(TT) – Bộ Công thương khẳng định việc Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu lượng lớn cổ phần tại Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang có từ trước khi được bổ nhiệm thứ trưởng và đã thực hiện đúng quy định kê khai tài sản.
Bà Hồ Thị Kim Thoa trả lời báo chí trong một cuộc triển lãm trước biển hiệu của Điện Quang – Ảnh: Anh Đức |
Ngày 10-2, báo Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi tới Vụ Tổ chức cán bộ và văn phòng Bộ Công thương về tính hợp lý, minh bạch và nguồn gốc tài sản là vốn cổ phần có trị giá hàng trăm tỉ đồng mà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và gia đình sở hữu tại Công ty Điện Quang.
Nắm vốn trước khi được bổ nhiệm thứ trưởng
Chiều 10-2, thông báo phát đi của Bộ Công thương cho biết hiện Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đã đề nghị Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và các đơn vị liên quan có báo cáo. Theo đó, khẳng định số cổ phần mà bà Thoa nắm giữ là từ trước khi được bổ nhiệm thứ trưởng vào năm 2010.
Trước khi được bổ nhiệm làm thứ trưởng, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có 18 năm công tác tại Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang. Từ năm 2000 đến 2005 bà Thoa giữ chức bí thư đảng ủy, tổng giám đốc công ty; từ năm 2005 đến 2010 là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty.
Bộ Công thương khẳng định việc nắm giữ cổ phần tại Công ty Điện Quang đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm thứ trưởng vào năm 2009. Bộ này cũng khẳng định vấn đề này đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định bổ nhiệm thứ trưởng đối với bà Thoa.
Bộ Công thương cũng nhấn mạnh trong quá trình công tác, bộ đã chỉ đạo đối với Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa thực hiện đúng quy định về quản lý cán bộ và kê khai tài sản. “Trong các bản kê khai tài sản hằng năm, Thứ trưởng Thoa đều kê khai số lượng cổ phiếu đang nắm giữ tại Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang” – bộ này khẳng định.
Sở hữu bao nhiêu cổ phiếu?
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Điện Quang lên sàn chứng khoán vào tháng 2-2008. Trong bản cáo bạch công bố trước khi lên sàn vào tháng 11-2007, bà Thoa giữ chức tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT Điện Quang, vốn điều lệ công ty 157,17 tỉ đồng, tương ứng 15,717 triệu cổ phiếu, trong đó có 15,434 triệu cổ phiếu được lưu hành dưới dạng phổ thông.
Tại thời điểm này, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC – là cổ đông nhà nước) chỉ còn chiếm tỉ lệ 20,77%, cổ đông ngoài công ty là 60,71% và cổ đông trong công ty giữ tỉ lệ 18,52%.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, đến tháng 12-2009 (trước khi bà Thoa được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Công thương – PV), cá nhân bà Thoa đã sở hữu gần 858.000 cổ phiếu.
Đến tháng 11-2010 (lúc này bà Thoa đã được bổ nhiệm làm thứ trưởng – PV), số cổ phiếu của bà Thoa tăng lên xấp xỉ 1,16 triệu cổ phiếu (làm tròn) do cổ tức được chia cho năm 2009 mà Điện Quang chi cổ đông lên đến 30%.
Và kể từ thời điểm lên sàn cho đến nay, hằng năm Điện Quang đều chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu cho cổ đông. Tính đến tháng 10-2016, số cổ phiếu lũy kế mà bà Thoa sở hữu đã lên đến 1.686.415 cổ phiếu.
Đóng cửa giao dịch ngày 10-2, cổ phiếu Điện Quang (mã CK DQC) đứng ở mức giá 54.000 đồng/CP.
Trong suốt thời gian được bổ nhiệm làm thứ trưởng cho đến nay, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM không ghi nhận bất kỳ giao dịch mua bán cổ phiếu Điện Quang nào mà bà Thoa đang sở hữu.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa – Ảnh: T.V.N. |
Tại sao có số tài sản lớn?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Ngô Minh Hải – phó trưởng ban Câu lạc bộ doanh nghiệp nhà nước (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) – cho rằng thông tin được Bộ Công thương đưa ra “không đi đến tận cùng” của sự việc, khi còn nhiều vấn đề thiếu tính minh bạch đối với việc Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu lượng tài sản khủng tại doanh nghiệp này.
Trong đó, có hai vấn đề được ông Hải đặt ra. Trước hết là nguồn gốc tài sản được Bộ Công thương xác nhận là có từ trước khi bà Thoa được bổ nhiệm làm thứ trưởng, nhưng đã được xác minh rõ tính minh bạch hay chưa? Bởi vì Công ty Điện Quang đã cổ phần hóa vào năm 2005 – cũng là thời điểm bà Thoa nắm giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Theo ông Hải, nếu quá trình cổ phần hóa không được thực hiện nghiêm túc, giám sát kỹ lưỡng có thể dẫn tới trường hợp lợi dụng chức quyền, “nhập nhằng” mua đi bán lại cổ phiếu để nắm giữ quyền kiểm soát. Như vậy, có thể dẫn tới việc gây thất thoát vốn nhà nước, rơi vào nhóm đặc quyền, đặc lợi.
