415. Tinh thần Nghị quyết 68: Không phải cứ sai...
Tinh thần Nghị quyết 68: Không phải cứ sai phạm là tội phạm!
(PL)- Thực tiễn cho thấy có trường hợp không đáng bị bắt, kết án tù tội nhưng vì BLHS đã chốt cứng mức tiền cấu thành tội phạm nên các cơ quan tố tụng không thể không buộc tội. Nhưng, sắp tới mọi thứ sẽ khác...Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị mới đây đã mở ra một hướng cải tổ hệ thống luật pháp vì con người, theo đúng bản chất, mục tiêu, chứ không máy móc dựa vào hình thức và những con số. Hy vọng tinh thần này sẽ được thể chế hóa đầy đủ trong các luật, bộ luật sửa đổi sắp tới.Định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm và Trung ương trong xây dựng và thi hành luật pháp là luật chỉ quy định nguyên tắc, còn những gì cụ thể, chi tiết thì giao cho Chính phủ để ứng biến linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tiễn. Đây không phải là quay lại thời “luật khung, luật ống” mà chính là trở về những nguyên lý căn bản phân biệt giữa vai trò của lập pháp, hành pháp và tư pháp, là việc sửa sai sự nhầm tưởng xa rời thực tế.Chúng ta đã từng xây dựng luật theo hướng quy định chi tiết để khi được Quốc hội thông qua thì có thể thi hành, đi vào cuộc sống được ngay. Trong một thời gian dài, BLHS luôn cố gắng định lượng tất cả hành vi vi phạm, tất cả yếu tố cấu thành tội phạm. Chẳng hạn, đánh bạc, trộm cướp, tham ô, lãng phí bao nhiêu tiền thì bị tù 3 năm, 5 năm, 20 năm, chung thân, tử hình.Thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhiều năm qua cho thấy có những trường hợp không đáng bị bắt, kết án tù tội nhưng vì BLHS đã chốt cứng mức tiền cấu thành tội phạm nên các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử không thể không buộc tội. Có nhiều trường hợp không đáng bị xử tội hình sự nhưng không bắt, không xử thì hóa ra lại làm trái luật. BLHS quy định cụ thể đến từng đồng thì còn đâu vai trò của các cơ quan pháp luật, ngoài việc cứ phải thật khớp, thật đúng với từng khung khoản, điểm, tiết.Có thẩm phán đã từng phải bật khóc khi xét theo bản chất vụ án thì có thể tuyên một bị cáo không phạm tội; hoặc tuyên một mức án nhân văn, phù hợp, chỉ đáng phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc án treo. Thế nhưng, dù có vận dụng mọi tình tiết giảm nhẹ để xử dưới khung thì “luật là luật”, thẩm phán đành bó tay.Đôi khi xét về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả thì trộm cắp 50 triệu đồng có khi không nặng tội, không đáng chịu hình phạt bằng việc ăn cắp chỉ 1 triệu đồng. Xử tội một người thì số tiền chiếm đoạt hay thiệt hại chỉ là một yếu tố phụ, còn cái chính mang tính quyết định tội phạm và hình phạt phải là ý thức, thái độ, mục đích và hành vi của họ.Lâu nay luật quy định chi ly kiểu thế này: Người có hành vi trộm cắp một cái túi giống hệt nhau, nếu cái túi đó chứa 