1.511. Sửa đổi 5 luật về thuế: Bắt kiến bỏ voi?

(TP) – Góp ý về đề xuất sửa đổi 5 luật về thuế của Bộ Tài chính, hầu hết chuyên gia cho rằng, đáng lẽ Nhà nước phải nắm to, bỏ nhỏ, thay vì bắt kiến, bỏ voi. Theo đó, các đề xuất sửa đổi thuế đang theo hướng tăng thu từ người tiêu dùng, thay vì chống thất thu các khoản lớn và kiểm soát chi tiêu ngân sách.
Cần làm rõ những loại nước ngọt nào sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: Như Ý.
Cần làm rõ những loại nước ngọt nào sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: Như Ý.

Nhiều câu hỏi chưa lời đáp

Sáng 14/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Đề án sửa đổi 5 luật về thuế do Bộ Tài chính xây dựng. VCCI mời nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tới dự. Về phía Bộ Tài chính, người đại diện là ông Trương Bá Tuấn, Viện trưởng Viện Chính lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), cùng đại diện một số cục, vụ của bộ. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Phòng pháp chế (VCCI) cảm ơn ông Trương Bá Tuấn đã “dũng cảm” cùng ngồi “ghế nóng” chủ tọa. Dù rằng, nhiều thắc mắc, chất vấn của các đại biểu tại hội thảo chưa được đại diện Bộ Tài chính trả lời, nhưng ông Đậu Anh Tuấn mong được ghi nhận để hoàn thiện Đề án.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, nhiều thắc mắc về sửa đổi 5 luật thuế tại cuộc gặp với Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai hôm 19/8 tới nay vẫn chưa được trả lời. Nay bà Lan tiếp tục đặt lại, như: Bộ Tài chính nói đã có nghiên cứu đánh giá tác động về sửa đổi 5 luật thuế, vậy kết quả đánh giá ra sao? Sửa đổi 5 luật thuế giúp tăng thu ngân sách bao nhiêu? Tăng thu có bền vững không, hay năm 2018, 2019 tăng thuế rồi các năm sau lại tăng tiếp? Tác động của chính sách thuế mới với các ngành nghề ra sao? Các ngành nghề được Chính phủ ưu tiên phát triển liệu có chịu tác động bởi thuế mới?…

Cũng theo bà Lan, Bộ Tài chính dẫn Nghị quyết 07 năm 2016 của Bộ Chính trị về đề xuất tăng thuế. Nhưng Nghị quyết 07 cũng đề cập cả tới vấn đề cơ cấu chi tiêu ngân sách, giảm bội chi nhưng chưa rõ triển khai ra sao. Bộ Tài chính mới tính tới tăng thuế, chưa đề cập tới các loại phí, lệ phí dày đặc người dân và doanh nghiệp đang gánh chịu. “Gánh nặng thuế, phí đặt lên người dân đang quá lớn, không hợp lý, không công bằng và chưa sòng phẳng. Tôi đưa ra các thắc mắc như vậy, nhưng không trông đợi gì cơ quan đề xuất luật (Bộ Tài chính – PV) có thể đưa ra bản đánh giá tác động một cách độc lập, khách quan”, bà Lan nói.

Ông Nguyễn Hồng Huy, tới từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham) mong Bộ Tài chính cân nhắc kỹ về tăng thuế giá trị gia tăng (VAT). Vì thuế VAT tác động tới mọi người dân, làm tăng giá tất cả các mặt hàng. Về thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, theo ông Huy, khoản thuế này nhằm hạn chế tiêu thụ hàng hóa ô nhiễm, hoặc có hại cho sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, cần làm rõ khái niệm nước ngọt nào chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì trong nước ngọt có nhiều sản phẩm có lợi cho sức khỏe không nên đánh thuế, như: Chè, cà phê (sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam); đồ uống dinh dưỡng cho người bệnh, sử dụng thay sữa động vật dành cho trẻ nhỏ… Theo ông Huy, trước đây một số nước châu Âu cũng đánh thuế hạn chế tiêu thụ nước ngọt, nhưng sau đó một số nước đã bỏ thuế này.