Do đó, trong trường hợp bà Thoa từ vai trò là bí thư đảng ủy, tổng giám đốc, tiếp đến là chủ tịch HĐQT Công ty Điện Quang có tài sản được hình thành từ trước khi bổ nhiệm làm thứ trưởng, ông Hải cho rằng sẽ khiến dư luận đặt ra dấu hỏi là “tại sao lại có tài sản lớn như vậy?” và “liệu có vấn đề lợi dụng cổ phần hóa để sở hữu cổ phần?”.
Nhiều vấn đề chưa rõ ràng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một nhà quản lý lâu năm trong lĩnh vực chứng khoán cho biết theo quy định pháp luật hiện nay không cấm việc cán bộ, công chức mua cổ phần tại các doanh nghiệp cổ phần hóa.
Tuy nhiên, với trường hợp một cán bộ đảm nhiệm các chức vụ tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT và được bổ nhiệm làm thứ trưởng thì phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình cổ phần hóa.
Câu hỏi thứ hai được ông Hải nêu ra là khi ở vị trí thứ trưởng Bộ Công thương, mặc dù sở hữu lượng lớn cổ phần tại Công ty Điện Quang nhưng tại sao bà Thoa vẫn được Bộ Công thương phân công quản lý chính lĩnh vực có liên quan đến công ty này? (Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa từng được phân công chỉ đạo ngành công nghiệp nhẹ – PV).
Theo ông Hải, việc một cán bộ nhà nước và người nhà sở hữu lượng lớn cổ phần tại doanh nghiệp, nhưng lại đồng thời nắm vai trò quản lý lĩnh vực liên quan sẽ có nguy cơ tạo nên đặc quyền, đặc lợi cho doanh nghiệp trên thị trường. Như vậy, có thể sẽ tạo ra sự thiếu minh bạch và thiếu công bằng với doanh nghiệp khác trên thị trường.
LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI – Trung tâm Trọng tài quốc tế – cho rằng nếu một cán bộ lãnh đạo vừa quản lý, vừa nắm cổ phần lớn tại doanh nghiệp, và người nhà lại nắm giữ các vị trí chủ chốt, tức là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Do đó, với trường hợp này cần phải xem thời điểm bổ nhiệm các thành viên trong gia đình bà Thoa, làm căn cứ để xem xét có hay không việc vi phạm quy định tại Luật doanh nghiệp, Luật phòng chống tham nhũng.
Khiển trách bà Hồ Thị Kim Thoa liên quan công tác cán bộ Ngày 21-1, Thủ tướng đã ký văn bản thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa vì vi phạm liên quan tới công tác cán bộ tại Bộ Công thương. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, bà Thoa có phần trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016. Cá nhân bà Thoa có vi phạm, khuyết điểm trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh trái quy định; thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định khi ký quyết định. |
Cả gia đình sở hữu hơn 718 tỉ đồng Theo báo cáo quản trị doanh nghiệp của Công ty CP bóng đèn Điện Quang (mã chứng khoán: DQC), tính đến ngày 30-11-2016, bà Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ 1.686.415 cổ phiếu DQC, tương đương 4,91% vốn, với giá trị ước tính trên 100 tỉ đồng. Mặc dù không nằm trong nhóm cổ đông lớn nhưng với lượng cổ phiếu đang nắm giữ, bà Thoa vẫn đứng vị trí thứ 6 trong nhóm cổ đông. Con gái lớn của bà Thoa là Nguyễn Thái Nga đang giữ chức phó tổng giám đốc DQC từ tháng 6-2013 đến nay. Bà Nga sở hữu 4,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ sở hữu là 12,01%. Con gái thứ hai của bà Thoa là Nguyễn Thái Quỳnh Lê nắm giữ hơn 2,23 triệu cổ phiếu, tương đương 6,49%. Em trai của bà Thoa là ông Hồ Quỳnh Hưng (hiện là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty) sở hữu hơn 2,5 triệu cổ phiếu DQC, tương đương tỉ lệ 7,33%. Ngoài ra, các thành viên khác trong gia đình như bà Nguyễn Thị Mỹ Xuân (mẹ) nắm giữ 1,22 triệu cổ phiếu, tương đương 3,83%. Như vậy, với việc nắm giữ lượng cổ phiếu lớn của DQC, gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu khối tài sản lên tới hơn 718 tỉ đồng. |
NGỌC AN – TRẦN VŨ nghi
——————–
Tuổi trẻ (Chính trị – Xã hội) 11-02-2017:
(94/1.740)