1.506. Bà Phạm Chi Lan ‘truy’ Bộ Tài chính về cách đánh giá tác động khi tăng thuế VAT

(MTG) – “Bộ Tài chính chưa nói được tác động thế nào? Tăng thu ngân sách thêm bao nhiêu? Tăng thu có bền vững không hay chỉ cho mấy năm đầu rồi điều chỉnh tiếp? Tác động với các ngành, với nền kinh tế như nào?“, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu quan điểm về việc sửa đổi 5 luật thuế của Bộ Tài chính

Tại hội thảo về đề xuất sửa đổi một số điều của 5 luật thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14.9, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ nghi vấn với cách đánh giá tác động của việc tăng thuế lần này. “Bộ Tài chính chưa nói được tác động thế nào? Tăng thu ngân sách thêm bao nhiêu? Tăng thu có bền vững không hay chỉ cho mấy năm đầu rồi điều chỉnh tiếp? Tác động với các ngành, với nền kinh tế như nào?”, bà Phạm Chi Lan nói.

Bà Lan cũng cho rằng, Nghị quyết 07 nói nhiều về ngân sách. Tuy nhiên, cân đối ngân sách không chỉ dựa trên nguồn thu. Tạo ra bội chi ngân sách là do chi tiêu, đầu tư bất hợp lý. “Nếu chúng ta chỉ tính đến khía cạnh thu của ngân sách thôi thì không đủ”, bà nhận định.

“Chiến lược thuế 2011-2020 được đề ra từ lâu nhưng đến nay không rõ có còn hợp lý hay không nhưng chúng ta vẫn bám lấy. Tôi cho rằng cần phải xem lại. Chính sách thuế ưu đãi quá nhiều với một số đối tượng mà đối tượng đó lại gây hại chứ không phải mang lại lợi ích cho nền kinh tế”, bà Lan nói thêm.

Theo bà Phạm Chi Lan, việc đánh giá tác động của việc sửa 5 luật thuế này nếu do Bộ Tài chính thực hiện thì khó đảm bảo tính khách quan. “Đánh giá tác động phải do những đơn vị độc lập làm, chứ hiện nay anh chỉ nhằm tăng thu mà nói tác động thì không thể nào khách quan được”.

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho rằng việc sửa đổi, điều chỉnh 5 luật thuế lần này sẽ có tác động rất lớn nhưng Bộ Tài chính chưa đánh giá được tác động của việc điều chỉnh đến nền kinh tế.

“Nếu luật được ban hành sẽ khiến giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường tăng 12%, ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chi phí sản xuất sản phẩm sẽ tăng lên do mức thuế VAT áp dụng cho đường. Tất cả những yếu tố này sẽ gây ra hệ lụy như: tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm, giảm doanh thu kéo dài có thể sẽ làm giảm lao động… Đối tượng chịu ảnh hướng lớn nhất từ việc thay đổi này chính là các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Vỵ nói.

Theo vị này, Bộ Tài chính đưa ra 3 cơ sở để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt: cơ cấu lại thuế để tăng ngân sách, phù hợp với xu hướng quốc tế và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cụ thể là bệnh béo phì và tiểu đường. “Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng chưa được chứng minh 1 cách khoa học việc “liệu nước ngọt có phải là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường và béo phì không và liệu áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có làm giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường hay không?”, ông nói.

Bày tỏ ý kiến, ông Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh là để điều tiết tiêu dùng nhưng thực chất là hạn chế tiêu dùng, không khuyến khích tiêu dùng. 

“Cần xem xét lại lý do của việc điều tiết, hạn chế tiêu dùng, vì nguy hiểm, độc hại hay vì xa xỉ, lãng phí… hay lý do gì khác. Nếu như vì độc hại thì đã đánh thuế bảo vệ môi trường. Do vậy, xăng các loại vừa bị đánh thuế bảo vệ môi trường, vừa bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý. Nếu vì xa xỉ hay lãng phí thì chỉ phù hợp đối với nền kinh tế bao cấp ngày xưa chứ không phù hợp với kinh tế thị trường, khuyến khích tự do sản xuất, kinh doanh đồng thời với việc khuyến mại, khuyến khích tiêu dùng”, ông Đức nói.

Đồng tình với nhận xét này, ông Nguyễn Hồng Huy (Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam) cho rằng đối với đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng thì cần cân nhắc kỹ, bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đến mọi loại hàng hóa. Còn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt thì cơ quan soạn thảo phải chứng minh nó gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Hoài Phong

——————

Một thế giới (Tài chính – Đầu tư) 14-9-2017:

http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/ba-pham-chi-lan-truy-bo-tai-chinh-ve-cach-danh-gia-tac-dong-khi-tang-thue-vat-71500.html

(165/916)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,925