào, tốt nhất là bỏ hết”, ông Đức cho hay.
Song phía các “ông lớn” vẫn một mực phản đối việc hạ “chỉ tiêu” của Bộ Công Thương. Ông Nguyễn Thế Nhân, Giám đốc Công ty Hoàng Ân (Tây Ninh) cho rằng, so với những tiêu chuẩn trước tại Nghị định 107 thì điều kiện để trở thành thương nhân phân phối gas tại Nghị định 19 đã hạ chuẩn khá nhiều và không nên hạ chuẩn thêm nữa. “Tôi có cảm giác Bộ Công Thương buông xuôi luôn khi dự thảo mới không đề cập đến chế tài về trạm chiết, thả nổi, không quy định bao nhiêu vỏ bình, chỉ cần đăng ký là có thể chiết nạp. Nếu Bộ Công Thương thông qua dự thảo này thì trong tương lai ngắn, thị trường gas sẽ trở nên bát nháo, lúc đó không có cơ hội sửa sai nữa”, ông Nhân nêu quan điểm.
Tuy nhiên, luận điểm thị trường gas rối loạn, theo ông Đức, là không phù hợp bởi theo quy luật của thị trường, DN nào làm ăn đàng hoàng DN đó sẽ tồn tại, bất kể là lớn hay nhỏ. Vì thế, không thể lấy điều kiện về quy mô để nói về đảm bảo chất lượng. Theo quan điểm của ông Đức, việc sửa Nghị định 19 cần tập trung vào vấn đề đảm bảo an toàn, chất lượng bởi gas liên quan đến cháy nổ. “Không cần biết DN có bao nhiêu bình nhưng phải đáp ứng đủ điều kiện về an ninh, an toàn từ nhân sự, phòng cháy chữa cháy, giấy phép kinh doanh. Tất nhiên, cơ quan quản lý sẽ vất vả hơn. Ví dụ trước đây chỉ quản 1.000 DN nhưng khi bỏ các điều kiện có thể quản lý 1 vạn DN. Như thế mới hướng tới mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020”, ông Đức chia sẻ.
Có thể thấy, sự lắng nghe, tiếp thu để tháo gỡ khó khăn cho DN của Bộ Công Thương đã nhận được sự ủng hộ của giới chuyên gia. Hiện Bộ Công Thương đang được đánh giá là Bộ làm tốt nhất việc cải cách thủ tục hành chính, điều kiện cản trở DN. Hy vọng, các DN gas cũng sẽ được “cởi trói” sớm nhất.
Phan Thu
—————————————————–
Hải Quan (Doanh nghiệp) 25-01-2017:
http://www.baohaiquan.vn/Pages/Doanh-nghiep-nho-mong-som-coi-troi-ve-kinh-doanh-gas.aspx
(435/1.246)