(LĐ) – 12 dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng mỗi dự án sẽ có nguy cơ thiệt hại hơn nữa nếu chậm trong xử lý. Cho đến thời điểm này, với sự vào cuộc của Chính phủ, Bộ Công Thương đang gấp rút yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo kết quả xử lý và đề xuất phương án, hạn trong tháng 2 sẽ có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Nhà máy đạm Ninh Bình là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỉ, đầu năm 2017 đã khôi phục sản xuất trở lại.
Những “xác chết biết đi”
Theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Chính phủ về xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án nghìn tỉ thuộc các doanh nghiệp do ngành công thương quản lý, Bộ Công Thương đã yêu cầu Vụ Kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo cho bộ trước ngày 10.2.2017 về 12 dự án kém hiệu quả, có nguy cơ đóng cửa, phá sản, bao gồm Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, Đạm Hà Bắc, Đạm DAP Lào Cai, DAP Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, TS Lê Đình Ân – nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo kinh tế – xã hội (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – chỉ ra: Đây là bài học sâu sắc cho công tác hoạch định chiến lược, chủ trương đầu tư nhưng không chú trọng đến hiệu quả, không dự báo dài hạn các yếu tố tác động đến dự án để xảy ra tình trạng dự án vừa đi vào hoạt động đã thua lỗ (như Gang thép Thái Nguyên), thậm chí có dự án thua lỗ nặng nề ngay trong quá trình xây dựng buộc phải đóng cửa (3 dự án nhiên liệu sinh học Ethanol)…
TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (Bộ KHĐT) – gọi những dự án thua lỗ nghìn tỉ này là “những xác chết biết đi”. Ông ví von, với những “xác chết biết đi” này, rõ ràng, cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương cũng phải có trách nhiệm. Cần có sự phân loại rõ ràng để “cứu”, với những dự án còn “cứu” được thì dứt khoát phải tìm nhà đầu tư bán phần vốn nhà nước, chuyển đổi chủ sở hữu để hoạt động hiệu quả, còn với những dự án thua lỗ mất vốn thì buộc phải “đem bán và đem chôn”… Đây là vốn nhà nước, là tiền thuế của dân, phải chỉ ra đích danh cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm chứ không thể nói lỗ là “hòa cả làng”.
Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ vốn đầu tư 2.484 tỉ đồng đang thua lỗ nặng nề. |
3 nhóm giải pháp để xử lý
TS Nguyễn Minh Phong – một chuyên gia kinh tế – rất thống nhất với quan điểm: Cần làm ngay là tiến hành rà soát lại các một cách nghiêm túc và khách quan cả 12 dự án. “Đặt lên bàn cân” tất cả các nguyên nhân, bóc tách, làm rõ đâu là nguyên nhân khách quan, chủ quan, đâu là trách nhiệm thuộc tập thể và cá nhân; đặc biệt, cần làm rõ sự cần thiết và đánh giá tác động hai mặt của dự án, từ đó đưa ra các phương án xử lý, giải quyết phù hợp; tập trung vào các giải pháp xử lý hiệu quả và khả thi nhất về tài chính, thị trường và quản trị doanh nghiệp. Theo đó, ông chia 12 dự án thành 3 nhóm khác nhau theo cấp độ cần thiết để xử lý:
Thứ nhất, nhóm quan trọng, nên duy trì, nhưng chuyển dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất theo cơ chế kết hợp kinh tế với quốc phòng, trước mắt giao cho quân đội quản lý, đồng thời chuyển đổi mục đích đầu tư và cơ chế quản lý dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2) sang thực hiện chủ yếu sản xuất thép đặc chủng, chuyên cung cấp cho đóng tàu, chế tạo vũ khí, thiết bị quân sự và tàu cá biển lớn, cũng như thép cao cấp phục vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển đáp ứng nhu cầu đóng tàu vươn khơi hiện đang nóng và những ngành công nghiệp cơ khí chế tạo và hỗ trợ có nhu cầu ngày càng cao, có triển vọng
xuất khẩu.
Thứ hai, nhóm cần thiết, đối với các dự án về sản xuất đạm và nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol thì xử lý theo những nguyên nhân cụ thể, với tinh thần tiếp tục duy trì, thúc đẩy cổ phần hóa và đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện hoạt động của chúng, đáp ứng nhu cầu tương lai ngày càng tăng của đất nước, tiến tới xuất khẩu.
