(ĐBND) – Tại hội thảo Góp ý đề xuất sửa đổi một số điều của 5 luật thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng qua, các đại biểu cho rằng, dự luật này sẽ có tác động tới toàn xã hội. Do đó, việc đánh giá cần cụ thể, nếu chỉ nhằm mục đích giải đáp khía cạnh thu là không đủ mà cần tính toán trong tổng thể bài toán thu – chi ngân sách.
Hơn 30 nhóm chính sách tác động tới doanh nghiệp
Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhìn nhận, với việc sửa đổi 5 luật thuế lần này (gồm thuế giá trị gia tăng – VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên) theo dự thảo đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, “có ít nhất hơn 30 nhóm chính sách tác động tới các doanh nghiệp”, như trong lĩnh vực bất động sản, ô tô, đồ uống, ngân hàng, kể cả doanh nghiệp tư vấn thuế và đại lý thuế… Do đó, dự thảo sẽ tác động tới đông đảo người dân. Rõ ràng, “áp lực của Bộ Tài chính là có thật và cộng đồng kinh doanh cũng chia sẻ với những áp lực này”, ông Tuấn bày tỏ.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính Trương Bá Tuấn – thành viên ban soạn thảo dự luật sửa đổi 5 luật về thuế viện dẫn 3 lý do sửa đổi: Đó là nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước; thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế; khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này đã không nhận được sự đồng tình của giới chuyên gia cũng như đại diện doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi với đại diện Bộ Tài chính: Khi soạn thảo dự luật này, Bộ Tài chính đã đánh giá tác động thế nào? Có lường được hết những tác động mà dự thảo gây ra không? Đến nay vẫn chưa biết kết quả tăng thu ngân sách bao nhiêu, việc tăng thu có bền vững không hay cứ liên tục điều chỉnh? Những điều chỉnh này có phù hợp với chính sách phát triển các ngành không?
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Tiến Vỵ cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh 5 luật thuế lần này có tác động rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại chưa đánh giá được tác động của việc điều chỉnh, sửa đổi với toàn bộ nền kinh tế. “Thay đổi các chính sách về thuế đều có tác động đến doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bia, rượu, nước giải khát nói riêng. Tuy nhiên, báo cáo giải trình của Bộ Tài chính về dự luật này chưa trả lời được câu hỏi là sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế? Nhà nước được lợi và “bị hại” như thế nào nếu thông qua luật thuế này?”, ông Vỵ bày tỏ.
Tuy nhiên, vấn đề là cơ quan nào sẽ đứng ra đánh giá tác động do dự luật gây ra? Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sẽ không thể khách quan nếu Bộ Tài chính “vừa đá bóng vừa thổi còi”. “Tôi không chờ đợi chính cơ quan đưa ra văn bản đó đánh giá tác động, mà cần có đơn vị khách quan để đánh giá hai chiều. Bởi đối tượng của chính sách này là cả cộng đồng rộng lớn, nếu một “anh” chỉ nhằm tăng thu mà đi đánh giá tác động thì không thể nào khách quan được!”, bà Lan thẳng thắn.
Cần bảo đảm tính thống nhất
Một trong những căn cứ để điều chỉnh 5 luật thuế lần này là nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về thuế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ý nghi ngại bởi trên thực tế, hệ thống pháp luật về thuế không chỉ có 5 luật thuế này.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phân tích, cùng với 5 luật về thuế được sửa đổi lần này, còn có 5 luật khác về thuế như Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Quản lý thuế. Ngoài ra có thể còn có Luật Thuế tài sản. “26 năm trước, Pháp lệnh Thuế nhà đất năm 1991 đã từng quy định thu thuế đối với tài sản là nhà đất (thuế suất 0,3% giá tính thuế/năm đối với nhà và 0,5% giá trị thuế/năm đối với đất), nhưng sau đó đã dừng thi hành. Vì vậy, cần nghiên cứu phương án soạn thảo một bộ luật thuế chung”, ông Đức kiến nghị.
Theo các chuyên gia, để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về thuế, việc sửa đổi các luật thuế cần bảo đảm tính ổn định. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ trong việc điều chỉnh lần này. Đơn cử, trong dự thảo, với Luật Thuế VAT quy định sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác thuộc đối tượng không chịu thuế VAT. Trong khi đó, theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13: Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có khung thuế xuất khẩu 5% đến 20%. Yêu cầu đặt ra là cũng cần xem xét, sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cho tương thích với dự thảo.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bổ sung, bên cạnh thuế, các khoản phí hiện nay còn rất nhiều, là gánh nặng của doanh nghiệp. “Bộ Tài chính có nhiệm vụ quản lý cả vấn đề thu, chi thì không thể tách riêng từng phần như việc chỉ tìm cách để tăng thu. Như vậy là dồn hết gánh nặng lên người nộp thuế. Bộ Tài chính cần tính toán đến việc chi làm sao cho hiệu quả. Bởi vấn đề lớn nhất gây bội chi và thâm hụt ngân sách cao là do chi bất hợp lý, không sử dụng hiệu quả các nguồn lực… Vì thế, với việc điều chỉnh thuế lần này, nếu chỉ tìm cách tăng thu sẽ là không đủ”, bà Lan nêu ý kiến.
Đan Thanh
——————
Đại biểu Nhân dân 15-9-2017:
http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=395502
(146/1.222)