(TBKD) – Không chỉ doanh nghiệp (DN) mà chuyên gia đều cho rằng những căn cứ sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế nói chung (đặc biệt là Luật Thuế tiêu thụ đặc (TTĐB), Thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số mặt hàng) mà Bộ Tài chính đưa ra chưa đủ sức thuyết phục. Việc tăng thuế này chưa hẳn khiến nguồn thu sẽ tăng mà có khi lại giảm vì người tiêu dùng không đủ sức chi trả, còn DN giảm sức cạnh tranh.
Ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính, cho biết, trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách thuế, cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), phù hợp với thông lệ quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho DN.
Vì vậy, Bộ Tài chính đã điều chỉnh, bổ sung về Luật Thuế VAT, Thuế TTĐB với một số mặt hàng như nước ngọt, thuốc lá, ô tô bán tải…
Tự đánh giá, có khách quan?
Trước phản hồi của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt ra hàng loạt câu hỏi cho ông Tuấn: “Tăng thu cho ngân sách được bao nhiêu; Tăng thu có bền vững không; Có tác động đến người dân và DN như thế nào; Những ngành nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, có phù hợp với các ngành đang tái cơ cấu hay không; Tinh thần khuyến khích ngành này, không khuyến khích ngành khác thể hiện trong luật này thế nào”.
Bà Lan băn khoăn về căn cứ sửa đổi 5 luật thuế là chưa thuyết phục. Thứ nhất, căn cứ Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị đề cập tới cả các vấn đề về ngân sách mà không chỉ nguồn thu nhưng sửa luật thuế này mới thể hiện phần thu còn phần chi tiêu chưa hợp lý không thấy nhắc tới.
“Bội chi ngân sách cao là do chi tiêu không hiệu quả, không sử dụng hiệu quả các nguồn lực Nhà nước nắm trong tay chứ không phải do thu ít. Đó mới là khía cạnh quan trọng hơn nhiều”, bà Lan thẳng thắn nói.
Về phía DN, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), đánh giá, báo cáo giải trình của Bộ Tài chính về dự án luật này chưa trả lời được câu hỏi dự án luật này sẽ tác động như thế nào đối với nền kinh tế, với ngành công nghiệp nước giải khát và người tiêu dùng. Nhà nước sẽ có lợi và hạn chế gì nếu thông qua luật này?
Việc tăng thuế VAT chưa hẳn khiến nguồn thu đã tăng mà có khi lại giảm vì người tiêu dùng không đủ sức chi trả
Theo VBA, Bộ Tài chính đưa ra ba cơ sở để áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt: Cơ cấu lại thuế để tăng ngân sách; Phù hợp với xu hướng quốc tế; Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cụ thể là bệnh béo phì và tiểu đường.
Tuy nhiên, theo VBA, các cơ sở thứ nhất và thứ hai chưa có số liệu chứng minh cụ thể là nếu áp thuế TTĐB đối với nước ngọt, Nhà nước sẽ thu được bao nhiêu.
“Cơ sở thứ ba cần phải được chứng minh một cách khoa học về việc: “Liệu nước ngọt có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và béo phì không” và “Nếu áp thuế TTĐB đối với nước ngọt, liệu có giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường không”, ông Vỵ nói.
Do đó, VBA đề nghị Bộ Tài chính cần có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, có cơ sở biện chứng rõ ràng về những ảnh hưởng đối với nền kinh tế nói chung, đối với ngành sản xuất nước giải khát nói riêng và tác động đối với xã hội.
Trong trường hợp cần áp thuế TTĐB đối với nước ngọt, VBA đề nghị Bộ Tài chính xem xét: Áp thuế TTĐB đối với tất cả hàng hóa thực phẩm có chứa đường ở một mức thuế thấp, ví dụ từ 1% đến 3%; hoặc chỉ áp thuế TTĐB đối với những sản phẩm nước ngọt có hàm lượng đường cao…
Người tiêu dùng thiệt, DN mất khách
Trên thực tế, để chứng minh tác động cụ thể của Luật thuế VAT ảnh hưởng tới giá sản phẩm, VBA cho biết, nếu áp thuế TTĐB đối với DN sản xuất nước ngọt là 10%, thuế VAT với mặt hàng nước ngọt tăng từ 10% lên 12% và mức thuế suất VAT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6% sẽ làm giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chi phí sản xuất sẽ tăng lên do mức tăng thuế suất VAT áp dụng cho đường.