Cần sòng phẳng hơn

Góp ý tại hội thảo, đại diện một số hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp cũng phản đối các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính, do các lập luận đưa ra chưa thuyết phục, khái niệm chưa rõ ràng. Điển hình như Bộ Tài chính nói nước ngọt gây tiểu đường, béo phì nhưng không đủ cơ sở khoa học để chứng minh…

Luật sư Trương Thanh Đức đề nghị xây dựng một bộ luật thuế mới, thay vì vài năm lại sửa một lần như hiện nay. “Những luật thuế Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi lần này đã ra đời được 10 năm, có 3-4 lần sửa đổi. Tổng các luật về thuế đã lên con số 10, tới đây sẽ là 11 (thêm luật thuế tài sản). Đã tới lúc cần một bộ luật mới về thuế, với cách thức xây dựng bài bản, rõ ràng, thống nhất, thay vì một mớ bòng bong, khó lần như hiện nay”, ông Đức nói.

Ông Đức cũng ủng hộ quan điểm thay vì tăng thuế cần siết chi tiêu, kiểm soát các khoản thu còn thất thoát, trốn thuế lớn hiện nay như chuyển giá, hộ kinh doanh trốn thuế, lách thuế không kiểm soát được. “Nếu tăng thuế người dân vẫn chi tiêu, vì không thể không ăn, con cái không đi học, ốm đau không chữa bệnh… Nhưng sẽ tạo sự không đồng thuận của xã hội”, ông Đức nói. Vị luật sư này ví von, có vẻ như Nhà nước đang “bắt kiến bỏ voi”.

Bà Phạm Chi Lan bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý thay đổi cách vận hành hệ thống thu thuế hiện nay. Khi ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, cơ quan thuế trả lương 4 triệu đồng mỗi tháng cho 1 người chỉ đi thu được 200 nghìn đồng tiền thuế. “Người dân đã khó khăn vậy thì thu thuế làm gì, thu được vài trăm nghìn mất tới vài triệu đồng như vậy quá tốn kém. Rồi việc ưu đãi thuế tràn lan và chủ yếu rơi vào các đại gia. Giờ chỉ cần siết lại ưu đãi, sửa đổi cách thức thu thuế đã giúp tăng thu không cần tăng thuế. Nhà nước phải nắm to bỏ nhỏ, không phải nắm nhỏ bỏ to”, bà Lan nói. Theo vị chuyên gia này, thuế VAT tác động tới mọi người dân, nhưng chưa ý kiến người dân nào được nêu ra.

Luật sư Trương Thanh Đức mong việc giảm thuế xuất – nhập khẩu sẽ có tác động lan tỏa đến sản xuất, qua đó doanh nghiệp tăng lợi nhuận, mở rộng sản xuất và nộp thuế cho nhà nước nhiều hơn. Thay vì giảm thuế này lại tăng thuế khác, doanh nghiệp không được lợi gì từ hội nhập.

Kết thúc hội thảo, ông Trương Bá Tuấn cho hay, Dự thảo Đề án sửa đổi 5 luật về thuế mới giai đoạn đầu, còn nhiều cơ hội để các chuyên gia, doanh nghiệp cho ý kiến.

Theo Dự thảo Đề án sửa đổi 5 luật về thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên), Bộ Tài chính đề xuất thay đổi hàng loạt sắc thuế hiện hành. Trong đó, thay đổi đáng chú ý là tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% (hoặc lên 14%), thuế ưu đãi từ 5% lên 6% (hoặc 7%); đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt; thay đổi khung thuế thu nhập cá nhân… Theo kế hoạch, Đề án sẽ được trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2018, thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 10/2018.

——————

Tiền phong (Kinh tế) 15-9-2017:

http://www.tienphong.vn/kinh-te/sua-doi-5-luat-ve-thue-bat-kien-bo-voi-1187043.tpo

(245/1.345)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,925