(VTC.vn) – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói phí BOT không ảnh hưởng đến người nghèo là không đúng, không thỏa đáng.
Thời gian vừa qua, các vụ việc tài xế dùng tiền lẻ để phản đối các trạm thu phí BOT diễn ra ngày một nhiều với quy mô ngày càng lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do các tài xế không đồng ý với giá vé quá cao của các trạm BOT và cho rằng một số trạm BOT đặt sai vị trí.
Ngày 7/9, phát biểu tại buổi tọa đàm Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng phí BOT không ảnh hưởng đến người nghèo.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng BOT không ảnh hưởng đến người nghèo. Ảnh: Zing
Phát biểu này của ông Kiên ngay lập tức vấp phải làn sóng chỉ trích của người dân cũng như các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực giao thông.
Trả lời VTC News về ý kiến này, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, ý kiến phí BOT không ảnh hưởng đến người nghèo là không đúng, không thỏa đáng.
Theo ông Liên, việc đầu tư BOT là chủ trương đúng. Khi đó, người dân được đi trên những con đường bóng loáng, tốc độ nhanh, đỡ tốn xăng dầu, không khí trong sạch.
Tuy nhiên hoạt động BOT không minh bạch làm méo mó chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, khiến người dân bức xúc, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, kể cả người nghèo lẫn người giàu.
“BOT chúng ta đã nói quá nhiều mà bây giờ vẫn phải làm hội thảo, phải tham gia ý kiến với Chính phủ. Nói BOT không ảnh hưởng đến người nghèo là không đúng, không thỏa đáng. Bởi BOT hiện đang ảnh hưởng theo kiểu dây chuyền đối với nhiều người kể cả giàu hay nghèo”, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nói.
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội.
Cùng quan điểm này, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ, khi muốn thực hiện các dự án BOT, nhà đầu tư chỉ lo “đặt gạch” làm sao vào được dự án là xong, còn vốn chủ yếu là Nhà nước và các ngân hàng lo.
“Ở Việt Nam, đầu tư BOT kiểu gì cũng lãi. Như có dự án, chủ đầu tư chỉ phải lo hơn 10% vốn, còn lại là vay ngân hàng, điều này làm méo mó nền kinh tế. Sau đó, nhà đầu tư lại tiếp tục chọn nhà thầu bằng phương pháp chỉ định và họ đưa ra chi phí càng cao càng tốt để kéo dài thời gian thu phí.
Cuối cùng người dân nghèo bao giờ cũng phải thua thiệt nhiều nhất bởi phí BOT sẽ tác động đến hàng hóa, dịch vụ”, ông Đức cho biết.
Bàn về vấn đề BOT ở nước ta hiện nay, tiến sĩ Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết BOT dùng vốn xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng, song ở nước ta tòa bộ quá trình đó được bảo mật, không cho người dân giám sát, cũng không có sự giám sát trực tiếp của Quốc hội hay Hội đồng nhân dân.
“Trạm BOT bất hợp lý tác động không nhỏ đến doanh nghiệp, người tiêu dùng và người nghèo. Chúng tôi sẽ kiến nghị lên Chính phủ giám sát, rà soát lại các dự án BOT cũng như việc thực hiện đấu thầu các dự án này”, ông Doanh cho hay.
TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ về những bất cập của BOT hiện nay.
Về việc dân dùng tiền lẻ phản đối trạm thu phí số 1 trên quốc 5 (Hưng Yên), ông Doanh đặt câu hỏi tại sao dự án này vay vốn của Ngân hàng Thế giới để xây dựng, người dân đã đóng chi phí xăng dầu, đường bộ, vậy tại sao lại thu phí ở tuyến quốc lộ này?
“Người dân ở quốc lộ 5 đưa con đi học buổi sáng cũng bị thu phí BOT. Việc này không ai chấp nhận cả. Đây là vấn đề về kinh tế, cạnh tranh quốc tế, vấn đề của xã hội cho nên cần nhận thức đúng”, ông Doanh cho biết.
NGỌC THẮNG
———————————-
VTC.vn (Xã hội) 09-9-2017:
(155/717)