Tất cả yếu tố này sẽ gây ra những hệ lụy như: tăng giá thành sản phẩm; giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm; giảm doanh thu có thể kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động…
Đối tượng chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất của luật này sẽ là các DN nhỏ và vừa. Giá bán cao còn có khả năng dẫn đến cơ hội cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển.
Đồng quan điểm, bà Đặng Thị Bình An, công ty TNHH Tư vấn Thuế C&A, cho rằng việc đưa mặt hàng nước ngọt vào mặt hàng chịu thuế VAT nhưng thuyết minh ở tờ trình và dự thảo Luật chưa thống nhất, từ ngữ sử dụng như: bao gồm… trừ…; nước trái cây và rau quả 100% tự nhiên… dễ xảy ra tranh chấp khi thực hiện.
Trong khi đó, theo bà An, về giá tính thuế TTĐB đối với ô tô, cho trừ vật tư sản xuất trong nước là không hợp lý, phân biệt hàng trong nước và hàng nhập khẩu. Thuế đánh trên giá trị ô tô mà không phải đánh trên từng loại vật tư, tiền công cấu thành chiếc xe. Việc tính toán phức tạp, mỗi xe, mỗi thời điểm có giá tính thuế khác nhau. Đối tượng chịu chủ yếu là những người có điều kiện kinh tế cần tăng thu để giảm thuế suất thuế VAT (nêu trên).
Ngoài ra, về thuế suất thuế TTĐB với thuốc lá, cần xem lại thu thuế tuyệt đối với thuốc lá khi mà thuốc lá cao cấp và bình dân đều chịu thuế 1.000 đồng/bao.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết, Dự luật đề nghị quyền chuyển sử dụng đất cũng phải chịu thuế VAT 10 – 12%. Nếu chúng ta chuyển như thế này thì giá nhà tăng thêm rất lớn. Rượu bia tăng thêm 2% nhưng giá nhà tăng 5 – 7%, thậm chí 12%, làm cho thị trường nhà ở càng “đen tối” hơn.
Ông Hà lấy ví dụ, căn nhà bán đi khoảng 2 tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng, thuế VAT 10 – 12%, như vậy có thể sẽ tác động lớn đến lĩnh vực bất động sản. Đó là chưa kể những tác động này sẽ khiến bộ phận không nhỏ người dân vay ngân hàng mua nhà phải chịu ảnh hưởng do giá nhà lên cao tăng thêm khoảng 12%.
Song ở góc độ tư vấn thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho rằng trong điều kiện cắt giảm sâu thuế nhập khẩu theo lộ trình hội nhập, giảm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân nhưng lại yêu cầu tăng chi NSNN và khống chế tỷ lệ bội chi NSNN dưới 5% thì tất yếu phải điều chỉnh tăng thuế gián thu, trong đó có thuế VAT.
Lê Thúy
Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế Lần này sửa 5 luật, vài năm nữa có sửa thêm 5 luật thuế khác nữa không. Đây chỉ là về thuế. Còn phí thì vô cùng nhiều, DN chịu cả một rừng phí, cộng lại thật vô cùng khủng khiếp. Cơ quan tài chính của Nhà nước cần phải tính đến những khía cạnh đó mà không phải cứ tách riêng từng phần chỉ để phục vụ mục tiêu của mình. Ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI Thuế VAT là loại thuế gián thu, đánh vào người tiêu thụ, đặc biệt là người tiêu dùng cuối cùng. Vì vậy, cần phải thu đúng, thu đủ, công bằng để chống thất thu thay vì tăng thuế. Điều này ảnh hưởng tăng chi phí, giảm lợi nhuận trực tiếp đến DN nói riêng và nền sản xuất, kinh doanh nói chung. Ông Vũ Hồng – Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính không điều chỉnh thuế suất VAT, cân nhắc sự phù hợp giữa thu nhập bình quân của người dân Việt Nam với nền kinh tế chung của khu vực, tạo điều kiện hỗ trợ DN Việt Nam bám trụ và có cơ hội phát triển trong quá trình hội nhập kinh tế. Bởi vì gánh nặng thuế VAT sẽ tác động làm giảm nhu cầu chi tiêu thiết yếu của người dân. |
——————
Thời báo Kinh doanh (Diễn đàn) 15-9-2017:
http://thoibaokinhdoanh.vn/Dien-dan-10/Ly-do-tang-thue-chua-thuyet-phuc-39268.html
(71/1.629)