(TBNH) – Việc ban hành nghị định để hướng dẫn quy định về độc quyền Nhà nước là hoàn toàn khả thi và trở nên cấp bách vì các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về độc quyền Nhà nước đã được thể hiện rõ ràng và nhất quán.
Tờ trình và bản Dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại gửi tới phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 vừa qua đột ngột nhận được nhiều phản biện trái chiều.
Theo cơ quan soạn thảo, đến thời điểm hiện nay, việc ban hành nghị định để hướng dẫn quy định về độc quyền Nhà nước là hoàn toàn khả thi và trở nên cấp bách vì các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về độc quyền Nhà nước đã được thể hiện rõ ràng và nhất quán.
Nghị định được xây dựng nhằm cụ thể hóa Khoản 4 Điều 6 Luật Thương mại 2005 về “Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia”.
Hơn nữa, ban hành nghị định này sẽ lấp được khoảng trống pháp lý mà các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến độc quyền Nhà nước đã được ban hành chưa thể hiện được, góp phần nâng cao tính minh bạch, thống nhất và đầy đủ của hệ thống pháp luật về độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại.
Nghị định còn góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và tăng cường tính minh bạch trong hệ thống pháp luật để thực hiện các nội dung có liên quan tại các điều ước quốc tế, nâng cao uy tín của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và còn tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện bảo lưu quyền khi thực hiện các cam kết quốc tế mở cửa thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, gần như ngay lập tức đã gặp phải một số những phản ứng mạnh mẽ. Nhiều quan điểm phản biện cho rằng trong lúc Chính phủ đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế thị trường thì một số nội dung tại dự thảo đi ngược lại những nỗ lực của 30 năm đổi mới vừa qua.
“Lúc này mà lại có nghị định về độc quyền Nhà nước trong thương mại là hỏng rồi”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bức xúc nhận xét.
Ông Cung thậm chí cho rằng Dự thảo là phản thị trường, cản trở cạnh tranh, phản cải cách. “Trong bối cảnh hiện nay, không thể có một nghị định để nói là cái gì Nhà nước độc quyền, bởi như thế là phản logic ngay từ đầu. Những quy định trong Luật Thương mại đã lỗi thời thì phải loại bỏ, phải thay đổi”, ông Cung nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng chia sẻ sự bất bình của ông Cung. Ông Đức nhắc lại, theo Khoản 4, Điều 6 Luật Thương mại: Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước.
Tuy nhiên ông cho rằng, đến nay cần phải nhanh chóng tiến tới chấm dứt thời hạn độc quyền nêu trên, vì đã chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường 30 năm và đặc biệt là để thực hiện những quy định mới về quyền tự do kinh doanh của Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư và Luật DN mới.
“Cần phải hiểu tinh thần của độc quyền Nhà nước không phải là đặc quyền, mà là trách nhiệm của Nhà nước phải độc quyền trong một số trường hợp đặc biệt để chống việc tư nhân độc quyền làm ảnh hưởng xấu đến thị trường. Thời điểm này, Nhà nước cần dứt khoát trả lại quyền kinh doanh cho thị trường, thực hiện triệt để, nghiêm túc Luật Cạnh tranh về chống độc quyền”, ông Đức nói.
Đi vào chi tiết các lĩnh vực độc quyền Nhà nước, liên quan đến Danh mục 20 loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước kèm theo Dự thảo, luật sư Đức cho rằng những loại hàng hóa dịch vụ đặc biệt như phục vụ quốc phòng an ninh, vật liệu nổ công nghiệp, vàng miếng, vàng nguyên liệu, hoạt động dự trữ quốc gia, hệ thống điện quốc gia, bảo đảm hoạt động bay… thì không cần quy định độc quyền, vì đã theo điều kiện kinh doanh, DN ngoài Nhà nước không thể “chen chân vào”.
Còn lại, có một số dịch vụ như nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà, quản lý công trình thủy lợi thủy nông liên tỉnh liên huyện…cần mở ngay cho tư nhân thì mới có ngày Nhà nước rút lui được, DN tư nhân mới thay thế Nhà nước. “Có như thế mới được thế giới công nhận nền kinh tế thị trường”, ông Đức lưu ý thêm.
Ngọc Linh
————–
Thời báo Ngân hàng (Doanh nghiệp, doanh nhân) 08-02-2017:
http://thoibaonganhang.vn/tra-lai-quyen-kinh-doanh-cho-thi-truong-59076.html
(375/925)