1,9 triệu đồng thì không phạm tội, nếu chứa 2 triệu đồng thì phạm tội ở mức độ nhẹ nhưng nếu chứa 50 triệu đồng thì tội nặng gấp đôi so với chứa… 49 triệu đồng. Vậy thì đạo lý, triết lý kết tội là gì?Tội trộm cắp là hiện tượng ngàn xưa, tương đối đơn giản, rõ ràng còn thế, huống chi với các tội phạm về kinh tế - vốn dĩ vô cùng phức tạp - mới thấy khó có thể xử lý một cách thấu lý, đạt tình như thế nào. Nhiều chuyên gia đầu ngành về pháp luật đã từng than thở rằng: BLHS đã biến thẩm phán thành robot. Vì xử nhẹ, xử khoan hồng vượt quá chỉ tiêu thì vừa có nguy cơ sai luật, vừa bị kiểm điểm, nghi ngờ vì tiêu cực hay có gì đó sai trái bất thường.Vì vậy, công lý, đạo lý, nhân đạo, công bằng, lẽ phải và kể cả nguyên tắc suy đoán vô tội, không thể nào vượt qua được yêu cầu thượng tôn pháp luật đã bị gắn chặt vào những con số vô hồn như số tiền, số phần trăm, số mét vuông, số gam, số ngày, số người và nhiều nhiều con số khác. Số phận pháp lý và mức hình phạt của mỗi con người được quyết định chủ yếu dựa vào từng con số, chứ không phải bằng yếu tố chính là hành vi nguy hiểm của họ gây ra cho xã hội.Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị mới đây đã mở ra một hướng cải tổ hệ thống luật pháp vì con người, theo đúng bản chất, mục tiêu, chứ không máy móc dựa vào hình thức và những con số kiểu trên. Quan trọng nhất là định hướng nhấn mạnh dứt khoát không hình sự hóa những quan hệ dân sự - kinh tế - hành chính.BLHS quy định tội phạm là hành vi phạm pháp “nguy hiểm cho xã hội”. Còn Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định vi phạm hành chính cũng là hành vi phạm pháp “mà không phải là tội phạm”. Như vậy, để phân biệt tội phạm và hành vi vi phạm hành chính thì mấu chốt là phải đánh giá sự nguy hiểm trong từng vụ việc cụ thể, chứ không phải nâng lên đặt xuống mấy con số thì trở thành tội phạm và ngược lại.Hầu hết sai phạm liên quan đến kinh tế trong BLHS hiện hành đều có thể xử lý bằng xử phạt hành chính thay vì hình sự mà không làm giảm tác dụng, hiệu quả răn đe và phòng ngừa vi phạm. Chỉ khi không thể xử lý được bằng hành chính thì mới buộc phải tính đến việc xử lý bằng hình sự. Đặc biệt, không nên coi mọi sai phạm kinh tế nghiêm trọng đều là tội phạm.Như vậy, luật sẽ thực sự hợp lý, công bằng, nhân văn, nhân đạo, vì con người; cơ quan điều tra sẽ giảm thiểu oan sai; cơ quan công tố sẽ chỉ buộc tội được những hành vi đúng, rõ là tội phạm; tòa án sẽ chỉ tuyên những bản án mà bị cáo cũng như công chúng phải tâm phục, khẩu phục.
Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC
-------------------Pháp luật TP Hồ Chí Minh (Pháp luật) 12-5-2025:https://plo.vn/tinh-than-nghi-quyet-68-khong-phai-cu-sai-pham-la-toi-pham-post849220.html(1.158)-------------------Bản sửa gửi đi:
Xoá bỏ tư duy coi mọi sai phạm nghiêm trọng về kinh tế đều là tội phạm.
