(C&C) – “Chúng tôi là đối tượng bị tác động của BOT, tác động trực tiếp nên chúng tôi “thấm đòn” – Chủ tịch hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên chia sẻ.
Ông Liên nhận định thêm: “Có người nói rằng, BOT không tác động đến người nghèo là không thỏa đáng. Họ cho rằng người nghèo đi xe máy nhưng nói thế là trái luật bởi trên đường cao tốc cấm đi xe máy, đi được gần thôi chứ từ đây vào Nghệ An, Hà Tĩnh không thể đi xe máy được nên buộc phải đi ô tô”.
Tài xế bỏ tiền lẻ vào chai nhựa phản đối việc thu phí. “Do đó, tác động của BOT lên toàn xã hội, làm cho giá cước vận tải, hàng hóa tăng, làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Câu nói đó chả khác gì bộ Tài chính nói tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến người nghèo. Tôi cho rằng các nhà quản lý, chuyên gia cần xem xét hết sức cẩn trọng khi phát biểu với dân, với công luận xã hội những chính kiến đưa ra sao cho thỏa đáng”.
Ông Bùi Danh Liên còn cho biết, vì ở ngành giao thông vận tải nên ông đã nói rất nhiều với lãnh đạo Bộ. “Có những lúc trước cuộc hội thảo tôi đã nói với anh Trường (ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng bộ GTVT) rằng: Thôi nhận đi! Sửa đi anh ạ! Chứ cứ chối mãi thì sóng phản đối ngày càng dâng lên, nhưng rồi vẫn không khắc phục được”, ông Liên dẫn chứng.
Cũng nêu quan điểm về vấn đề trên, luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay, những hệ lụy mà các dự án BOT giao thông mang lại chính người dân nghèo cũng bị trả giá, thậm chí phải trả giá nhiều nhất.
“Khi mà biến động, giá cả tăng, chi phí tăng hay bất ổn xã hội, người nghèo bao giờ cũng bất lợi nhất vì một đồng của người ta khi nói sức mua tương đương phải bằng nhiều tỷ của người giàu. Người giàu mất một tỷ không là gì, người nghèo mất một đồng là thảm hại”, luật sư Đức nói.
THIÊN DI (Người đưa tin)
———————————————-
Cung & Cầu (Thời sự) 12-9-2017:
(123/416)