Thứ ba, nhóm linh hoạt, với các dự án khác có thể linh hoạt xử lý cụ thể theo từng dự án đúng tinh thần bảo đảm cơ chế thị trường và không để thất thoát tài sản quốc gia, khuyến khích thực hiện cổ phần hóa và các hoạt động M&A, thậm chí cho phá sản hoàn toàn theo kiểu “thà đau một lần còn hơn kéo dài”, gây lãng phí nguồn lực quốc gia…
Đồng tình với giải pháp phân loại để xử lý, TS Lê Đình Ân nhấn mạnh vẫn cần phải tính toán đến sự cần thiết trong dài hạn, không vì nể nang mà “cứu” những dự án không hiệu quả rồi một vài năm sau lại phải gánh. Với những dự án đã vực dậy cần có biện pháp chuyển đổi công nghệ phù hợp, tái cơ cấu đầu tư và chuyển đổi chủ sở hữu để thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp. “Về lâu dài, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và đổi mới cơ chế quản lý nhằm siết chặt kỷ cương và nâng cao chất lượng quản lý đầu tư công, chống các hành vi lạm dụng, cơ hội chủ nghĩa và tham nhũng chính sách trong quản lý các hoạt động đầu tư công nói riêng, quản lý kinh tế nhà nước nói chung, ngăn chặn ngay từ đầu không cho phép lặp lại và “đẻ thêm” những dự án thua lỗ nghìn tỉ kiểu như vậy” – TS Nguyễn Minh Phong chốt lại.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI: “Cơ hội để rút vốn nhà nước ra khỏi các dự án”
Theo tôi, đối với các dự án thua lỗ, mất vốn, không có khả năng trả được nợ, càng làm càng lỗ thì giải pháp tối ưu là Nhà nước nên thoái hết vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp, không nên trì hoãn việc rút vốn. Hướng cứu các DN này tốt nhất là cần tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thay đổi chủ sở hữu đồng thời với việc thay đổi cách thức quản lý chắc chắn sẽ hiệu quả hơn, từ đó, chấm dứt dần thua lỗ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: “Bộ Công Thương sẽ sớm có báo cáo trình Thủ tướng về xử lý các DN thua lỗ”
Đến thời điểm này, Bộ Công Thương vẫn đang tích cực chỉ đạo, đôn đốc các tập đoàn, TCty gửi báo cáo kết quả rà soát, xử lý đối với các dự án thua lỗ về bộ. Chậm nhất là trong tháng 2, bộ sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Song song với việc này, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương cũng yêu cầu các tập đoàn, TCty tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân/tổ chức đối với các dự án. Bộ sẽ xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, không bao che, dung túng. Q.T
12 dự án nghìn tỉ thua lỗ
1- Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2: Quy mô đầu tư 8.104 tỉ đồng, được Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) thực hiện xây dựng năm 2008. Sau gần một thập kỷ xây dựng, hiện nhà máy đang “đắp chiếu”, và nhà thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đã bỏ về nước.
2- Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất: Với tổng vốn gần 1.900 tỉ đồng, đưa vào vận hành thương mại vào tháng 2.2012, nhưng đến nay, nhà máy không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn.
3- Nhà máy đạm Ninh Bình được đầu tư tại Khu CN Ninh Phúc (tỉnh Ninh Bình) với tổng vốn đầu tư tới 667 triệu USD (thời giá lúc đó khoảng 10.673 tỉ đồng). Đến năm 2012, Nhà máy sản xuất phân đạm urê (còn gọi là Nhà máy đạm Ninh Bình) đi vào hoạt động nhưng liên tiếp gặp khó khăn. Tổng mức lỗ tới tháng 9.2016 đã lên tới trên 2.000 tỉ đồng.
4- Nhà máy đạm Hà Bắc: Hiện giá than tăng tới gần 100% so với thời điểm tính toán hiệu quả dự án vào năm 2009 đã khiến nhà máy điêu đứng. Đến nay, chỉ tính riêng 3 khoản phát sinh tăng thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ (101 tỉ đồng), chênh lệch tỉ giá (187 tỉ đồng) và chi phí cho than tăng (620 tỉ đồng), tổng cộng chi phí tăng thêm của đạm Hà Bắc lên tới 908 tỉ đồng.
5- Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam: Tổng số vốn đã giải ngân cho dự án là 2.999 tỉ đồng. Được biết, phương án bán Nhà máy bột giấy Phương Nam với giá… 0 đồng như hàng kèm theo khi tiến hành bán Vinapaco cũng đã được tính tới.
6- DAP Lào Cai: Đến hết tháng 6.2016, Đạm Lào Cai đã lỗ 281 tỉ đồng.
7- DAP Hải Phòng: Tính đến 30.9.2016 đang có khoản lỗ lũy kế gần 321 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn gần 1.145 tỉ đồng. Nợ vay tài chính đang ở mức 817 tỉ đồng, gồm gần 682 tỉ đồng nợ vay ngắn hạn và gần 135,4 tỉ đồng nợ vay dài hạn.
8-9: Dự án ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ: Sau khi thực hiện xong dự án, các nhà máy đi vào hoạt động đều thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại. Dự án Bình Phước có tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.492,65 tỉ đồng nhưng vốn đầu tư đã sử dụng đến thời điểm thanh tra là tháng 11.2014 lên tới 1.742,76 tỉ đồng..
10- Nhà máy đóng tàu Dung Quất: Gánh khoản lỗ luỹ kế hơn 3.674 tỉ đồng, trong đó lỗ phát sinh giai đoạn từ 1.7.2010 – 30.6.2016 là 2.438,9 tỉ đồng.
11- Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai: Ước tính lỗ 650 tỉ đồng.
12- Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ: Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà máy thua lỗ hơn 1.472 tỉ đồng. Do lỗ nặng, đến cuối năm 2015 thì dừng hoạt động. T.CHÍ
HỒNG QUÂN – M.PHONG
————————————
Lao động (Kinh tế) 10-02-2017:
(114/2.071)