(CAND) – Đã từng được đề xuất từ nhiều năm trước nhưng bị “chìm xuồng”, mới đây, việc đề xuất đánh thuế lãi suất tiền gửi tiết kiệm lại được khơi lên khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Đề xuất này được khơi lại bởi luật sư (LS) Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến sửa 5 luật do VCCI tổ chức mới đây. Tuy nhiên, không phải mọi khoản lãi từ tiền tiết kiệm đều bị đánh thuế, mà theo ông Đức, mức lãi đánh thuế phải đạt hơn 200 triệu đồng/năm.
LS Đức cho rằng, con số này dựa trên mức thu nhập từ lãi tiết kiệm cao hơn hai lần mức thuế khởi điểm (tính theo năm) của thu nhập cá nhân tính thuế. Với quy định hiện nay, mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (tính theo năm) là 108 triệu đồng. Như vậy, nếu một khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân tới hơn 200 triệu đồng thì nên đánh thuế. Với mức lãi suất huy động kỳ hạn một năm hiện khoảng 6-7% một năm, để thu về khoản lãi 200 triệu đồng một năm từ tiền tiết kiệm, khách hàng phải gửi tiết kiệm gần 3 tỷ đồng.
Với các cá nhân, đây là một khoản tiền lớn và ngoại trừ những trường hợp đột xuất như bán bất động sản, trúng xổ số, thừa kế… còn chủ yếu những người có đến 3 tỷ gửi ngân hàng chủ yếu là “người giàu”. Hiện nay, chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập.
Cơ sở để đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, theo ông Đức là phù hợp với thông lệ quốc tế và nếu thu nhập từ tiết kiệm ngân hàng tới 200 triệu đồng thì như vậy là đầu tư nên phải đánh thuế. Đề xuất đã được đưa ra từ năm 2013 nhưng vấp phải sự phản ứng của dư luận.
Ủng hộ đề xuất đánh thuế lãi suất tiền gửi tiết kiệm, tuy nhiên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng thừa nhận nếu việc đánh thuế này được áp dụng sẽ khiến các ngân hàng khó huy động tiền gửi. Vì vậy cần xem xét có giới hạn miễn trừ hoặc nâng cao mức giảm trừ gia cảnh để khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, giảm tác động đến người dân.
Nhưng từ phía “người trong cuộc” là các nhà băng cũng như người gửi tiền thì ý kiến này không được ủng hộ. Lãnh đạo một ngân hàng TMCP lo ngại nếu đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, khách hàng sẽ không mặn mà gửi vào ngân hàng nữa.
“Tất nhiên những người đã mang tới 3 tỷ gửi ngân hàng dài hạn, thì đồng nghĩa với nhiều khả năng họ không chọn được kênh đầu tư nào khả dĩ hơn. Tuy nhiên, việc đánh thuế cũng giống như lãi suất tiền gửi sẽ giảm – điều này khiến cho kênh gửi tiết kiệm bớt hấp dẫn, nhiều người lựa chọn kênh đầu tư khác…”, đại diện ngân hàng này nói.
Từ phía khách hàng, anh Khánh – một khách hàng của SHB cho rằng trước khi có số tiền để gửi tiết kiệm thì anh đã đóng đủ loại thuế gồm thuế môn bài, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân rồi. Giờ lại đánh thuế thì sẽ thuế chồng thuế.
“Ngoài ra, việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm cũng cần xem xét kỹ bởi lãi tiết kiệm hằng năm đã bù được trượt giá không mà đánh thuế? Đấy là chưa kể bảo hiểm tiền gửi hạn mức cao nhất cũng chỉ có 70 triệu – những người gửi tiền đã nơm nớp lo lắng, giờ lại thêm đánh thuế tiền gửi, chẳng khác gì con lừa kiệt sức bị vắt thêm chiếc áo. Nếu đánh thuế, tôi sẽ rút tiền ra mua vàng, USD, miễn sao số tiền gửi tiết kiệm không bao giờ đủ hạn mức để phải nộp thuế” – anh Khánh chia sẻ.
Cùng chung ý kiến, một số khách hàng khác cho rằng, tiền gửi tiết kiệm có nhiều lợi ích: ngân hàng dùng tiền đó cho vay đầu tư vào sản xuất, vào kinh doanh,… đem lại lợi ích cho toàn xã hội. Nếu đánh thuế thì dân sẽ tìm cách khác để giữ tiền, không gửi tiết kiệm nữa, và như vậy sẽ kéo nền kinh tế đi xuống.
Trong khi Chính phủ đang chủ trương tăng tín dụng – đồng nghĩa với thu hút thêm tiền gửi từ nhân dân; bên cạnh đó, chủ trương huy động 500 tấn vàng trong dân đưa ra nhiều năm chưa thực hiện được, nếu tiếp tục đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, thì nhiều người sẽ tìm vào kênh trú ẩn là vàng – không những không huy động được mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng vàng hóa. Như vậy, các chủ trương sẽ không nhất quán, thậm chí “đá” nhau. Bởi vậy, cần phải nghiên cứu kỹ tránh tình trạng ban hành rồi lại phải sửa. Đó cũng là kiến nghị của nhiều khách hàng.
——————
Công an Nhân dân (Thị trường) 18-9-2017:
(310/912)