(HNM) – Bộ Tài chính đang trưng cầu ý kiến, trao đổi thông tin về đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế, gồm: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế tài nguyên và Luật Thuế giá trị gia tăng.
Đã có nhiều ý kiến khác nhau về các đề xuất của ngành Tài chính, như việc nên hay không nên đưa ra vào thời điểm này; những tác động của một số chính sách thuế khi sửa đổi đến các ngành, lĩnh vực, nhất là đời sống nhân dân… Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng hơn, đó là dù sửa đổi theo hướng nào thì các quy định phải được nêu đầy đủ, cụ thể, rõ ràng trong luật, vì nộp thuế là nghĩa vụ quan trọng của các cá nhân, tổ chức kinh tế đối với Nhà nước. Theo các chuyên gia, không nên duy trì dưới hình thức luật khung, rồi sau đó lại ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, để vừa bảo đảm sự minh bạch, công bằng giữa các đối tượng chịu thuế; đồng thời tránh tình trạng cơ quan thuế áp các mức thuế khác nhau, hoặc xác định một trường hợp cụ thể có bị đánh thuế hay không dựa trên nhiều văn bản hướng dẫn thiếu thống nhất.
Tại hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi 5 luật thuế kể trên, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu: Việc các quy định thiếu cụ thể, rõ ràng là thực tế cần được hoàn thiện và điều chỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp; tránh nguy cơ biến một số khoản thuế thu nhập thành thuế giá trị gia tăng, thậm chí quay lại hình thức thuế doanh thu thời gian vừa qua.
Những vấn đề nêu trên cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế cần bảo đảm đúng bản chất của từng sắc thuế, bảo đảm tính nhất quán, rõ ràng, đơn giản của chính sách thuế. Làm được như vậy là góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong thực hiện nghĩa vụ thuế; từ đó tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế – một mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng tới.
Kính Lúp
——————
Hà Nội mới (Tin mới) 15-9-2017:
(202/462)