(ĐBND) – Hợp đồng kinh tế nhưng lại bảo mật, nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, không đi vẫn phải trả phí… “mặt trái” của các dự án BOT giao thông lại được nhắc lại trong một tọa đàm khoa học diễn ra sáng qua. Tuy nhiên, các chuyên gia, học giả cũng chia sẻ nhiều giải pháp để tới đây bức tranh BOT sẽ bớt đi những mảng màu xám.
Hợp đồng kinh tế nhưng lại bảo mật
“Chi phí logistics, nhất là phí BOT đã làm giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Theo đó, chi phí này chiếm đến 21% GDP so với 12 – 14% GDP ở nhiều nước. Điều này làm tăng giá thành sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, việc giảm chi phí đầu vào, trong đó có BOT là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế”. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh |
“Chúng ta đã nói quá nhiều về vấn đề này từ lâu rồi mà bây giờ vẫn cần phải tổ chức hội thảo, tham gia ý kiến với Chính phủ là điều đáng tiếc”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên mở đầu phần phát biểu của mình.
Thừa nhận việc đầu tư BOT là “rất tốt” đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, “các doanh nghiệp vận tải cũng rất thích vì đi đường nhanh, đỡ tốn xăng dầu”, tuy nhiên, ông Liên cho rằng “quá trình thực hiện đã tạo ra những bất cập làm méo mó chủ trương của Đảng và Nhà nước”. Để minh chứng cho sự méo mó này, ông Liên dẫn quy định tại Điều 76.6 về Bảo mật trong một hợp đồng BOT giữa Bộ GT – VT với nhà đầu tư ký năm 2014. Trong đó nêu rõ nghĩa vụ chung của các bên là “không tiết lộ thông tin khi đã tiếp nhận cho bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào, ngoại trừ nhân viên hoặc cố vấn của bên đó hoặc Bộ GT – VT, bên cho vay trong phạm vi mà cá nhân hoặc tổ chức đó cần thiết hoặc yêu cầu được biết các thông tin đó để thực hiện trách nhiệm của mình”.
Trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang | Nguồn: zing.vn |
Cũng theo hợp đồng này, các thông tin bảo mật “là những thông tin về pháp lý, tài chính, thương mại, kỹ thuật, công nghệ, bí quyết và các thông tin khác trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới nội dung của hợp đồng và dự án nêu trong hợp đồng”. “Điều này trái với quy định của Nhà nước. Đã là hợp đồng kinh tế mà lại bí mật thì đi ngược với Quyết định 217, 218 (ngày 12.12.2013) của Bộ Chính trị về phản biện xã hội. Không cho ai biết thì làm thế nào người ta giám sát được? Đây là nguồn gốc của những bất cập”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội thẳng thừng nhận xét.
Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), các dự án BOT tạo thành “ma trận”. Theo đó, nhà đầu tư muốn vốn đầu tư cao vì tỷ lệ vốn chủ sẽ thấp, chi phí lớn vì sẽ thu nhiều phí hơn, kéo dài thời hạn thu vì sẽ được thu thêm. Nhà nước dễ chấp nhận vốn đầu tư cao vì không lo hoàn vốn, dễ chấp nhận chi phí bất hợp lý vì không lo trả nợ, dễ chấp nhận kéo dài thời hạn thu phí vì không mất gì. Nhà thầu không quan tâm đến giá cả vì được chỉ định, không quan tâm giảm giá vì đúng ý nhà đầu tư. Còn nhà xe không có quyền lựa chọn, buộc phải đi với giá đắt. “Chung cuộc thì đầu tư vào BOT kiểu gì cũng có lãi, chi phí rất cao và bóp chết nền kinh tế”, ông Đức bình luận.
Sở dĩ có những phản ứng của dư luận về BOT thời gian qua, theo nhiều đại biểu, bởi chính sách vẫn còn bất cập. Đơn cử, chỉ định nhà thầu thay vì tổ chức đấu thầu công khai. Thậm chí, có tình trạng chủ đầu tư “tay không bắt giặc” khi không có vốn, không có kinh nghiệm nhưng vẫn tìm cách “đặt gạch” vào các dự án BOT. Khi vào được dự án rồi thì hoàn toàn đi vay ngân hàng, tính cả lãi vay vào giá thành để thu phí. Đặc biệt, có tình trạng “nhóm lợi ích sân sau” trong việc thực hiện các dự án BOT, khiến những chủ đầu tư, nhà thầu dù có đủ điều kiện song vẫn bị loại vì không thân hữu với cơ quan quản lý…
Phải đấu thầu công khai
Trên thực tế, khi đầu tư các dự án BOT, những cổ đông có liên quan trực tiếp là Nhà nước, người dân và những người làm công tác vận tải đều chưa được lấy ý kiến. “Coi khách hàng là thượng đế nhưng thượng đế gì mà có chuyện bắt trả bao nhiêu thì phải trả bấy nhiêu?”, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng đặt câu hỏi.
Từ thực tế này, ông Dũng cho rằng, “không thể không xử lý những vấn đề đang đặt ra”. Người ta không đi trên đường BOT thì không thể thu phí. Đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác là không thể được nên phải sửa ngay điều này vì dù có trả một đồng mà bất công thì người dân cũng không chịu. Phải dời trạm thu phí”, ông Dũng nói.
Cũng theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phải minh bạch chỗ nào mở rộng đường, chỗ nào xây mới để có cách thu phí hợp lý, chứ không thể có mức phí như nhau. Thêm vào đó, phải xem xét lại tất cả các hợp đồng BOT, “bởi anh nhân danh người dân, xã hội nhưng các cổ đông liên quan trực tiếp chưa có ý kiến thì phải được xem xét lại. Khoản chi phí nào bất hợp lý phải được hủy bỏ”.
Cho rằng điều đáng sợ hơn cả trong các dự án BOT hiện nay là tình trạng “nhóm lợi ích sân sau” khiến triệt tiêu các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm mất lòng tin của nhân dân với Nhà nước, Phó Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả Việt Nam Phạm Ngọc Hùng đề xuất các giải pháp để ngăn chặn nhóm lợi ích này. Theo ông, Nhà nước cần minh bạch từ khâu điều tra, lập dự án, công khai hoàn toàn dự án để người dân, các nhà khoa học thẩm tra, phản biện để dự án khả thi một cách công minh chính xác nhất. Bên cạnh đó, phải tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai, tuyệt đối không được chỉ định thầu; buộc các chủ đầu tư phải có ít nhất 70 – 80% vốn tự có để thi công, không được tính lãi vay ngân hàng vào giá thành…
Ngoài ra, để minh bạch, trong sạch các dự án BOT, đòi hỏi báo cáo tài chính của các nhà đầu tư và nhà thầu lớn phải có kiểm toán độc lập, có uy tín. Việc thẩm định khả năng tài chính của nhà đầu tư và các nhà thầu chính cần được thực hiện chặt chẽ, khách quan; loại bỏ chủ đầu tư và nhà thầu thiếu kinh nghiệm, năng lực tài chính. Đồng thời, áp dụng chế độ thu tự động để minh bạch lượng thu phí một cách chính xác sẽ tránh tình trạng người dân phản ứng về mức phí như thời gian qua.
Đan Thanh
—————————————–
Đại biểu Nhân dân 09-9-2017:
http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=395249
(166/1.366)