(HQ) – Dự thảo nghị định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đã có nhiều thay đổi cơ bản nhằm tạo thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại về lộ trình thực hiện quá gấp sẽ khiến không ít DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa khó đáp ứng.
Phải sử dụng từ năm 2018
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, hóa đơn điện tử lẽ ra phải được áp dụng từ lâu đối với DN bởi sẽ giúp giảm chi phí không cần thiết, giảm được tình trạng mua, bán hóa đơn bất hợp pháp, giúp DN thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ về thuế được thuận lợi. |
Dự thảo nghị định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dự kiến sẽ thay thế Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn. Các nghị định này sau nhiều năm ban hành, dù đạt được nhiều kết quả tích cực như trao quyền tự chủ về hoá đơn cho các DN, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của cơ quan Thuế địa phương trong công tác quản lý hoá đơn; hạn chế tình trạng hoá đơn khống, mua bán lòng vòng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin… nhưng cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Tiêu biểu như chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc triển khai hoá đơn điện tử trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ.Vì thế, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo dự thảo và đang đưa ra lấy ý kiến, dự kiến trình lên Chính phủ trong tháng 10/2017 và đưa vào áp dụng từ ngày 1/1/2018. Trong đó, Bộ Tài chính dự kiến mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử; đồng thời, có các quy định nhằm hạn chế sử dụng hóa đơn giấy, tiến tới áp dụng đại trà hóa đơn điện tử trong năm 2018.
Cụ thể, đối với các DN trước năm 2018 đã sử dụng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan Thuế thì tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử đang áp dụng; các DN có rủi ro cao về thuế phải sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/1/2018. Với các tổ chức kinh doanh có mã số thuế trước năm 2018 sử dụng hóa đơn tự in từ hệ thống máy tính phải chuyển qua sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế hoặc hóa đơn điện tử do DN tự phát hành từ ngày 1/7/2018 còn hóa đơn do DN đặt in trước 1/1/2018 sẽ được tiếp tục sử dụng trong năm 2018…
Với quy định này, nhiều DN tỏ ra đồng tình với những sửa đổi mang tính tích cực và cầu thị từ Bộ Tài chính.
Tránh gây “sốc”
Mặc dù bày tỏ đồng tình về sự cần thiết của việc sử dụng hóa đơn điện tử, nhưng Luật sư Trương Thanh Đức cũng đặt ra lo ngại khi nhiều DN nhỏ và vừa chưa có khái niệm về hóa đơn điện tử, nên thời điểm sang năm nghị định có hiệu lực là sức ép lớn cho DN, nên Bộ Tài chính cần cơ chế để tạo lộ trình phù hợp cho từng loại hình DN.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, nếu Bộ Tài chính đưa ra con số 90% DN phải áp dụng hóa đơn điện tử vào đầu năm sau sẽ gây khó khăn lớn cho các DN. Bởi hiện nay, số lượng DN tại Việt Nam rất nhiều nhưng nghịch lý là số lượng DN tạo ra 80% nguồn thu thuế lại không nhiều. Vì thế, ngành Thuế trước mắt nên kiểm soát bằng hóa đơn điện tử số lượng DN chiếm 80% nguồn thu này; đối với các hộ kinh doanh, DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa thì nên đặt ra lộ trình dài hơi hơn để họ làm quen và có điều kiện áp dụng theo hóa đơn điện tử.
Cũng cho rằng lộ trình theo dự thảo là “hơi vội”, theo bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia về thuế tại Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A, dự thảo nghị định nên dời thời gian áp dụng đến cuối năm 2019 hay đầu năm 2020, vì khi thực hiện, các DN lớn đã áp dụng theo hóa đơn điện tử, nhưng nếu khách hàng là DN nhỏ chưa áp dụng hóa đơn điện tử sẽ hoạt động không đồng bộ, gây khó khăn cho DN khi xử lý hóa đơn. Vì thế, bà An cho rằng, kéo dài lộ trình thêm 1-2 năm là phù hợp, nếu không thì nên sử dụng song song với hóa đơn giấy để tạo thuận lợi, chờ đến khi các hoạt động, thiết bị của DN và cơ quan quản lý được hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, các DN còn bày tỏ ý kiến chờ mong sự đồng bộ từ các cơ quan quản lý liên quan, đảm bảo dữ liệu điện tử được kết nối đồng bộ từ cơ quan Thuế, Hải quan… đến Quản lý thị trường, tránh trường hợp mỗi cơ quan yêu cầu một hình thức hóa đơn khác nhau. Hơn nữa, việc áp dụng hóa đơn điện tử cho mọi lĩnh vực sẽ gặp khó khăn bởi nhiều trường hợp, DN vẫn phải dùng hóa đơn giấy, tiêu biểu như DN XNK, phải có hóa đơn giấy thì các hãng vận chuyển mới nhận hàng.
Với những khúc mắc từ DN, đại diện Bộ Tài chính khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu và nghiên cứu kỹ lưỡng để nghị định được ban hành với những quy định phù hợp và thuận lợi cho hoạt động thực tế của DN. Ngoài ra, cơ quan Thuế và các cơ quan liên quan cũng cam kết sẽ tích cực thay đổi công nghệ, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cũng như phù hợp với từng lĩnh vực, quy mô của DN.
Hương Dịu
——————
Hải quan (Thuế – Kho bạc) 16-9-2017
https://haiquanonline.com.vn/tien-toi-ap-dung-dai-tra-hoa-don-dien-tu-38469.html
(132/1.113)