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân nhưng đã dành một mục với 416 chữ chỉ đạo về việc phân định trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự. Vì hình sự lâu nay là cái thòng lọng vô hình ảnh hưởng rất lớn và rất xấu đến ý chí đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân
Bất cập của pháp luật hình sự
Một trong những định hướng rất quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm và Trung ương gần đây trong xây dựng và thi hành luật pháp là: Luật chỉ quy định nguyên tắc còn những gì cụ thể, chi tiết thì giao cho Chính phủ để ứng biến linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tiễn. Thực ra, đây không phải là việc quay lại thời “luật khung, luật ống” mà chính là quay trở về những nguyên lý căn bản phân biệt giữa vai trò của lập pháp, hành pháp và tư pháp, là việc sửa sai sự nhầm tưởng xa rời thực tế.Đã từng được xây dựng theo hướng luật cần quy định chi tiết để khi được Quốc hội thông qua thì có thể thi hành, đi vào cuộc sống được ngay. Chính vì vậy, một thời gian dài vừa qua, xu hướng xây dựng luật pháp luôn cố gắng định lượng tất cả các hành vi vi phạm, định lượng tất cả những yếu tố cấu thành tội phạm. Chẳng hạn BLHS quy định đánh bạc bao nhiêu tiền, trộm cướp, tham ô, lãng phí bao nhiêu tiền thì bị tù 3 năm, 5 năm, 20 năm, chung thân, tử hình. Xu hướng định lượng này kéo theo nhiều hệ quả.Thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhiều năm qua cho thấy: có nhiều trường hợp không đáng bị bắt, bị kết án tù tội, nhưng vì Bộ luật Hình sự đã quy định chốt cứng mức tiền cấu thành tội phạm, nên các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử không thể không buộc tội. Có quá nhiều trường hợp không đáng bị xử tội hình sự, nhưng không bắt, không xử thì hoá ra lại làm trái luật. Bộ luật Hình sự quy định cụ thể đến từng đồng, thì còn đâu vai trò thực sự của các cơ quan pháp luật ngoài việc cứ phải ép bằng được vào cho thật khớp đúng với khuôn khổ từn khung khoản, điểm tiết.Nhiều thẩm phán đã từng phải bật khóc khi xét theo bản chất thì có thể tuyên một bị cáo không phạm tội, tuyên một mức án nhân văn, phù hợp hay hoặc chỉ đáng phạt cảnh cáo, cải tại không giam giữ hoặc án treo. Thế nhưng dù có vận dụng mọi tình tiết giảm nhẹ để xử dưới khung thì “luật là luật”, rất cứng nhắc, buộc phải tuyên mức án rất nặng nề, bất hợp lý. Đôi khi xét về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả xảy ra, thì trộm cắp 50 triệu có khi không nặng tội, không đáng chịu hình phạt bằng việc ăn cắp chỉ 1 triệu đồng.Lẽ ra nguyên tắc “suy đoán vô tội” không chỉ là một điều khoản được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự, mà phải trở thành tư tưởng chủ đạo, thành nguyên tắc cơ bản, phổ quát cho mọi giai đoạn tố tụng. Xử tội một người, thì số tiền chiếm đoạt hay thiệt hại chỉ là một yếu tố phụ, còn cái chính mang tính quyết định tội phạm và hình phạt phải là ý thức, thái độ, mục đích và hành vi của họ. Lâu nay, luật quy định chi ly kiểu thế này: Kẻ trộm có hành vi trộm cắp một cái túi giống hệt nhau, nếu cái túi đó chứa 1,9 triệu thì không phạm tội, nếu chứa 2 triệu thì phạm tội ở mức độ nhẹ, nếu chứa 50 triệu thì tội nặng gấp đôi 49 triệu. Vậy thì đạo lý, triết lý kết tội là gì? Tội trộm cắp là hiện tượng nghìn xưa, tương đối đơn giản, rõ ràng còn thế, thì mới thấy khó có thể xử lý các tội phạm về kinh tế, vốn dĩ vô cùng phức tạ, một cách thấu tình, đạt lý. Nhiều chuyên gia đầu ngành về pháp luật đã từng than thở rằng: Bộ luật Hình sự đã biến thẩm phản thành rô-bốt. Vì xử nhẹ, xử khoan hồng vượt quá chỉ tiêu thì vừa có nguy cơ sai luật, vừa bị kiểm điểm, nghi ngờ vì tiêu cực hay có gì đó sai trái bất thường.Với cách quy định của pháp luật hình sự và cả hành chính như hiện nay, thì công lý, đạo lý, nhân đạo, công bằng, lẽ phải và kể cả nguyên tắc suy đoán vô tội, không thể nào vượt qua được yêu cầu thượng tôn pháp luật đã bị gắn chặt vào những con số vô hồn như số tiền, số phần trăm, số mét vuông, số gam, số ngày, số người và nhiều nhiều con số khác. Dường như, chúng ta quyết định số phận pháp lý và mức hình phạt của mỗi con người, chủ yếu dựa vào từng con số, chứ không phải bằng yếu tố chính là hành vi nguy hiểm của của họ gây ra cho xã hội. Có lẽ, để chống làm sai, tiêu cực, lạm dụng nên người ta đã thiết kế ra các điều luật quá cụ thể, quá chi tiết bằng cách dựa vào và chẻ nhỏ những con số, nhưng thực tế cho thấy không hiệu quả, xa rời bản chất.
