(TBNH) – Phí đường cao, DN vận tải đổ vào vé xe khách, đổ vào cước vận tải, cước vận tính được tính vào giá hàng hóa, như vậy tác động của BOT là toàn xã hội vì làm giá cả hàng hóa tăng lên.
Người nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất
“BOT đang có nhiều điều không ổn, và nếu không xử lý sớm thì bất ổn sẽ xảy ra”, theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nói rằng: “BOT – ý tưởng xây dựng thì tích cực nhưng khi thực hiện thì lại đem lại tác động hết sức tiêu cực, thậm chí tai hại”.
Đây là những ý kiến phát biểu tại buổi Tọa đàm “Dự án BOT – Chính sách và giải pháp” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (Viện PLD) tổ chức sáng 8/9/2017. BOT đã trở thành vấn đề nóng và bức xúc, đã có nhiều cách phản ứng khác nhau ở nhiều trạm BOT, nơi thì biểu tình phản đối, nơi thì trả phí bằng tiền lẻ…
“Hệ lụy BOT đang dấy lên quan tâm và lo ngại về sự phát triển kinh tế gây tác động tới xã hội và đời sống người dân”, Luật sư Hoàng Ngọc Giao – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu.
Không thể phủ nhận BOT đã mang lại một bộ mặt mới cho giao thông đường bộ; từ khi có nhiều hơn những con đường BOT, lưu thông nhanh hơn. Tuy nhiên ở nhiều nơi BOT đang được triển khai không đúng với bản chất, không phải là làm thêm con đường mới mà chỉ là nâng cấp con đường đã có, chỉ có một con đường duy nhất không cho người dân lựa chọn.
Thậm chí, có những nơi đường BOT một nơi, đặt trạm thu phí ở trên quãng đường khác nên người dân không đi đường BOT vẫn phải trả phí BOT. Đã vậy, phí lại cao. “Thu phí BOT như kiểu trấn lột, người ta không đi trên đường BOT thì không thể thu phí. Đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác là không thể được. Dù chỉ trả một đồng thôi mà bất công người dân cũng không chịu”, ông Nguyễn Sỹ Dũng bức xúc.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, một xe chạy tuyến tính từ bến xe Nước Ngầm về Nam Định là 70 km mà mỗi tháng mất 18 triệu đồng tiền phí qua 2 trạm soát vé. Phí đường cao, DN vận tải đổ vào vé xe khách, đổ vào cước vận tải, cước vận tính được tính vào giá hàng hóa, như vậy tác động của BOT là toàn xã hội vì làm giá cả hàng hóa tăng lên.
Khi giá cả tăng, tính theo sức mua tương đương, người nghèo bị ảnh hưởng nhiều hơn người giàu, như vậy phí BOT cao, người dân nghèo bị trả giá nghiều nhất.
BOT: Kiểu gì cũng có lãi
Phân tích sâu về hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), Luật sư Nguyễn Tiến Lập -Trọng tài viên của VIAC khẳng định, đây là một giải pháp phù hợp khi quốc gia đối mặt với nợ công cao, quản trị công yếu kém, kết cấu hạ tầng lạc hậu và Chính phủ đối mặt với trách nhiệm duy trì tăng trưởng kinh tế và trách nhiệm giải trình. BOT là một giải pháp chính sách để thêm nguồn tài chính, tranh thủ công nghệ quản lý của tư nhân nhằm phát triển nhanh kết cấu hạ tầng có chất lượng, giảm áp lực về trách nhiệm giải trình trực tiếp.
Như vậy, để được làm dự án BOT, mấu chốt là có tiền, có kinh nghiệm, có công nghệ. Nhưng ở Việt Nam “có thể không có gì cũng có thể làm BOT, cách thức hiện nay làm cho đầu tư BOT “kiểu gì cũng lãi”, siêu lợi nhuận… vì thế “nhà đầu tư chỉ lo “đặt gạch” làm sao vào được dự án là xong”, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết và theo ông: “BOT đang bóp chết nền kinh tế và doanh nghiệp, dồn gánh nặng chi phí lên người dân”.
Đã vậy luật pháp thoáng đến mức Bộ GTVT, tỉnh có thể ủy quyền cho UBND các quận, huyện ký hợp đồng BOT với chủ đầu có tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Nhu cầu vốn cho phát triển hạ tầng giai đoạn 2016-2020 là 480 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn cho hạ tầng đường bộ là 11 tỷ USD. Chính phủ chủ trương ưu tiên đẩy mạnh hình thức hợp tác công – ty trong lĩnh vực hạ tầng nhằm huy động được 40 tỷ USD. Hiện có khoảng 100 dự án đường bộ đang triển khai thuộc quản lý của Bộ GTVT, trong đó có 62 dự án BOT đường bộ với số vốn khoảng 8,5 tỷ USD.
Gần đây các dự án BOT hạ tầng đường bộ được đẩy mạnh vì mục tiêu cải thiện công nghệ quản lý và hạ tầng chất lượng cao nhưng “không hoàn toàn đạt được” mà lại còn tăng nguy cơ tham nhũng, theo luật sư Lập.
“Đầu tư BOT là tốt, DN và người dân sướng vì có đường cao tốc để đi, nhưng những bất cập hiện nay đang làm méo mó chủ trương tốt”, ông Liên nói.
Quang Linh
——————————————————————
Thời báo Ngân hàng (Bất động sản) 09-9-2017:
http://thoibaonganhang.vn/bot-bat-cap-lam-meo-mo-chu-truong-tot-67337.html
(102/986)