Đột phá tư duy làm luật hình sự
Nghị quyết 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị mới đây đã mở ra một hướng cải tổ hệ thống luật pháp vì con người, theo đúng bản chất, mục tiêu, chứ không máy móc dựa vào hình thức và những con số kiểu trên. Cùng với đó, luật sẽ chỉ quy định nguyên tắc và yêu cầu cấp tốc sửa đổi Bộ luật Hình sự cùng với một loạt luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.Quan trọng nhất là định hướng nhấn mạnh dứt khoát không hình sự hóa những quan hệ dân sự - kinh tế - hành chính. Bộ luật Hình sự quy định, tội phạm là hành vi phạm pháp “nguy hiểm cho xã hội”. Còn Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, vi phạm hành chính cũng là hành vi phạm pháp “mà không phải là tội phạm”. Như vậy, để phân biệt tội phạm và không vi phạm hành chính thì mấu chốt là phải đánh giá sự nguy hiểm trong từng vụ việc cụ thể, chứ không phải nâng lên đặt xuống mấy con số thì trở thành tội phạm và ngược lại. Bản chất vi phạm hành chính (ví dụ như vượt đèn đỏ gây thiệt hại 99 triệu đồng) và vi phạm hình sự (ví dụ vượt đèn đỏ gây thiệt hại 100 triệu đồng) đều là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, giống nhau ở tính chất, mức độ và có thể chỉ khác nhau ở thiệt hại một vài đồng. Do vậy, mọi trường hợp gây thiệt hại do vượt đèn đỏ hoàn toàn có thể bắt người vi phạm trả giá bằng xử phạt hành chính, chứ không cần phải đổi lượng thành chất để biến thành tội phạm và buộc phải trừng trị bằng hình phạt hình sự (đương nhiên dù là vi phạm gì thì vẫn phải bồi thường giống nhau). Vi phạm về đầu tư, kinh doanh càng nên được “ưu tiên” xử lý về hành chính, dân sự, kinh tế.Một trong những tiền đề quan trọng để có thể đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới, chính là việc nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật đầu tư, kinh doanh nói riêng theo Nghị quyết số 66, trong đó có việc thể chế hóa triệt để những định hướng trong Nghị quyết số 68.Hầu hết sai phạm liên quan đến kinh tế trong Bộ luật Hình sự hiện hành đều có thể xử lý bằng xử phạt hành chính thay vì hình sự, mà không làm giảm tác dụng, hiệu quả răn đe và phòng ngừa vi phạm. Chỉ khi không thể xử lý được bằng hành chính thì mới buộc phải tính đến việc xử lý bằng hình sự. Đặc biệt, không nên coi mọi sai phạm kinh tế nghiêm trọng đều là tội phạm.
Xử lý điểm nghẽn hình sự để phát triển
Luật pháp không phải để trói quản và coi doanh nhân là đối tượng, mà phải coi họ là đối tác, là nguồn lực, là tài nguyên giá trị nhất góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân, công bằng, văn minh.Nếu hai Nghị quyết nói trên được triển khai đúng đắn, nhanh chóng và triệt để thì sẽ giải toả được nỗi lo sợ tù tội canh cánh, sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng tốc nền kinh tế, đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới một cách tự tin và thành công rực rỡ. Chúng ta có niềm tin xác đáng rằng, đó sẽ là Kỷ nguyên không chỉ phát triển về kinh tế, xã hội mà còn mang lại cả niềm tin công lý và phát triển con người. Khi đó, luật sẽ thực sự hợp lý công bằng, nhân văn, nhân đạo, vì con người; cơ quan điều tra sẽ giảm thiểu oan sai cho bị can; cơ quan công tố sẽ chỉ buộc tội được những hành vi đúng rõ là tội phạm; tòa án sẽ chỉ tuyên những bản án mà bị cáo cũng như dân chúng phải tâm phục, khẩu phục.
Luật sư Trương Thanh Đức & Chân Luận.
(1.703).